Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trị

https://quochoi.quangtri.gov.vn


Đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Trong 3 ngày, từ 30/10 đến hết 01/11/2018, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan.
Kỳ họp này có sự đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội. Đại biểu có thể đặt câu hỏi với bất cứ Bộ trưởng, thành viên Chính phủ và những người khác về những vấn đề mà đại biểu quan tâm, không như trước đây chỉ tập trung vào một số Bộ, ngành và nhóm vấn đề nhất định. Vì vậy, phạm vi chất vấn khá rộng và đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận xã hội.
Các vị đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã thực hiện quyền chất vấn của mình tại phiên họp. Sau đây là tổng hợp các câu hỏi chất vấn của đại biểu và trả lời của các cơ quan liên quan.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định: trong vụ án "buôn lậu" "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng, việc xử lý vật chứng, bán đấu giá lô gỗ trong quá trình điều tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật, để việc kéo dài vụ án là vi phạm thời hạn tố tụng đến nay gần 7 năm và hứa sẽ chỉ đạo điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, Viện kiểm sát cho biết, đã chỉ đạo điều tra, xem xét xử lý như thế nào? Kết quả ra sao? Vì sao đến nay vẫn chưa khởi tố vụ án vi phạm pháp luật trong xử lý vật chứng vụ án và xử lý trách nhiệm cá nhân tổ chức vi phạm luật tố tụng như kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị và của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng trong bản tuyên án sơ thẩm vụ án này?
Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí trả lời:
Đây là vụ án có 2 nội dung, nội dung thứ nhất liên quan đến buôn lậu gỗ, có hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ nhà nước. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử phát sinh 2 hành vi có dấu hiệu: Một là bán vật chứng trong quá trình giải quyết tố tụng, tức là chưa xét xử sơ thẩm đã bán vật chứng; Hai là có dấu hiệu của ép cung, nhục hình cần làm rõ. Đại biểu Hoàng Đức Thắng và Hồ Thị Minh đã nhiều lần chất vấn Viện trưởng và tôi đã có ý kiến, 3 lần có văn bản gửi 2 đại biểu.
Vừa rồi vụ án này được xét xử, tất nhiên do vụ án kéo dài nên có nhiều lý do. Từ 2 nhiệm kỳ trước và giờ chúng ta đang giải quyết tiếp. Lý do một là thu thập tài liệu đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật còn nhiều ý kiến khác nhau. Lý do thứ hai là công tác giám định, tương trợ tư pháp, hình sự cũng như phát sinh tại phiên tòa những tình tiết mới, làm cho phải điều tra, xác minh làm rõ thêm. Phải nói đây là một vụ việc kéo dài và các đại biểu quan tâm thì tới giờ này về mặt pháp lý, vụ án đã được xét xử sơ thẩm. Vừa rồi Viện Kiểm sát cấp cao ở Đà Nẵng đã có một kháng nghị vì lý do cho rằng việc xử các bị cáo khung hình phạt chưa tương xứng về hành vi phạm tội.
Còn về vật chứng cũng như ép cung, nhục hình thì Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao đã chỉ đạo cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát thụ lý điều tra và đã xác minh một bước, đại biểu Hoàng Đức Thắng có hỏi tới giờ này vì sao chưa thấy khởi tố vụ án? Chúng tôi xin thưa, bởi vì vụ án buôn lậu gỗ chưa có hiệu lực thi hành, mới có sơ thẩm, nếu chờ tới bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành thì cơ sở pháp lý khởi tố của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát tối cao thì sẽ an tâm hơn. Ở đây, chúng tôi đang chỉ đạo phải tiếp tục xác minh làm rõ và khi có pháp lý của vụ án buôn lậu một cách có hiệu lực thi hành thì sẽ quyết làm nhanh 2 yêu cầu về vấn đề bức cung, nhục hình, đặc biệt là vật chứng. Hai hành vi này có khác nhau, xin trả lời với đại biểu Thắng là hiện nay cơ quan điều tra đã điều tra và đã có báo cáo với tôi 2 lần, cơ quan điều tra có xin ý kiến là đang chờ bản án có hiệu lực.
Đại biểu Mai Thị Kim Nhung chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Thực hiện Pháp lệnh người có công với cách mạng, trong những năm qua chúng ta đã đạt được nhiều kết quả hết sức to lớn, thể hiện rõ quyết tâm của ngành và cá nhân Bộ trưởng. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập chưa được giải quyết trên cả ba vấn đề. Xác định đối tượng, thủ tục, quy trình xét công nhận và chế độ người có công. Đặc biệt tình trạng người có công thực chưa được xem xét công nhận, trong khi đó nhiều đối tượng trục lợi chính sách người có công diễn ra phức tạp, gây bất bình trong nhân dân mà nguyên nhân chính chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, chế tài đủ mạnh để điều chỉnh. Vậy, thưa Bộ trưởng, có nên xây dựng Luật Người có công không? Nếu chưa xây dựng được luật thì cần phải sửa đổi Pháp lệnh người có công như thế nào để sớm khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay. Xin trân trọng cảm ơn.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời
Thời gian vừa qua việc xem xét, công nhận người có công chúng ta đang tiến hành theo các quy định hiện hành. Đặc biệt là giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công đang tiến hành một cách quyết liệt và từng bước có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, khẳng định thời gian qua nhìn tổng thể thấy chính sách người có công đã thực hiện được đảm bảo một cách nghiêm minh. Đảm bảo đúng, đủ và kịp thời. Cả hệ thống chính trị đều quan tâm vấn đề này. Nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương từng bước đã đưa vấn đề này trở thành văn hóa trong ứng xử. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách của chúng ta nhiều năm, đặc biệt qua gần 70 năm thực hiện chính sách người có công cho thấy còn hiện tượng và có hiện tượng trục lợi chính sách. Gần đây Bộ cũng đã quyết liệt trong việc phát hiện xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm này.
Xin báo cáo với Quốc hội và cử tri cả nước, cho đến nay Bộ và các địa phương đã phát hiện và đình chỉ thực hiện chính sách 6.510 trường hợp, bao gồm thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Kết thúc thanh tra, đến tháng 8 năm 2018 chúng tôi đã kết thúc thanh tra ở 7 Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô. Toàn bộ số hồ sơ thương binh được lập trong giai đoạn 2015-2018 với tổng số 66.014 hồ sơ. Đến nay, Bộ trưởng cũng đã quyết định đình chỉ chính sách 2.281 trường hợp hưởng chính sách không đúng. Không đúng này không phải là tất cả đều man khai. Có trường hợp man khai, có trường hợp giả mạo, có trường hợp thương binh thật nhưng hồ sơ không đầy đủ thì cũng phải thực hiện tạm đình chỉ. Về tinh thần như vậy. Đã kiến nghị thu hồi 194,78 tỷ đồng.
Thời gian qua, Bộ và các ngành cũng như các địa phương đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về các chính sách người có công, nhất là xử lý về Đảng, xử lý về mặt hành chính. Các cơ quan chức năng, Tòa án cũng đã truy tố 49 vụ, trong đó, có 171 bị cáo, phạt tù 45 người, án treo 124 người. Như vậy, có thể thấy rằng, việc thực hiện của chúng ta thời gian vừa qua, Bộ và các địa phương cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm và bước đầu chúng tôi thấy rằng cũng có hiệu quả nhất định.
Gần đây, nhất là dịp 27/7 vừa qua, nhiều trường hợp hưởng sai chính sách đã tự nguyện trả lại chính sách. Đây cũng là một điều đáng chú ý. Quan điểm của chúng tôi là không ban hành về Luật Người có công. Thực hiện Chỉ thị 14 và chỉ đạo của thường vụ Quốc hội, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đang tiến hành các quy trình để trình thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi toàn diện Pháp lệnh người có công với cách mạng. Đi đôi với việc đó, thời gian tới sẽ lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, tố giác các hành vi vi phạm để xem xét, xử lý, tổng kết phân loại các hành vi vi phạm, các cách thức trục lợi phổ biến cho cán bộ để thực thi phòng ngừa trong việc này.
Thứ ba, tiếp tục thanh tra số hồ sơ thương binh còn lại giai đoạn 2015-2018 trong quân đội và cả nước cùng với các địa phương thanh tra, rà soát toàn bộ 320.000 hồ sơ người tham gia kháng chiến bị chất độc hóa học và con đẻ của người tham gia kháng chiến bị chất độc hóa học. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm, đảm bảo sự tôn nghiêm pháp luật và niềm tin nhân dân. Chúng tôi rất mong các đoàn đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước ủng hộ các chủ trương này. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.
Phạm Hồng Nam (tổng hợp)
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây