Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trị

https://quochoi.quangtri.gov.vn


Đề cương tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Văn phòng Quốc hội soạn thảo “Đề cương tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV”. TG trân trọng giới thiệu toàn văn Đề cương tuyên truyền.
Đề cương tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

A. BỐI CẢNH DIỄN RA KỲ HỌP

Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới được dự báo có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều thách thức; bất đồng về kinh tế, chính trị giữa một số quốc gia lớn tác động tới kinh tế nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Mặc dù vậy, nhờ tiếp tục phát huy được đà tăng trưởng của năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế đạt khá, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội cũng đạt được những kết quả nhất định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, cùng cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực phấn đấu cao nhất, nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong năm 2019.

Sau 20 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm (từ ngày 20/5 đến ngày 14/6/2019), kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

B. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ KỲ HỌP

I. Công tác lập pháp

Tại kỳ họp này, trên cơ sở thảo luận, xem xét, Quốc hội đã thông qua 7 luật, gồm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; thông qua 10 Nghị quyết,gồm: Nghị quyết về phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết bổ sung một số điều vào Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tóa án nhân dân tối cao; Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến về 9 dự án luật khác để làm cơ sở cho việc tiếp tục tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện, trình xem xét thông qua tại kỳ họp sau, gồm: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

II. Giám sát tối cao

1. Kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2019:

Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo và việc thực hiện linh hoạt, quyết liệt các biện pháp điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Năm 2018, 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, bội chi và nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn; môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, độc lập chủ quyền quốc gia được bảo vệ, công tác đối ngoại đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Quốc hội cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình 4 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến vấn đề ban hành hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; có giải pháp thực hiện mục tiêu cổ phần hóa trong năm 2019, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất cho người nông dân; chấn chỉnh công tác quản lý và tăng cường thanh tra, kiểm tra về đất đai và khai thác khoáng sản; rà soát nội dung cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” và điều ước quốc tế, sớm điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư phù hợp nhằm thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; tập trung giải quyết một số vấn đề “nóng” hiện nay liên quan đến tình trạng tín dụng đen, sai phạm trong công tác tổ chức thi, đạo đức xã hội, các hành vi quấy rối tình dục, xâm hại trẻ em, tội phạm về ma túy…

- Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2019:

Quốc hội đánh giá: với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, thu, chi ngân sách nhà nước năm 2018 đã đạt được kết quả tích cực, tổng thu ngân sách nhà nước là 1.424,9 nghìn tỷ đồng, vượt 8% so với dự toán (đây là năm đầu tiên của giai đoạn 2016-2018, thu ngân sách Trung ương vượt dự toán). Tổng chi ngân sách nhà nước là 1.616,4 nghìn tỷ đồng, vượt 6,1% so với dự toán. Kỷ cương, kỷ luật tài chính – ngân sách được tăng cường, đảm bảo kinh phí hoàn thành các nhiệm vụ cần thiết như thực hiện chính sách an sinh xã hội, người có công, quốc phòng, an ninh... Bội chi ngân sách nhà nước là 191,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,46% GDP, thấp hơn so với dự toán được Quốc hội quyết định, nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, thu từ các khu vực sản xuất kinh doanh còn chưa đạt dự toán, thu từ đất đai, dầu thô vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, vẫn còn tình trạng thất thu thuế do các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, thất thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Chi ngân sách nhà nước vẫn còn tình trạng sử dụng các nguồn kinh phí được giao không đúng quy định, chi vượt chế độ, vượt định mức, vượt tiêu chuẩn quy định, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, đến hết 31/01/2019 mới chỉ giải ngân được 75,8%. Một số nhiệm vụ chi giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường vẫn không đạt dự toán ở một số địa phương. Một số chính sách mới được ban hành để thực hiện giảm nghèo, chế độ tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên, các chính sách giáo dục người khuyết tật, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc rất ít người… nhưng chưa có nguồn thực hiện. Thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ còn chậm.

Việc hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán và thông báo nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019 đã cơ bản bảo đảm thời gian quy định. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 36,7% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2018; chi ngân sách nhà nước trong 4 tháng đầu năm 2019 cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Song, đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ giải ngân còn chậm, sẽ tạo áp lực khá lớn trong những tháng còn lại.

Trong những tháng còn lại của năm 2019 cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để hỗ trợ sản xuất – kinh doanh phát triển. Tăng cường kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm và kịp thời hành vi buôn lậu và gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chây ỳ nộp thuế, cải cách chính sách thuế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, thực hiện tốt mục tiêu thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019 đã được Quốc hội quyết định.

2. Chất vấn và trả lời chất vấn

Kỳ họp thứ 7 đã có 141 phiếu chất vấn[1] của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành. Trong thời gian 2,5 ngày chất vấn, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tham gia báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.

Phiên chất vấn diễn ra trong không khí thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận với các thành viên Chính phủ để đi đến cùng vấn đề chất vấn. Tổng cộng đã có 230 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận.

Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những vấn đề được Quốc hội lựa chọn là những vấn đề bức xúc, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm. Các thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, cầu thị; đồng thời, cam kết khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành tổ chức thực hiện, Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân.

3. Giám sát chuyên đề

Ngày 27/5/2019, Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” và dự thảo Nghị quyết giám sát[2]. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn giám sát đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 14/6/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội báo cáo giải trình tiếp thu và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết.

4. Tổng hợp ý kiến, kiến nghị và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, đã tập hợp được 2.293 kiến nghị cử tri và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết[3]. Đến nay đã có 2.290 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định đạt 99,87% tổng số kiến nghị đã chuyển. Trong đó, có 191 kiến nghị (8,79%) đã được giải quyết xong; 272 kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 6 chưa được giải quyết nhưng đã được các bộ, ngành tiếp thu xây dựng lộ trình để giải quyết[4].

Về cơ bản, các bộ, ngành đều nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp thu các kiến nghị mà cử tri nêu; các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải trình ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm vấn đề. Ngoài việc trả lời, một số bộ, ngành còn thông tin cho cử tri thêm về các quy định của pháp luật có liên quan khác cũng như kế hoạch triển khai khắc phục những vấn đề mà cử tri kiến nghị. Hiện tượng trả lời chung chung, không đúng trọng tâm, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn, sơ suất trong văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri, so với các kỳ họp trước hầu như đã được khắc phục. Hầu hết văn bản trả lời cử tri đều do các Bộ trưởng trực tiếp trả lời và ký.

Tuy nhiên, còn một số tồn tại hạn chế, như: Chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị cử tri của một số Đoàn đại biểu Quốc hội còn bất cập, nhiều kiến nghị mặc dù đã được các bộ, ngành trả lời rõ ràng, đầy đủ tại nhiều kỳ họp Quốc hội, hoặc đã được pháp luật quy định nhưng vẫn tiếp tục gửi tới các bộ, ngành giải đáp, hướng dẫn; có Đoàn đại biểu Quốc hội còn tập hợp cả những kiến nghị cử tri yêu cầu sửa đổi văn bản đã hết hiệu lực thi hành; kiến nghị thuộc thẩm quyền địa phương giải quyết nhưng vẫn tổng hợp, chuyển đến cơ quan Trung ương giải quyết.

5. Chương trình giám sát và thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020

Căn cứ dự kiến tình hình thực tế năm 2020 và kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát của các vị đại biểu Quốc hội bằng hình thức bấm nút điện tử, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng và thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Theo đó, cùng với những nội dung giám sát theo quy định, tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; tại kỳ họp thứ 10, xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn lại về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp. Để triển khai thực hiện chuyên đề giám sát nêu trên, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2020.

III. Xem xét, quyết định các vấn đề khác

1. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 như sau:

- Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.683.045 tỷ đồng, bao gồm số thu chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2016, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.681.414 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018.

- Bội chi ngân sách nhà nước là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 70.125 tỷ đồng; vay ngoài nước 66.838 tỷ đồng.

- Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 283.981 tỷ đồng.

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm các quy định về phân bổ, giao dự toán, điều hành chi để hạn chế thấp nhất việc phải chuyển nguồn kinh phí; ứng trước và thu hồi vốn ứng trước dự toán theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đẩy nhanh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi thường xuyên và cơ cấu lại ngân sách nhà nước; có biện pháp quyết liệt, đồng bộ để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm phê duyệt quyết toán; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước 31/12/2014; chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giám sát và tổng hợp kết quả việc xử lý nợ đọng; cương quyết không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản và xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương vi phạm. Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và báo cáo Quốc hội khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

2. Công tác nhân sự

Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông  Dương Văn Thăng, Thiếu tướng, Quyền Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương nhằm kiện toàn công tác cán bộ, góp phần bảo đảm hoạt động của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Lê Đình Nhường thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

3. Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, trong đó giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó, cần tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông; quyết định các vấn đề cụ thể về phân bổ ngân sách nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương.

C. ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

1. Tuyên truyền thành công của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; kết quả giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước; tinh thần dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm và đổi mới trong các hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Khẳng định hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao, các nhóm vấn đề lựa chọn là xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội.

2. Tuyên truyền nội dung các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, đặc biệt là những nội dung được dư luận xã hội quan tâm, như: nội dung Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; những điểm mới của Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Quản lý thuế (sửa đổi)...

3. Tuyên truyền những kết quả tích cực trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2019, khẳng định mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế – xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ đề ra, an sinh xã hội và đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng an ninh được giữ vững, hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới không ngừng được nâng cao.

4. Tiếp tục tuyên truyền những giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến hết năm 2019, nội dung các nghị quyết về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước được Quốc hội đề ra tại kỳ họp này; nhất là những giải pháp để khắc phục những hạn chế, xử lý vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, tăng cường quản lý nợ công, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế, khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị trong thời gian tới, phát huy tối đa giá trị đất đai trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.

5. Cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 và các năm cuối nhiệm kỳ 2016 – 2020.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

 

[1]. Tính đến hết ngày 14/6/2019.

[2]. Ngày 15/6/2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 61/2018/QH14 về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc với Chính phủ và 07 bộ, ngành, cơ quan Trung ương; tổ chức 03 Đoàn công tác làm việc với 12 địa phương; khảo sát 40 dự án sử dụng đất tại đô thị. Ngày 19/4/2019, Đoàn giám sát đã báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[3]. Sau khi tập hợp các kiến nghị cử tri từ 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành tổng hợp, phân loại những kiến nghị trùng nội dung, những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương còn lại 2.293 kiến nghị.

[4]. Có 205/272 kiến nghị có lộ trình.

Nguồn tin: tuyengiao.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây