Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý 5 nội dung trong thực hiện nhiệm vụ của HĐND năm 2022

Thứ ba - 08/03/2022 22:46 1.505 0
Sáng 07/3, UBTVQH tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 ở khu vực miền Trung. Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận các kết quả hoạt động nổi bật của HĐND các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung, đồng thời nêu rõ 5 điểm cần quan tâm trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022.

Sau một buổi sáng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã hoàn thành tốt đẹp chương trình, nội dung đã đề ra. Hội nghị đã nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ý kiến phát biểu của các địa phương đã làm rõ thêm nhiều kết quả nổi bật, những kinh nghiệm hay, cách làm mới và bài học quý cũng như những tồn tại, hạn chế và có nhiều đề xuất, kiến nghị thiết thực. Đây cũng là dịp để các địa phương giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân trong năm 2022 và nhiệm kỳ 2021 - 2026 .

Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố phát huy trách nhiệm, vai trò, đồng hành đưa các địa phương vượt qua đại dịch

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm cả nước tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19, các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung và Tây Nguyên còn gánh phải chịu thêm những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu như lũ lụt, sạt lở đất ở Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, tuy nhiên các địa phương đã vượt qua khó khăn, ngay sau khi tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã kịp thời, khẩn trương thực hiện nhiều nhiệm vụ với nhiều cố gắng, nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đóng góp quan trọng vào thành quả của cả nước trong năm 2021.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị

Ghi nhận nội dung các báo cáo chung và báo cáo tham luận của các địa phương đã phản ánh đầy đủ kết quả đạt được trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khái quát những kết quả chủ yếu.

Nổi bật là Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành phố đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong điều kiện bị tác động, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Có được kết quả đó là có đóng góp tích cực của Hội đồng nhân dân nói chung, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố và vai trò của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên khắp khu vực Miền Trung và Tây nguyên; thành phố Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đắk Lắk là những địa phương chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Có nhiều địa phương trong khu vực tuy không phải là tâm dịch Covid -19 nhưng đã phải đón hàng chục nghìn người lao động từ tâm dịch trở về địa phương như: tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa.

Tiếp đó đã tổ chức thành công các kỳ họp Hội đồng nhân dân để kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đồng thời quyết định các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố cũng đã sớm ban hành các Nghị quyết về Quy chế hoạt động, Quy chế phối hợp công tác, nhiều số tỉnh, thành phố ban hành Quy chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn đại biểu Quốc hội như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Định..

Ngoài việc tổ chức 2 kỳ họp thường lệ, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức kỳ họp bất thường để quyết định nhiều nội dung quan trọng về phòng, chống dịch COVID-19 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Có các địa phương đã tổ chức đến 7 kỳ họp như Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Nông, Gia Lai, Quảng Trị, Nghệ An...

Đặc biệt, các tỉnh Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế là những địa phương trong khu vực đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội; từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương để phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

Thực hiện tốt hoạt động giám sát, đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề.

Chú trọng nâng cao chất lượng, linh hoạt hình thức tiếp xúc cử tri (trực tuyến, trực tiếp; kết hợp trực tuyến, trực tiếp); tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các kiến nghị của Nhân dân và cử tri, tỷ lệ giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt cao, trên 85%.

Cần quan tâm khắc phục tồn tại, hạn chế, bảo đảm thực chất trong hoạt động giám sát

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý một số hạn chế cần quan tâm, khắc phục như: Tình trạng gửi tài liệu, báo cáo chậm nên ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban. Các cơ quan được giao soạn thảo, chuẩn bị nghị quyết chưa chủ động tổ chức thực hiện. Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức. Công tác giám sát hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân có nơi, có lúc còn hình thức. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có việc còn chậm.
 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 ở khu vực miền Trung

Còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; việc phối hợp và triển khai thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại một số tỉnh, thành phố còn thiếu tích cực, gửi báo cáo giám sát chậm, chất lượng báo cáo còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ băn khoăn về vấn đề mua sắm công, nhiều địa phương làm tốt, nhưng có địa phương không làm hoặc làm không đúng quy định dẫn đến bị sai phạm. Hội đồng nhân dân là cơ quan giám sát nhưng lại không phát hiện ra những sai phạm này.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ họp còn một số hạn chế như hệ thống văn bản điện tử chưa hoàn thiện các tính năng sử dụng, đại biểu chưa thể chỉnh sửa trực tiếp trên bản điện tử; một số đại biểu chưa sử dụng thành thạo và ứng dụng công nghệ thông tin, định mức về máy tính, trang bị cho đại biểu chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân        

Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: 

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp, chất lượng hoạt động, công tác tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát chất vấn, trả lời chất vấn, ... địa phương nào chưa có thì nên xây dựng để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân. Tăng cường công tác thông tin truyền, mỗi kỳ họp của Hội đồng nhân dân nên có đề án riêng về công tác truyền thông theo từng phiên họp và theo từng kỳ họp.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy, chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh, công tác đào tạo, luân chuyển, quy hoạch đại biểu Hội đồng nhân dân. Phối hợp với Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Hội đồng nhân dân, công chức, viên chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Thứ ba, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ để chủ động trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiệm kỳ này Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19 về phương hướng công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội cả nhiệm kỳ, nhiều địa phương, Hội đồng nhân dân đã và đang rà soát để ban hành một chương trình cho cả 5 năm.

Thứ tư, kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Tổ chức giám sát đối với các hoạt động giám sát của 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 đạt kết quả cao nhất.

Thứ năm, tăng cường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố; giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân.

Trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp”, do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực đóng góp cụ thể vào dự thảo Đề án và dự thảo Nghị quyết để khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Khẳng định, Hội nghị đã kết thúc rất tốt đẹp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, kết quả của hội nghị này và hội nghị khu vực phía Bắc đã được tổ chức cũng như kết quả Hội nghị ở khu vực phía Nam sẽ được tổ chức trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo chính thức để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các tỉnh, thành, cơ quan hữu quan; đồng thời, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kỳ vọng, tin tưởng Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả, thành tích tốt hơn năm 2021, đáp ứng yêu cầu của Đảng, sự kỳ vọng và mong muốn của nhân dân và cử tri của cả nước cũng như từng địa phương./.

Nguồn tin: quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây