Xem xét đưa dự án điện khí Hải Lăng giai đoạn 1 công suất 1500MW vào vận hành giai đoạn 2026-2030 đồng bộ với thời gian khai thác mỏ khí Kèn Bầu để góp phần bảo vệ an ninh biển đảo

Thứ ba - 26/10/2021 22:45 387 0
Sáng nay 27/10/2021, Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị ông Hà Sỹ Đồng tham gia thảo luận với những nội dung sau:
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tham gia thảo luận
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tham gia thảo luận
Kính thưa Quốc hội!
Trước hết tôi xin cơ bản nhất trí việc xây dựng các cơ chế đặc thù phát triển cho các tỉnh thành phố dựa trên Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần rà soát kĩ về đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho các địa phương ngoài các quy định của pháp luật hiện hành có phù hợp không? Trong lúc chúng ta chưa tổng kết thí điểm của 3 thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh  và Đà Nẵng; để có đánh giá đầy đủ những lợi thế khi các tỉnh địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù có phát huy được những lợi thế, dư địa của địa phương mình để vươn lên đóng góp cho quốc gia và hỗ trợ, chia sẻ cho các địa phương trong vùng đang khó khăn hay không? Có tác động lan tỏa vùng miền, gắn với tính tự lực tự cường phát huy năng động, sáng tạo và có phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của Trung ương không? Và có làm tăng bội chi ngân sách Trung ương và trần nợ công hay không? Từ tổng kết thí điểm, qua đó chúng ta mới có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để nhân rộng ra một số địa phương khác mang tính vùng miền để đảm bảo tính công bằng, không ảnh hưởng tới vấn đề xin cho bất bình đẳng.
 
Nếu Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết áp dụng cơ chế đặc thù cho 4 địa phương thì cũng cần xem xét kĩ lại các tiêu chí để xem xét theo thứ tự ưu tiên cho các địa phương khác như một số tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và Miền Trung đang có nhiều tiềm năng, lợi thế, có nhiều dư địa nhưng chưa có được cơ chế chính sách đặc thù để phát triển cụ thể như Quảng Trị đang đề xuất, quan tâm 2 vấn đề là điện khí Hải Lăng giai đoạn 1 công suất 1500MW, phù hợp với thời gian khai thác mỏ khí Kèn Bầu và các dự án điện gió khu vực miền Tây huyện Hướng Hóa đưa vào quy hoạch đồng bộ với quy hoạch quốc gia.
 
Với đặc thù quy hoạch điện gió, điện có liên quan tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, theo quy định tại Luật Quy hoạch, Quy hoạch điện VIII phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia phải có tầm nhìn và phải phù hợp với quy hoạch một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên hiện nay, một số quy hoạch cấp quốc gia chưa được xây dựng như các quy hoạch: Tổng thể năng lượng quốc gia, không gian biển quốc gia, sử dụng đất quốc gia, nên quá trình xây dựng gặp nhiều khó khăn cho Ban soạn thảo trong việc xác định bố trí không gian của chương trình phát triển điện lực. Với sự cố gắng của Bộ Công Thương, Đề án Quy hoạch điện VIII đã được Hội đồng Thẩm định thông qua và đã được Bộ Công Thương hoàn chỉnh Trình Thủ tướng Chính phủ là hơi vội vàng.
 
Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII về cơ cấu công suất nguồn điện, Bộ Công Thương đã phân tích, đánh giá toàn diện về các dự án đã được bổ sung quy hoạch, tính khả thi và phát triển trong thời gian tới, xem xét việc phát triển các nguồn điện phù hợp với lộ trình phát triển xanh, sạch của hệ thống điện, giảm các nguồn điện than chuyển sang các nguồn điện khí và năng lượng tái tạo:
 
Đối với phát triển các nhà máy điện khí với tỷ lệ phù hợp trong tổng cơ cấu nguồn điện, đồng bộ với cơ sở hạ tầng cung cấp khí, phù hợp với khả năng cung cấp và nhập khẩu nhiên liệu, có giá thành sản xuất điện hợp lý đến năm 2030.
 
Về nguồn khí, hiện nay Công ty năng lượng Eni Việt Nam thuộc Tập đoàn năng lượng Eni của Italy đang đẩy nhanh công tác nghiên cứu mỏ khí Kèn Bầu để xác định quy mô và thời điểm khai thác đáp bờ tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, dự kiến thời gian đưa vào khai thác giai đoạn 2026-2030. Là nguồn khí nội địa sẽ có giá thành sản xuất điện hợp lý cần được ưu tiên sử dụng hơn so với nhập khẩu LNG.
 
Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét đưa dự án điện khí Hải Lăng giai đoạn 1 công suất 1500MW vào vận hành giai đoạn 2026-2030 đồng bộ với thời gian khai thác mỏ khí Kèn Bầu như theo Văn bản 154/TTg-CN ngày 04/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ để góp phần bảo vệ an ninh biển đảo.

Tác giả: Phương thanh (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây