Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị góp ý dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi)

Chủ nhật - 15/11/2020 20:29 1.589 0
Sáng ngày 13/11/2020, Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội tỉnh quảng Trị Hoàng Đức Thắng bày tỏ tán thành sự cần thiết về việc sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống Ma tuý và những bước mới tiến bộ của dự thảo Luật. Sau đây là phát biểu tham gia góp ý của đại biểu tại diễn đàn Quốc hội:
Hoàng Đức Thắng   Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị
Hoàng Đức Thắng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị
Thứ nhất;  Dự án luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, theo đó nội dung luật được xác định theo 3 nhóm vấn đề lớn là: Phòng, chống ma tuý; quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý và cai nghiện ma tuý. Tuy nhiên, trong thiết kế nội dung dự thảo ở các Điều 4: Những hành vi bị nghiêm cấm; Điều 5: Chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma tuý chỉ mới đề cập đến vấn đề phòng, chống ma tuý mà chưa có nội dung nào cho vấn đề quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý, cai nghiện ma tuý là không phù hợp và logic với phạm vi điều chỉnh. Vì vậy, tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung theo hướng nhóm các nội dung liên quan đến nội dung cấm,chính sách của Nhà nước đã có thiết kế rải rác ở một số điều về tại điều 4 và điều 5 này cho đầy đủ và thống nhất.

Thứ hai; Phòng, chống ma tuý là nội dung cốt lõi của dự án luật này và hiện nay đang được thiết kế ở Chương II Trách nhiệm phòng, chống ma tuý. Nghiên cứu nội dung chương này, tôi thấy còn nhiều băn khoăn. Theo tôi nên bỏ từ “trách nhiệm” ngay ở tiêu đề tên chương II này và sửa lại là Chương II: Phòng, chống ma tuý, bởi vì“ Trách nhiệm”  là nội dung về phân công trách nhiệm thực hiện, và do đó nó chỉ là một nội dung trong trong nội dung lớn Phòng, chống ma tuý mà thôi.

Đồng thời, tôi thấy còn rất mơ hồ về nội dung cần có của chương này; ví như: Nội dung phòng ngừa ma túy là gì, phòng như thế nào? Chống ma tuý là phải chống cái gì và chống ra sao? Ai phòng, ai chống? Địa bàn, không gian, biện pháp được pháp luật cho phép mang tính quy phạm pháp luật trong kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống, tấn công tội phạm ma tuý như thế nào? Lực lượng, điều kiện bảo đảm và chính sách cho phòng cho phòng, chống ma túy ra sao? Hay nói cách khác nội dung về phòng và chống Ma túy nhất thiết phải được làm rõ, cụ thể, trong đó cần xác định cụ thể nội dung quy phạm pháp luật về nâng cao nhận thức xã hội, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, tổ chức, cá nhân đối với việc phòng ngừa, ngăn chặn Ma tuý trên một quan điểm: lấy phòng ngừa xã hội làm chính, là biện pháp cơ bản, trên hết và trước hết.  Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét, bổ sung làm rõ, đầy đủ.
Mặt khác, cần rà soát, xem xét nội dung về trách nhiệm phòng, chống ma tuý ở các Điều 6,7,8,9,10, 12 với nội dung phân công trách nhiệm ở Chương VI Quản lý Nhà nước về phòng, chống ma tuý cho phù hợp, tránh trùng lắp.

Thứ Ba là; Công cuộc phòng, chống tội phạm ma tuý là cuộc chiến hết sức phức tạp, cam go và đầy rủi ro cho lực lượng chuyên trách. Dự án luật lần này nhất thiết phải tạo hành lang pháp lý, chế tài, chính sách đủ mạnh để xây dựng lực lượng chuyên trách mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn, chính sách động viên tốt hơn để cán bộ, chiến sĩ lực lượng tin tưởng, an tâm, phấn khởi để dấn thân cho sự nghiệp cao cả này. Vì thế, tôi đề nghị cần thiết nên xây dựng thành một Chương: Lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý chứ không chỉ quy định đơn giản, hạn hẹp trong một điều như dự thảo luật. Theo đó, thiết kế nội dung theo hướng định vị rõ địa vị pháp lý; định danh thống nhất lực lượng hay là cơ quan chuyên trách; tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp, điều kiện bảo đảm và chính sách cho lực lượng này ra sao?  
Trong thực tiễn, các lực lượng Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan và các cơ quan tố tụng là những lực lượng chuyên trách, xung kích trên mặt trận phòng, chống tội phạm Ma tuý. Vì vậy, cần quy định thật rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ; phân công vai trò chủ trì, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng , quy định các biện pháp nghiệp vụ được pháp luật cho phép áp dụng trong tác chiến, tác nghiệp để bảo đảm có hành lang pháp lý thuận lợi đẻ phát huy tốt nhất sức mạnh,  năng lực, hiệu lực,  hiệu quả trong đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, trấn áp tội phạm ma tuý cho các lực lượng chuyên trách này… Có thể nói, đây là những nội dung hết sức cơ bản phải được thiết kế đầy đủ trong dự thảo.

Thứ Bốn là; Về Chương VI, Chương VII trách nhiệm và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý. Như tôi đã phân tích ở trên, phạm vi điều chỉnh luật trên cả 3 lĩnh vực về Phòng, chống ma tuý, về quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý và về cai nghiện ma túy. Vậy nên, đề nghị ban soạn thảo cần xem xét thiết kế nội dung về tránh nhiệm quản lý nhà nước cũng như về hợp tác quốc tế  phải bảo đảm nội dung bao hàm cho cả 3 lĩnh vực này.

Thứ Năm là; Tại khoản 2, Điều 51. Trách nhiệm của Bộ quốc phòng đề nghị bổ sung, điều chỉnh và diễn đạt lại như sau: “ Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan, lực lượng chức năng để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý tại địa bàn theo quy định của Khoản 1 Điều này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”

Tác giả: Phương Thanh (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây