Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em

Thứ hai - 30/09/2019 22:04 1.414 0
Ngày 30.9.2019, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng chủ trì các buổi làm việc, giám sát về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em tại huyện Triệu Phong và huyện Đakrông.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng phát biểu kết luận tại buổi làm việc với huyện Đakrông
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng phát biểu kết luận tại buổi làm việc với huyện Đakrông

Huyện Triệu Phong có tổng số trẻ em là 21.572 em, chiếm khoảng 21% dân số toàn huyện. Trong những năm qua, các ngành chức năng ở huyện Triệu Phong đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em. Huyện ban hành Chương trình hành động vì trẻ em 2016-2020 và các chương trình khác liên quan đến trẻ em như phòng chống tai nạn thương tích, chương trình thúc đẩy quyền trẻ em.

 Các mục tiêu vì trẻ em đã được lồng ghép vào các chương trình xã hội khác như: Chương trình xóa đói giảm nghèo, DS-KHHGĐ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS, phòng chống tệ nạn xã hội… Bên cạnh đó, đã lồng ghép các nguồn vốn, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở các trường học, điểm vui chơi giải trí công cộng cho trẻ em được học tập, vui chơi và được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Đặc biệt đã có sự ưu tiên, quan tâm và tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng. Nhờ vậy từ năm 2015 đến nay trên địa bàn không có trẻ em bị xâm hại, tuy vậy vẫn có 1 trường hợp bị bỏ rơi.

Huyện Đakrông có tổng dân số 44.680 người, trong đó có 13.971 trẻ em, chiếm tỉ lệ 31,3% tổng dân số; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 143 em, chiếm tỉ lệ 1,02% trên tổng số trẻ em. Trong những năm qua, UBND huyện Đakrông đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại, ngược đãi và bạo hành trẻ em. Đồng thời chỉ đạo ngành giáo dục xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, thành lập và duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ trẻ em gái, xây dựng các điểm vui chơi, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho trẻ em.

Tuy nhiên, do nhận thức về pháp luật và giới tính của các bậc phụ huynh còn hạn chế nên đa số trẻ em thiếu kĩ năng để tự bảo vệ bản thân, do đó từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn vẫn xảy ra 3 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, 1 trẻ bị dâm ô, 1 trẻ bị bỏ rơi.

Tại các buổi làm việc, đại diện các ban, ngành, đơn vị huyện Triệu Phong và Đakrông nêu một số kiến nghị đối với Quốc hội như: Bố trí cán bộ làm cộng tác viên, tình nguyện viên bảo vệ trẻ em ở cấp xã; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đối với các hành vi xâm hại trẻ em.

 Kiến nghị HĐND và UBND tỉnh phân bổ kinh phí bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng; hỗ trợ kinh phí cho cộng tác viên bảo vệ trẻ em cấp thôn; hỗ trợ kinh phí xây dựng khu vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Kiến nghị Sở LĐ, TB&XH quan tâm tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về giới, kĩ năng sống, kĩ năng tự bảo vệ bản thân cho mọi trẻ em; tổ chức các hoạt động truyền thông về công tác phòng chống xâm hại trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lí kịp thời các trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại.  

Phát biểu tại buổi làm việc với huyện Triệu Phong, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh: Huyện Triệu Phong đã thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên trong thực tế cho thấy công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về chăm sóc trẻ em còn hạn chế, trẻ chưa được hướng dẫn những kiến thức, kĩ năng để phòng tránh xâm hại tình dục; các bậc phụ huynh còn thiếu sự chủ động trong việc giáo dục con cái về kĩ năng tự bảo vệ.

Điều đáng nói hơn là hiện nay công nghệ thông tin, mạng xã hội đang phát triển mạnh, do đó đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đồng thời, triển khai các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, giáo dục cho trẻ có kĩ năng sống và tự bảo vệ bản thân. Mặt khác, thường xuyên có sự chủ động trong việc hỗ trợ, can thiệp khi có trẻ em có nguy cơ xâm hại hoặc bị xâm hại.

Đối với huyện Đakrông, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng cho rằng, đây là địa bàn có đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp và hiện tại trên địa bàn có 41 trẻ có cha mẹ li hôn, 143 trẻ có gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mặt khác, công nghệ thông tin, mạng xã hội đang phát triển mạnh cũng chính là những nguyên nhân dễ dẫn dến các vụ xâm hại trẻ em. Do đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu trong thời gian tới huyện Đakrông cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em sâu rộng, hiệu quả hơn nữa đến cộng đồng dân cư.

 Đồng thời, triển khai tốt hơn nữa các hoạt động tư vấn, hướng dẫn kĩ năng phòng chống xâm hại trẻ em cho giáo viên, các bậc phụ huynh và cộng đồng. Cùng với đó, khi có vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra cần kịp thời hỗ trợ, can thiệp và xử lí nghiêm đối tượng vi phạm cũng như phát động phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng ngừa, phát hiện và tố giác các hành vi xâm hại trẻ em.

Về các kiến nghị khác của đại biểu các huyện, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu và sẽ nghiên cứu, tổng hợp báo cáo để trình lên kì họp Quốc hội xem xét trong thời gian tới.  

Nguồn tin: www.baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây