Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Thứ năm - 28/05/2020 21:07 1.682 0
Ngày 28/5/2020, Tiếp tục chương trình Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cơ bản tán thành các nội dung dự án Luật trình Quốc hội lần này. Tuy nhiên, Đại biểu nhận thấy còn những vấn đề cần tiếp tục góp ý hoàn thiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều. Sau đây là nội dung phát biểu tham gia góp ý của Đại biểu Hoàng Đức Thắng.

*Về nội dung Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
1/ Tại khoản 3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6
- Tại khoản 1, Điều 6: Nguồn nhân lực cho hoạt động phòng chống thiên tai;
Dự thảo luật quy định 5 nhóm nhân lực và cũng chỉ mới dừng lại ở nguồn nhân lực trong nước; trong khi đó việc phòng chống thiên tai trong nhiều trường hợp cụ thể đã vượt ra ngoài biên giới, lãnh thổ quốc gia hoặc trong những trường hợp do thảm họa về thiên tai cần có sự giúp sức, hỗ trợ, hợp tác quốc tế; hay nói cách khác phòng chống thiên tai đã và đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Trong thực tế, chúng ta đã tham gia các hiệp định quốc tế và đang làm tốt việc hợp tác quốc tế về PCTT và Việt Nam cũng thể hiện là thành viên có trách nhiệm trong các hoạt động phối hợp, hợp tác quốc tế về PCTT. Do đó, tôi đề nghị bổ sung thêm nhóm về“nguồn nhân lực của cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế” trong trường hợp này là phù hợp. Đồng thời, nó cũng phù hợp với các nội dung về hợp tác quốc tế về PCTT trong dự Luật này.
 
2/ Tại khoản 6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9
Ngân sách nhà nước dành cho phòng chống thiên tai là nguồn lực quan trọng và chủ động để thực hiện nhiệm vụ PCTT. Tuy nhiên, ngoài các nhiệm vụ chi như dự thảo đã quy định, thì còn một số nhiệm vụ cấp thiết phải thực hiện cần quy định nguồn bảo đảm vào dự luật như: Công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao nhận thức cộng đồng, lập các loại bản đồ, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai và các hoạt động phòng chống thiên tai khác. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung nội dung chi trên đây và diễn đạt nội dung này đầy đủ như sau:
            Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản, lập các loại bản đồ phục vụ phòng, chống thiên tai; đầu tư, xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách thực hiện công tác phòng chống thiên tai; hỗ trợ thiệt hại do thiên tai; các hoạt động phòng chống thiên tai khác; các hoạt động thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấpViệc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
      
3/ Tại khoản 23. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 44
Báo cáo tiếp thu giải trình của UBTVQH đã nêu rõ yêu cầu cần thiết về bộ máy chuyên trách tham mưu, giúp việc BCH PCTT& TKCN cấp tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo luật lại không thể hiện được yêu cầu này. Cụ thể là: sửa đổi bổ sung khoản 3, điều 44 dự thảo quy định:  “BCH PCTT &TKCN cấp tỉnh sử dụng bộ phận hiện có của cơ quan chuyên môn về NN&PTNT thuộc UBND cấp tỉnh làm chuyên trách để tham mưu, giúp việc” ; theo tôi quy định như vậy là không rõ ràng về tư cách pháp nhân, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm , thiếu tính hợp pháp khi vận hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. 
 
Ban chỉ huy PCTT&TKCN là tổ chức hoạt động có tính chất kiêm nhiệm, nhất thiết cần có Văn phòng thường trực, giúp việc mới có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ nhất là trong những lúc thiên tai khẩn cấp xãy ra và trong thực tế  thời gian qua văn phòng này đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Vậy tại sao lại không định danh cho “Văn phòng BCH”, mà phải dùng thuật ngữ “bộ phận hiện có” không chính danh, khó hiểu này? Mặt khác, đây không phải chỉ là một tên gọi, mà chính là xác định pháp nhân cho một tổ chức, bộ máy tham mưu, giúp việc cụ thể. Vì thế, tôi đề nghị Luật cần định danh rõ về Văn phòng thường trực BCH để Văn phòng có đủ điều kiện pháp lý trong thực hiện các quan hệ giao dịch, quan hệ công tác, thực hiện nhiệm vụ do BCH PCTT&TKCN giao; và thiết kế theo hướng Văn phòng BCH sử dụng nhân sự của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và PTNT là phù hợp, không tăng thêm tổ chức, biên chế.
 
Theo đó, diễn đạt lại như sau: “ BCH PCTT & TKCN các cấp do Chủ tịch UBND cùng cấp làm Trưởng ban. BCH PCTT & TKCN cấp tỉnh có Văn phòng làm nhiệm vụ thường trực, được sử dụng nhân sự của cơ quan chuyên môn về NN& PTNT thuộc UBND cấp tỉnh làm chuyên trách để tham mưu, giúp việc”
 
* Về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều;
- Trong thực tiễn hiện nay các công trình chống sạt lở đã được đầu tư xây dựng tại rất nhiều khu vực dọc bờ sông, bờ biển tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý đối với các công trình này chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, dẫn đến khó khăn, lúng túng, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đặc biệt trong đó có việc xây dựng các quy định về phạm vi bảo vệ và các hoạt động liên quan đến phải được cấp giấy phép nhưng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Vì vậy, tôi đề Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung liên quan đến chống sạt lở bờ sông, bờ biển vào dự thảo Luật nhằm đảm bảo thuận lợi, thống nhất trong quản lý./.

Tác giả: Phương thanh (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây