Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị thảo luận tổ về Dự án Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở

Thứ ba - 31/05/2022 11:38 556 0
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 31/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Tại tổ số 7, có 8 vị đại biểu Quốc hội của 4 Đoàn Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Long An, Sóc Trăng đã tham gia ý kiến.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu góp ý một số nội dung dự thảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu góp ý một số nội dung dự thảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở
Phát biểu góp ý một số nội dung dự thảo Luật Dân chủ cơ sở, đại biểu Hà Sỹ Đồng thống nhất sự cần thiết ban hành Luật này, đồng thời cho rằng dự thảo Luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cùng các cơ quan, tổ chức, cho nên có thể nói dự thảo Luật được hoàn thiện thêm một bước với nhiều điểm mới bổ sung. Tuy nhiên một số điểm ở Chương 1 quy định chung cần được nghiên cứu để bảo đảm đầy đủ và chuẩn xác hơn; Cần làm rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghề nghiệp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; Cần nêu và giải thích rõ có cần quy định các nội dung về quản lý nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở hay không; Ban Thanh tra Nhân dân cũng cần phải luận giải vì sao để giám sát việc thực hiện Dân chủ ở cơ sở phải có Ban Thanh tra Nhân dân, có nên gọi là Ban thanh tra Nhân dân không hay nên gọi tên khác phù hợp vì thanh tra thường được hiểu là hoạt động của Thanh tra nhà nước.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại buổi thảo luận tổ về 2 dự án Luật

Đại biểu Hoàng Đức Thắng đồng tình việc nâng tầm Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn lên thành Luật Dân chủ cơ sở là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên đây là dự thảo Luật mới cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 nên còn nhiều điều chưa hoàn thiện. Tại nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai thì cần bổ sung thêm việc công khai trong thu hồi đất, xác định nguồn gốc sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bởi đây là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng tranh cãi, khiếu nại trong nhân dân với chính quyền địa phương. Hiện nay, việc công khai bằng hình thức niêm yết và đăng tải trên trang, cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã đang thực hiện rất tốt, tuy nhiên cũng cần tính toán đến các đối tượng không hoặc khó tiếp cận được các thông tin này thì phải có quy định như thế nào?

Đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng đề nghị tại Điều 3. Giải thích từ ngữ dự thảo luật quy định nhiều đối tượng nhưng lại thiếu sự rõ ràng, tại Điều 4. Hành vi bạo lực gia đình việc quy định quá nhiều hành vi bạo lực một cách cụ thể như vậy sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu sót, đề nghị nên đưa vào quy định trong các Nghị định hướng dẫn sẽ phù hợp hơn. Đại biểu cũng băn khoăn việc quy định giới hạn các mối quan hệ được áp dụng quy định là hành vi bạo lực gia đình sẽ bỏ qua nhiều đối tượng khó đặt tên như người yêu của vợ hoặc chồng sống chung với con riêng vợ hoặc chồng; chế tài phù hợp để xử lý hành chính như thế nào đối với người gây ra bạo lực gia đình để chính họ mới là người trực tiếp chịu hình phạt này.

Đại biểu Hồ Thị Minh thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình


Tiếp tục buổi thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Hồ Thị Minh cũng bày tỏ trăn trở đối với những nơi vùng xa xôi, nơi dân trí thấp, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thường là nơi thường xuyên xảy đến tình trạng bạo lực gia đình thì dự án luật chưa tiếp cận đủ sâu tới nhưng nơi này. Cần xây dựng luật Phòng, chống bạo lực gia đình đảm bảo việc mọi người dân đều đọc hiểu được, nắm được luật và được cảm thấy bảo vệ, đưa dự án luật thiết thực với cuộc sống./.

Tác giả: Phương Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây