Đại biểu Quốc hội Mai Thị Kim Nhung góp ý vào dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Thứ ba - 26/05/2020 05:13 814 0
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 25/5/2020 Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Để góp phần hoàn thiện dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), ngoài những ý kiến chung của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã gửi cho Tổng thư ký Quốc hội, Đại biểu Mai Thị Kim Nhung, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã có ý kiến tham gia vào các Điều luật như sau:
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Kim Nhung góp ý vào dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Kim Nhung góp ý vào dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)
Kính thưa Quốc hội!
Trước hết, tôi thống nhất cao với sự cần thiết ban han Luật Thanh niên (sửa đổi), để góp phần hoàn thiện dự án Luật, tôi xin đóng góp một số ý kiến vào các Điều luật cụ thể như sau:
1. Về trách nhiệm của thanh niên 
Tại Chương II, từ Điều 12 đến Điều 15 của Dự thảo đã thay bằng việc quy định thanh niên có những quyền và nghĩa vụ cụ thể của Luật Thanh niên năm 2005 bằng quy định trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, dự thảo còn quy định chung chưa phân biệt giữa trách nhiệm của thanh niên với quyền, nghĩa vụ công dân theo quy định của Hiến pháp, Pháp luật. Ví dụ: Điều 12, trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc thì Hiến pháp, Luật Nghĩa vụ Quân sự cũng quy định độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự (tập trung vào đối tượng là thanh niên); hoặc Điều 14 quy định trách nhiệm của thanh niên đối với gia đình, thì Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em cũng quy định nghĩa vụ của công dân nói chung trong đó có thanh niên phải thực hiện,... Vì vậy, đề nghị loại bỏ những quy định thuộc về nghĩa vụ công dân phải thực hiện, cao hơn là trách nhiệm quy định đối với thanh niên.

2. Về chính sách của nhà nước đối với thanh niên: Quy định từ Điều 16 đến Điều 29 Chương III Dự thảo. Đây là nội dung cơ bản quan trọng chính của Luật Thanh niên sửa đổi. Dự thảo đã quy định các chính sách, điều kiện pháp lý về các lĩnh vực đối với thanh niên. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần xem xét thêm, cụ thể:

- Một số chính sách cụ thể về các lĩnh vực đã được quy định trong các văn bản pháp luật khác, đối tượng thụ hưởng trong đó có thanh niên, quy định vào Luật Thanh niên là trùng lắp và dễ chồng chéo với các luật khác như Luật Dạy nghề, Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật Lao động, Luật Nghĩa vụ Quân sự,... 

Ví dụ: Khoản 3 Điều 21 Dự thảo quy định “Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an nhân dân được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và các chính sách ưu đãi khác” thực tế chính sách này đã được quy định và đang thực hiện. 

-  Nội dung các Điều trong Chương này chưa cân xứng, còn nặng về quy định chính sách giáo dục, đào tạo “chuyên” mà còn thiếu giáo dục đạo đức cách mạng, tinh thần yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa tức là “hồng” như di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: đào tạo bồi dưỡng thanh niên trở thành người vừa “hồng” vừa “chuyên”. Vì vậy, cần bổ sung thêm các quy định về chính sách giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, phẩm chất, đạo đức...

3. Điều 17. Về lao động, việc làm
Tại khoản 2 đề nghị không quy định cụ thể cụm từ “ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo” vì phù hợp với từng vùng miền đã bao hàm tất cả và phù hợp với nguyên tắc không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp ….được quy định tại khoản 2, Điều 5.

4. Điều 20. Về văn hóa, thể dục thể thao
Tại khoản 3 quy định “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức và bảo vệ sự an toàn của thanh niên trên môi trường không gian mạng”,đề nghịBan soạn thảo bỏ cụm từ “trên môi trường không gian mạng” vì luật không nên quy định phương thức thực hiện chính sách, bởi việc thực hiện chính sách không chỉ giới hạn trên môi trường mạng mà tùy thuộc vào tình hình, đối tượng cụ thể sẽ có phương thức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phù hợp. Do vậy, quy định lại tại khoản 3, như sau: “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức và bảo vệ sự an toàn của thanh niên” 

5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về Thanh niên tại Chương VI
- Khoản 1 Điều 37 và 38 quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Thanh niên, Bộ Nội vụ giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên là phù hợp. Bởi vì, hiện nay Bộ Nội vụ đã và đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Thanh niên, đồng thời bản chất công tác thanh niên là công tác, chiến lược về con người trong một độ tuổi đặc thù, cơ bản nhất là việc hoạch định và thực hiện cho được cả hệ thống về quan điểm, phương hướng, chính sách thanh niên gắn với tổ chức, bộ máy, con người của toàn xã hội chứ không chỉ riêng lẽ lĩnh vực nào. Vì thế, chỉ có ngành Nội vụ mới có đầy đủ thẩm quyền, cơ chế, điều kiện để chủ trì thực hiện. Mặt khác, thanh niên luôn gắn hoạt động với các tổ chức thanh niên, logic vấn đề này thuộc trách nhiệm quản lý các tổ chức hội quần chúng đã được giao cho ngành Nội vụ. Như vậy, quay lại Điều 7 của Luật này lại xây dựng quy định “Ủy ban Quốc gia về thanh niên” mà chức năng, nhiệm vụ tương đồng với Bộ nội vụ trong công tác thanh niên. Do đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét có cần thiết phải xây dựng quy định “Ủy ban Quốc gia về thanh niên” tại Điều 7 hay không trong khi đất nước ta đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện tinh giản biên chế.
- Tại điểm đ khoản 1 Điều 40 quy định “Phân bổ biên chế cho các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên” theo tôi là thừa, không cần thiết, vì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân bổ biên chế cho các cơ quan đơn vị tại địa phương trong biên chế được Bộ Nội vụ giao sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải đáp ứng các nguyên tắc phân bổ biên chế theo quy định. Vì vậy, nếu các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên có đủ điều kiện giao biên chế thì HĐND cấp tỉnh phân bổ nên không cần thiết phải quy định riêng.

Ngoài ra, qua xem xét hồ sơ trình dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), thì chỉ riêng chính sách đối với thanh niên lại có đến 03 Nghị định của Chính phủ. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét có thể Luật hóa các quy định về chính sách đối với thanh niên vào dự thảo Luật, hạn chế việc ban hành các văn bản dưới luật (Nghị định, Thông tư).

Trân trọng cảm ơn Quốc hội!

Tác giả: Nguyễn Hoài Nam (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây