Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị phát biểu thảo luận ở Hội trường về Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Thứ ba - 16/06/2020 05:07 855 0
Ngày 13/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, ĐBQH Hoàng Đức Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị có phát biểu như sau:
ĐBQH tỉnh Quảng Trị - Hoàng Đức Thắng phát biểu tại Hội trường
ĐBQH tỉnh Quảng Trị - Hoàng Đức Thắng phát biểu tại Hội trường
Kính thưa Quốc hội!
Trước hết tôi đánh giá cao với kết quả đạt được như Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid 19. Kết quả “ Kép” về phòng chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế là một “kỳ tích” rất đáng trân trọng, như khẳng định của Bộ chính trị là:“ Thắng lợi bước đầu trong cuộc chiến đấu chống đại dịch đã thể hiện ý chí, sức mạnh của tinh thần đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ”. Đồng thời, tôi thống nhất cơ bản các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới của Chính phủ.

Tại diễn đàn này, tôi xin phát biểu mấy vấn đề sau đây:
1./Tôi ủng hộ đề nghị của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong hình mới mà trong đó có đề nghị đó là trước mắt chưa tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020. Đây là một quyết định sẽ tác động đến đời sống, thu nhập của hàng triệu người đang hưởng lương. Thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đã toả sáng sức mạnh của lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc ta. Chưa có một con số thống kê, nhưng chắc chắn chúng ta đã tiêu tốn rất, rất nhiều nguồn lực cho cuộc chiến này và đến đây phải tiếp tục hy sinh tiền của, nguồn lực cho chiến thắng dịch bệnh; đó là sự hy sinh xứng đáng và cần thiết. Người hưởng lương, mặc dù vẫn có lương trong thời gian nghỉ giản cách xã hội, họ cũng có những đóng góp chung cho xã hội ví như ủng hộ ngày lương và các hoạt động thiện nguyện khác, bản thân họ cũng bị ảnh hưởng do các chi phí phát sinh do dịch Covid, nên nhìn chung họ cũng có những khó khăn nhất định. Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, tôi tin rằng chủ trương chưa tăng mức lương cơ sở để dành nguồn lực cho những mục tiêu cấp bách khác mặc dù có những băn khoăn nhưng sẻ được đối tượng hưởng lương và nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, tôi đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động đầy đủ, báo cáo rõ việc chưa tăng lương cơ sở sẽ kéo dài đến bao lâu? Và nguồn lực dành được là bao nhiêu và sẽ được sử dụng vào mục tiêu gì? Để ĐBQH cũng như nhân dân biết, chia sẻ, ủng hộ. Phải xem nguồn lực có được này là sự hy sinh, đóng góp có trách nhiệm của những người hưởng lương với quốc gia, với dân tộc rất đáng được ghi nhận, nhưng nó chỉ là giải pháp trong ngắn hạn.Mặt khác, đối với những người hưởng lương hưu và người có công với cách mạng, hoặc các nhóm đối tượng cụ thể quá khó khăn thì có thể có chính sách phù hợp. Còn nếu, trong trường hợp cân đối được nguồn lực thì có thể xem xét lại kiến nghị này để giúp cho người hưởng lương có thêm điều kiện khắc phục khó khăn và cũng là chính là “an dân, khoan sức dân” cần thiết lúc này.

2. Về vấn đề xuất khẩu gạo:Trong bối cạnh nhu cầu lương thực trên thế giới tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều quốc gia tăng dự trữ dẫn tới thị trường gạo rất sôi động, giá gạo thế giới tăng đây cũng là cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuynhiên, việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo vừa qua thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện như câu chuyện: Tại thời điểm 0 giờ ngày Chủ nhật 12/4/2020, Tổng cục Hải quan đã mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai gây làn sóng phản đối mạnh mẽ và Thủ tướng đã phải chỉ đạo thanh tra việc điều hành xuất khẩu gạo để xử lý nghiêm nếu có vi phạm và mong sớm có kết luận vụ việc này.
Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất, tháo gỡ các điểm “nghẽn”  trong triển khai thực hiện, cần thiết thì thành lập Ban Chỉ đạo để rà soát, đánh giá cân đối nhu cầu dự trữ gạo; tranh thủ cơ hội cạnh tranh xuất khẩu khi nhu cầu và giá xuất khẩu gạo tăng cao, nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực và lượng dự trữ của Quốc gia.

3.Thách thức từ dịch Covid-19 đã tạo ra áp lực thúc đẩy để phát triển và ứng dụng công nghệ số, CNTT, thương mại điện tử sâu rộng hơn trong đời sống xã hội; đây là cái “Cơ” trong cái “ Nguy”.Kết quả từ việc tổ chức kỳ họp trực tuyến vừa qua sẽ đi vào lịch sử Quốc hội mang dấu ấn Công nghệ thông tin nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và tiết kiệm là câu trả lời tốt cho xu hướng tất yếu trên. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng cho mục tiêu xây dựng một xã hội số của chúng ta chưa đáp ứng, thiếu đồng bộ và liên thông. Hạ tầng phần cứng chủ yếu là do doanh nghiệp làm, còn cơ sở dữ liệu thì các cơ quan, bộ ngành, địa phương xây dựng rất tốn kém nhưng hầu như không kết nối được với nhau, vừa thừa, vừa thiếu. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần phải có giải pháp dài hạn để đầu tư kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thiện cơ sở dữ liệu Quốc gia. Tập trung nguồn lực để phát triển một số nền tảng công nghệ dùng chung, các hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia cốt lõi, hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử, e-logistics, các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin. Cần nghiên cứu có thể giao hoặc đặt hàng cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng côngnghệ số làm cơ sở thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

4./Báo cáo Chính phủ đã nêu rõ kết quả trong phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh điều tra, truy tố để đưa ra xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng nghiêm trọng đã mang lại cho nhân dân và dư luận xã hội niềm phấn khởi và tin tưởng. Tuy nhiên,còn những vụ án vừa qua gây bức xúc, nghi ngờ, nghi vấn trong nhân dân và dư luận về tính đúng đắn về phán quyết của toà án và những vi phạm của các cơ quan tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử như: Vụ án Hồ Duy Hải; vụ nghi vấn công ty Nhật hối lộ ở Bắc Ninh; vụ lùi xe trên đường cao tốc; vụ nhảy lầu tự tử ở Toà án nhân dân Bình Phước; vụ “gỗ trắc” ở Kon Tum, v.v và điển hình là vụ gỗ tại Quảng Trị có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng mà Đoàn biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã giám sát báo cáo; cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, Quảng Bình và nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị giám đốc thẩm bản án đến nay đã gần một năm mà các cơ quan có trách nhiệm chưa xem xét, trả lời; việc vi phạm pháp luật trong bán vật chứng vụ án đã khởi tố đến nay hơn một năm mà chưa được xét xử. Trong khi đó,người dân phải chấp hành án phạt tù trong sự đau khổ, uất ức; của cải bị bán, bị tịch thu khuất tất; người thì uất ức thắt cổ tự tử, người còn lại vào vòng tù tội đang tiếp tục kêu oan trong nỗi chờ mong mỏi mòn vào công lý, nỗi oan khiên được minh giải. Có thể nói, đây chỉ là “phần nỗi của tảng băng chìm” đang bào mòn lòng tin của người dân;nhưng nó là những hồi chuông thôi thúc Quốc hội tiếp tục, quyết liệt hơn nữa trách nhiệm giám sát của mình để bảo đảm cho pháp luật được thượng tôn, niềm tin của nhân dân vào nền tư pháp được cũng cố và để làm trong sạch các cơ quan bảo vệ pháp luật chúng ta.

Tác giả: Nguyễn Hoài Nam (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây