Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trị

https://quochoi.quangtri.gov.vn


BC giám sát các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT

Thực hiện Nghị quyết số 321/2016/QH14 ngày 22/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”, và Kế hoạch số 84/KH-ĐGS ngày 20/02/2017 của Đoàn giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị xây dựng Kế hoạch và tiến hành hoạt động giám sát về nội dung trên tại tỉnh Quảng Trị.
Đoàn đã thành lập Đoàn giám sát gồm có 12 thành viên, trong đó có 05 vị đại biểu Quốc hội và một số thành viên từ các cơ quan: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải…
Đoàn đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá các báo cáo của UBND tỉnh và các đơn vị Ban quản lý dự án 4, Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải), Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty TNHH BOT Quảng Trị; tổ chức các cuộc làm việc với lãnh đạo các đơn vị, địa phương có liên quan và khảo sát thực tế tại các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT trên địa bàn tỉnh.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị báo cáo kết quả giám sát như sau:
I. Tình hình triển khai các dự án BOT giao thông trên địa bàn tỉnh:
Kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng, nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, mặc dù tình hình đất nước còn những khó khăn nhưng Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương đã tập trung nguồn vốn ngân sách, vốn ODA… cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tạo lập nhiều cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực từ xã hội; cơ chế chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện. Nhờ đó kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đã có nhiều thay đổi; chất lượng các công trình giao thông ngày càng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển đất nước và của mỗi địa phương.
Đối với Quảng Trị, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng giao thông bằng nhiều nguồn lực khác nhau, tuyến Quốc lộ 1 được đầu tư mở rộng, nâng cấp tạo điều kiện cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương và thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 2 dự án đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), cụ thể là:
1. Công trình Mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Đông Hà đến thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị (Km756+705-Km769+947) theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) (sau đây gọi tắt là đoạn Đông Hà - Quảng Trị)
- Ngày 30/8/2007 Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 2667/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư theo hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) ngành Giao thông vận tải, trong đó có dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A đoạn thị xã Đông Hà đến thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị (từ ngày 11 tháng 8 năm 2009 là thành phố Đông Hà).
- Ngày 15/9/2008 Cục Đường bộ Việt Nam và Công ty TNHH XDTH Trường Thịnh đã tiến hành ký kết hợp đồng dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A đoạn thị xã Đông Hà đến thị xã Quảng Trị số 45/HĐ.BOT-CĐBVN.
- Tổng mức đầu tư (TMĐT): Ngày 17/12/2007, Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 3954/QĐ-BGTVT về việc đề xuất dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A đoạn thị xã Đông Hà đến thị xã Quảng Trị với Tổng mức đầu tư dự kiến là 476,855 tỷ đồng.
Trên cơ sở văn bản số 3222/CĐBVN-TĐ ngày 07/8/2008 của Cục Đường bộ Việt Nam về việc rà soát tổng mức đầu tư dự án, ngày 10/9/2008 Cục Đường bộ Việt Nam ra Quyết định số 1945/QĐ-CĐBVN về viêc chấp thuận điều chỉnh đề xuất dự án, theo đó Tổng mức đầu tư là 536,257 tỷ đồng.
Ngày 10/9/2008, Công ty TNHH XDTH Trường Thịnh đã có Quyết định số 475/QĐ-CT về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1A đoạn thị xã Đông Hà đến thị xã Quảng Trị với Tổng mức đầu (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng) là 536,257 tỷ đồng.
TMĐT được điều chỉnh lần thứ nhất: 889.129.422.292 đồng;
TMĐT điều chỉnh lần thứ 2: 1.030.574.000.000 đồng.
(Một nghìn, không trăm ba mươi tỷ, năm trăm bảy mươi tư triệu đồng)
Trong đó, vốn ngân sách đầu tư cho dự án: 144.321.000.000 đồng.
- Chiều dài tuyến: 12,986km.
- Ban Quản lý dự án 4 (Ban QLDA 4) được Tổng cục đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT giao nhiệm vụ thực hiện một số nhiệm vụ thuộc phía Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án Mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Đông Hà đến thị xã Quảng Trị.
- Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị được giao làm chủ đầu tư Tiểu dự án công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại Quyết định số 1761/QĐ-UBND ngày 16/9/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị.
Tổng mức đầu tư vốn GPMB:
+ Vốn GPMB được phê duyệt: Bộ GTVT quyết định phê duyệt kinh phí GPMB, giá trị phê duyệt ban đầu: 53,292 tỷ đồng (tại QĐ số 2729/QĐ-BGTVT ngày 09/9/2008), phê duyệt điều chỉnh: 144,321 tỷ đồng (tại QĐ số 1711/QĐ-BGTVT ngày 20/6/2013);
+ Vốn GPMB quyết toán: Công tác GPMB hoàn thành trình phê duyệt quyết toán với kinh phí 141,187 tỷ đồng (Tờ trình số 3192/TTr-STC ngày 15/11/2016 của Sở Tài chính).
Nguồn kinh phí chi trả: Sử dụng nguồn vốn Ngân sách Trung ương và nguồn vốn của Nhà đầu tư (Vốn NSNN đã bố trí: 126,509 tỷ đồng; vốn Nhà đầu tư đã chuyển cho Chủ đầu tư để chi trả đến nay là 13,573 tỷ).
- Vị trí trạm thu phí: Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản số 508/CĐBVN-TĐ ngày 13/02/2008 về việc xây dựng trạm thu phí mới, theo đó trước khi có chủ trương lập dự án BOT, Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất với tỉnh Quảng Trị cho dời trạm thu phí về phía Nam thị xã Đông Hà.
Sở Giao thông vận tải Tỉnh Quảng Trị cùng Nhà đầu tư đi khảo sát thực tế và thống nhất vị trí xây dựng trạm thu phí tại Km763+800 Quốc lộ 1A. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đồng ý vị trí xây dựng trạm thu phí trên tại văn bản số 2626/UBND-CN ngày 14/10/2008.
Tại Quyết định số 2493/QĐ-BGTVT ngày 30/6/2014 của Bộ Giao thông vận tải cho phép Nhà đầu tư sử dụng Trạm thu phí đặt tại Km763+800 Quốc lộ 1A để thu phí hoàn vốn cho dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn thị xã Đông Hà đến thị xã Quảng Trị.
- Công tác thi công, chất lượng công trình:
Công tác quản lý chất lượng thi công công trình được Chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan thực hiện cơ bản tuân thủ quy định của Luật Xây dựng, Hệ thống tiêu chuẩn xây dựng, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 và Nghị định số: 49/2008/NĐ-CP ngày 18/04/2008 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình và các văn bản hướng dẫn; Các hạng mục công trình được thi công theo đúng thiết kế bản vẽ thi công được duyệt, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng chung cho dự án và hồ sơ hoàn công.
- Kết quả kiểm định chất lượng công trình của Viện KH&CN GTVT Miền Trung đánh giá: Công trình đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng.
- Dự án đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán dự án hoàn thành; Phần sử dụng vốn Nhà đầu tư (phần vốn BOT) đã được Tổng cục đường bộ Việt Nam thỏa thuận quyết toán  xong phần xây lắp và chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng với giá trị là 784,711 tỷ đồng.
- Thời gian thi công: Từ 18/10/2008 đến 30/5/2014.
- Thời gian đưa dự án vào khai thác: 17/6/2014.
- Thời gian bắt đầu thu phí hoàn vốn: 06/7/2014.
- Công tác thu phí hoàn vốn: Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh tổ chức thu phí kể từ ngày 06/7/2014 đến hết ngày 12/12/2016 theo Quyết định số 2493/QĐ-BGTVT ngày 30/6/2014 của Bộ Giao thông vận tải.
Từ ngày 13/12/2016: Công tác thu phí tại trạm Km763+800 do Công ty TNHH BOT Quảng Trị được Bộ GTVT chấp thuận là đơn vị tổ chức thu để hoàn vốn đầu tư cho 2 dự án gồm Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Đông Hà đến thị xã Quảng Trị và Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Gio Linh - Đông Hà.
- Thời hạn thu phí của Nhà đầu tư: 19 năm 7 tháng.
2. Công trình mở rộng QL1 đoạn Km741+170 ÷ Km756+705 tỉnh Quảng Trị theo hình thức hợp đồng BOT (sau đây gọi tắt là đoạn Gio Linh - Đông Hà)
- Ngày 12/4/2012, Bộ GTVT có Quyết định số 796/QĐ-BGTVT về việc cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Trị theo hình thức Hợp đồng BOT.
- Ngày 27/3/2013, Bộ GTVT có Quyết định số 766/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn Km741+170 – Km756+705, tỉnh Quảng Trị theo hình thức Hợp đồng BOT.
- Công ty TNHH BOT Quảng Trị là Doanh nghiệp dự án do Liên danh BOT Quảng Trị (gồm Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thịnh và Tổng công ty xây dựng Trường Sơn) thành lập để thực hiện nhiệm vụ tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác Dự án mở rộng QL1 đoạn Km741+170÷Km756+705, tỉnh Quảng Trị theo hình thức hợp đồng BOT.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Bộ Giao thông vận tải.
- Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Ban quản lý dự án 6.
- Tổng mức đầu tư: 1.067.793 triệu đồng (Một nghìn, không trăm sáu mươi bảy tỷ, bảy trăm chín mươi ba triệu đồng).
Trong đó, vốn nhà nước đầu tư cho dự án:144.321.000.000 đồng.
- Chiều dài tuyến: 15,54km.
- Vị trí trạm thu phí: Dự án mở rộng QL1 đoạn từ Km741+170 - Km756+705, tỉnh Quảng Trị theo hình thức Hợp đồng BOT không xây dựng trạm thu phí mà sử dụng trạm thu phí Km763+800 (của dự án Đông Hà - Quảng Trị) để cùng thu phí hoàn vốn cho cả 2 dự án.
- Công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng: Do UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện. UBND tỉnh Quảng Trị giao cho các huyện, thành phố nơi có dự án đi qua tổ chức thực hiện công tác GPMB tại Quyết định số 1308/QĐ-UBND ngày 23/7/2013 về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện công tác GPMB dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1.
- Về công tác thi công, chất lượng công trình:
Công tác quản lý chất lượng thi công công trình được Chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan thực hiện cơ bản tuân thủ quy định của Luật Xây dựng, Hệ thống tiêu chuẩn xây dựng, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Thông tư 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình; các thông tư hướng dẫn về quản lý chất lượng công trình điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện và các văn bản hướng dẫn, quy định chung, chỉ đạo trong quá trình thực hiện dự án của Bộ GTVT; Các hạng mục công trình được thi công theo đúng thiết kế bản vẽ thi công được duyệt, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng chung cho dự án và hồ sơ hoàn công.
- Kết quả kiểm định chất lượng công trình của Tư vấn kiểm định đánh giá: Công trình đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng; Công trình được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng tại Văn bản số 8138/BGTVT-CQLXD ngày 14/7/2016.
- Tổng quyết toán công trình, dự án: Chưa thực hiện.
- Quyết toán đợt 1: Đã được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm tra, thỏa thuận giá trị quyết toán đợt 1 với giá trị là: 594.395.286.000 đồng (chưa bao gồm kinh phí GPMB Nhà đầu tư đã chuyển cho địa phương là 177.803.658.671 do chưa có quyết định phê duyệt quyết toán của địa phương và chi phí lãi vay là 133.164.016.897 đồng) tại Văn bản số 3248/BGTVT-TC ngày 29/3/2017.
- Về thực hiện thu phí:
Từ ngày 13/12/2016, công tác thu phí tại trạm Km763+800 do Công ty TNHH BOT Quảng Trị được Bộ GTVT chấp thuận là đơn vị tổ chức thu để hoàn vốn đầu tư cho 2 dự án gồm Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Đông Hà đến thị xã Quảng Trị và Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Gio Linh - Đông Hà.
- Thời hạn thu phí của Nhà đầu tư dự kiến theo Hợp đồng BOT là: 21 năm 3 tháng 5 ngày.
II. Nhận xét chung:
1. Qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội nhận thấy rằng các dự án BOT trên địa bàn Quảng Trị phù hợp với chủ trương xã hội hóa công tác đầu tư các công trình giao thông vận tải; phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đáp ứng các yêu cầu, quy định về lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cũng như việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt dự án đầu tư.
Việc xác định tổng mức đầu tư, phương án tài chính, vị trí đặt trạm thu phí tuân thủ các quy định, được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các dự án đáp ứng được yêu cầu, mục đích mở rộng Quốc lộ 1 theo phương án, kế hoạch và thể hiện rõ tác động tích cực của các dự án trong tổng thể dự án mở rộng Quốc lộ 1 của Chính phủ, cải thiện và nâng cao năng lực giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như của địa phương.
Về hiệu quả tổng thể của dự án giao thông theo hình thức BOT trên địa bàn cơ bản bảo đảm 3 lợi ích:
Lợi ích Nhà nước: Huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, nâng cao năng lực vận tải, giảm ùn tắc giao thông trên toàn tuyến và trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Lợi ích Nhà đầu tư: Tạo công ăn việc làm cho người lao động và lợi ích của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Lợi ích người dân: Được sử dụng các tuyến đường mới, thuận tiện thông thương góp phần phát triển kinh tế; tạo công ăn việc làm cho một số lao động của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
2. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chia sẻ với Nhà đầu tư trong điều kiện khó khăn quá trình triển khai dự án như: công tác giải phóng mặt bằng và vốn bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước chậm; điều kiện tổ chức thi công, thời tiết bất lợi; cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến hành lang pháp lý cho mô hình mới (BOT giao thông) giai đoạn đầu dự án, nhất là dự án đoạn Đông Hà - Quảng Trị trong những năm đầu tác động ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai dự án, làm chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương, sự ủng hộ, đồng thuận của người dân; sự chỉ đạo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ban QLDA 4, Ban QLDA 6, Bộ Giao thông vận tải); sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của Nhà đầu tư... Vì vậy, nhìn chung về cơ bản các mục tiêu của các dự án đã đạt được; dự án BOT đoạn Gio Linh - Đông Hà chất lượng công trình được nâng cao; tiến độ thời gian được rút ngắn so với dự kiến; Việc vận hành, khai thác, kinh doanh, bảo trì các công trình...đáp ứng các yêu cầu quy định.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận sự cố gắng của nhà đầu tư trong việc khắc phục những hạn chế về chất lượng công trình (dự án BOT đoạn Đông Hà - TX Quảng Trị) để bảo đảm quản lý, vận hành thông suốt; khắc phục những bất cập về chất lượng công trình (đầu tư nhiều tỷ đồng để xử lý nền đường, mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho công tác bảo trì công trình); các vấn đề tồn đọng như: giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng và nhiều vấn đề phát sinh khác đã và đang được xem xét giải quyết. Việc quyết toán công trình đang được thực hiện. Dự án Đông Hà - TX Quảng Trị đã được nghiệm thu, thỏa thuận quyết toán; Dự án Gio Linh - Đông Hà đang trong quá trình chuẩn bị cho nghiệm thu từng đợt và tiến đến tổng quyết toán công trình.
III. Những vấn đề đặt ra:
Bên cạnh những kết quả tích cực trên đây, cần thấy rằng: Dự án BOT Đông Hà - Quảng Trị dự kiến hoàn thành trong 24 tháng, song thực tế đã kéo dài đến 67 tháng (gấp 2,8 lần thời gian dự kiến). Điều này đã làm phát sinh nhiều hệ lụy, tác động ảnh hưởng đến nhà đầu tư, làm phát sinh nguồn vốn, tăng mức tổng đầu tư dự kiến từ 536,257 tỷ (trong đó: Vốn BOT: 482,965 tỷ đồng; Vốn Ngân sách GPMB: 53,292 tỷ đồng) lên trên 1.030 tỷ (trong đó: Vốn BOT: 886,253 tỷ đồng; Vốn ngân sách GPMB: 144,321 tỷ đồng), ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước (trong đó vốn GPMB tăng từ 53,292 tỷ lên 144,321 tỷ); ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư; ảnh hưởng đến đi lại của nhân dân trong gần 6 năm xây dựng công trình.
Nguyên nhân của việc chậm tiến độ có yếu tố GPMB quá chậm, cùng một số nguyên nhân khác, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, thời gian hoàn vốn dự án kéo dài, ảnh hưởng đến lợi ích của người sử dụng dịch vụ các công trình giao thông BOT này.
Chất lượng công trình một số đoạn không được bảo đảm như mong muốn, phải duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhiều lần. Nguyên nhân của chất lượng công trình cần được xem xét trên cả 3 vấn đề: Việc khảo sát, thiết kế; việc tổ chức thi công và việc quản lý, vận hành, khai thác công trình; Ngoài ra, do công tác GPMB quá chậm, kéo dài, khi GPMB được thì yêu cầu thời gian thi công gấp rút; áp lực thời gian thi công giai đoạn cuối trong điều kiện thời tiết không thuận lợi đã có những tác động ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công trình.
Tuy các công trình đã được đưa vào khai thác, sử dụng nhưng vẫn còn tồn đọng một số vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình khai thác công trình, cụ thể như:
- Dự án BOT Gio Linh – Đông Hà:
+ Đoạn qua địa bàn huyện Gio Linh còn tồn tại đoạn đường gom dân sinh từ Km743+785 - Km743+863 (dài 78m) phía trái tuyến; 02 vị trí chưa lắp đặt dải phân cách giữa (tại Km746+050 dài 15m; Km748+480 dài 18m).
+ Đoạn qua thành phố Đông Hà: Mặt đường bê tông nhựa đoạn Km754+872 - Km754+900 (dài 28m, rộng 2m thuộc phạm vi làn hỗn hợp phía trái tuyến) chưa thực hiện được do còn vướng 02 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.
+ Còn một số hạng mục phát sinh đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận bổ sung như: Cải tạo Trạm thu phí không dừng; Tổ chức giao thông tại 03 nút giao (Nút giao Ngã tư Sòng Km754+063, Nút giao Km756+395, Nút giao 756+845); Nút giao QL1 với đường DT 575 và cống chui qua đường sắt huyện Gio Linh, bổ sung hệ thống thoát nước dọc, thay thế hệ thống biến báo đường bộ theo Quy chuẩn quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT chưa được thực hiện.
+ Việc bồi thường, hỗ trợ nhà dân bị rạn nứt do chấn động khi thi công công trình (chủ yếu là vốn từ nhà đầu tư) hiện nay vẫn chưa được thực hiện.
- Dự án BOT Đông Hà – Quảng Trị:
+ Việc lát vỉa hè tại một số đoạn qua thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong chưa được thực hiện (157 hộ dân chưa có vỉa hè); hệ thống thoát nước dọc ở trung tâm thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong), một số đoạn ở phường An Đôn (thị xã Quảng Trị) không thoát nước được gây ngập úng khi trời mưa.
+ Công tác quyết toán phần vốn GPMB: Ngày 30/9/2016 Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng giao thông – Sở GTVT Quảng Trị trình thẩm tra phê duyệt quyết toán tại Tờ trình số 476/QLDA; Ngày 8/11/2016 Tổ tư vấn thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành tỉnh đã thẩm tra; ngày 15/11/2016 Sở Tài chính đã có Tờ trình số 3192/TTr-STC trình UBND tỉnh phê duyệt quyết toán nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định phê duyệt.
- Vấn đề giá phí và chính sách, cơ chế miễn, giảm phí cho người dân địa phương (nhất là khu vực gần trạm thu phí) để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên là vấn đề của người dân, chính quyền địa phương và Đoàn đại biểu Quốc hội đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được xem xét, giải quyết.
- Một số vấn đề thuộc hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách tác động ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo hình thức BOT đã có những bất cập trong thực tiễn cần được nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện.
IV. Kiến nghị của Đoàn giám sát:
1. Về chính sách, pháp luật về đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT:
Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương tổ chức đánh giá, tổng kết việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) các công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung và công trình giao thông nói riêng để từ đó rà soát các chính sách, pháp luật hiện hành để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi,hấp dẫn không chỉ khuyến khích các nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mà còn khuyến khích các hình thức xã hội hóa đầu tư khác; bảo đảm quyền và lợi ích các bên liên quan, hài hòa lợi ích nhà nước, lợi ích doanh nghiệp, lợi ích người dân, không để xung đột các lợi ích này.
Phải có cơ chế thẩm định và phê duyệt các dự án BOT chặt chẽ hơn để kiểm soát tổng mức đầu tư và các chi phí liên quan (thực hiện Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Thông tư 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các văn bản liên quan khác) vì qua giám sát thấy rằng các chi phí khác chiếm trên dưới 50% tổng mức đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian hoàn vốn, đẩy giá phí lên cao…
2. Đối với Ban quản lý Dự án 4 và 6 Bộ giao thông vận tải:
- Là các cơ quan đại diện cho Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền quản lý nhà nước đối với 2 dự án BOT tại Quảng Trị, cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các dự án BOT, chỉ đạo giải quyết các tồn tại, vướng mắc hiện nay như đã đề cập ở mục III, nhất là giải quyết những vấn đề tác động ảnh hưởng đến người dân (đền bù, hỗ trợ thiệt hại) ; phối hợp cùng địa phương giải quyết các vấn đề tồn tại về GPMB; phối hợp tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình hoàn thiện công trình; kiểm soát chặt chẽ việc nghiệm thu, tổng quyết toán công trình, về giá phí, thời gian thu phí hoàn vốn công trình, hình thức thu phí (tổ chức thu phí không dừng) theo thẩm quyền chức năng, bảo đảm quản lý doanh thu chặt chẽ.
- Kiến nghị giải quyết những kiến nghị của chính quyền cũng như người dân địa phương trong việc ban hành cơ chế miễn, giảm mức phí hợp lý cho nhân dân, nhất là khu vực xung quanh trạm thu phí.
- Kiến nghị xem xét mức phí tại trạm thu phí Km763+800 Quảng Trị so với các tỉnh trong khu vực theo Thông tư 135/2016/TT-BTC ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Bộ Tài chính theo hướng không cào bằng một mức phí, mà nên xác định trên cơ sở chiều dài tuyến, tổng mức đầu tư công trình BOT tại các trạm tương ứng.
- Kiến nghị với các Ngân hàng thương mại xem xét việc giảm lãi suất nguồn vốn vay đầu tư cho các công trình BOT giao thông, trên cơ sở đó để giảm mức thu phí tại các trạm thu phí BOT.
- Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải: Hiện nay thực hiện theo chủ trương của Bộ GTVT cho phép lắp đặt trạm cân để kiểm soát tải trọng xe nhằm hạn chế ảnh hưởng đến công trình giao thông do xe lưu hành quá tải trọng cho phép gây ra. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có chế tài hoặc giải pháp cho Nhà đầu tư xử lý khi xe quá tải lưu thông qua trạm. Do đó Nhà đầu tư đề nghị trường hợp công trình hư hại do xe quá tải gây ra thì chi phí khắc phục, sửa chữa được tính vào chi phí sửa chữa đột xuất và bổ sung vào phương án tài chính của Dự án.
3. Đối với nhà đầu tư:
- Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án, chính quyền địa phương khẩn trương xử lý, hoàn thiện các nội dung, các vấn đề tồn tại của công trình như đã nêu tại mục III báo cáo này, bảo đảm quản lý, vận hành, khai thác, kinh doanh, duy trì tốt chất lượng công trình tương ứng với giá trị mà người sử dụng dịch vụ BOT đóng góp; thường xuyên thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh mặt đường công trình, bảo đảm lưu thông thuận lợi, thông suốt, an toàn.
- Chủ trì phối hợp với địa phương có liên quan xử lý hệ thống thoát nước, nhất là đoạn qua thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong), phường An Đôn (TX Quảng Trị); đẩy nhanh việc thực hiện các nội dung bổ sung hoàn thiện công trình; khẩn trương hoàn thiện công việc để nghiệm thu, tổng quyết toán công trình; sớm thực hiện việc thu phí không dừng tại trạm thu phí, bảo đảm công khai, minh bạch số liệu thu phí.
- Phối hợp với UBND huyện Triệu Phong, thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong) tiếp tục đầu tư hoàn thiện vỉa hè đoạn qua thị trấn Ái Tử; phối hợp với chính quyền địa phương để có chính sách miễn, giảm phí cho các phương tiện của nhân dân, của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn (vấn đề này đã được chủ đầu tư cam kết trong cuộc làm việc với Đoàn giám sát và lãnh đạo các địa phương).
4. Đối với các cấp chính quyền địa phương (UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố liên quan)
- Theo chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, tăng cường phối hợp có trách nhiệm với các Ban quản lý dự án, nhà đầu tư giải quyết các vấn đề vướng mắc hiện nay như: dứt điểm các vướng mắc về GPMB, giải quyết quyền lợi người dân bị ảnh hưởng khi thi công công trình; phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng công trình, bảo vệ bền vững công trình.
- Phối hợp với nhà đầu tư (Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh) thỏa thuận việc miễn, giảm phí qua trạm cho các phương tiện của của nhân dân, của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; UBND huyện Triệu Phong, thị trấn Ái Tử phối hợp GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư để tiếp tục hoàn thiện việc lát vỉa hè thị trấn Ái Tử theo cam kết của nhà đầu tư tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát.
- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các địa phương liên quan sớm quyết toán vốn GPMB 2 dự án từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhất là dự án Đông Hà - TX Quảng Trị việc quyết toán quá chậm để nhà đầu tư có cơ sở báo cáo Bộ GTVT xem xét chấp thuận quyết toán tổng vốn đầu tư dự án.
- Tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về các công trình giao thông theo hình thức BOT, tạo điều kiện ủng hộ các cơ quan chức năng, nhà đầu tư trong quản lý khai thác, bảo trì công trình.
- Theo kiến nghị của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan, địa phương liên quan xem xét, giải quyết một số vấn đề sau:
+ Thời gian vừa qua trong phạm vi dự án có rất nhiều tổ chức, các nhân tự ý mở đường giao đấu nối trái phép vào công trình. Nhà đầu tư đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp để xử lý tình trạng đấu nối đường giao trái phép vào công trình gây mất an toàn giao thông.
+ Đối với dự án mở rộng QL1 đoạn từ thành phố Đông Hà đến thị xã Quảng Trị, theo Hợp đồng BOT các hạng mục vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng sau khi nhà đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ bàn giao cho địa phương quản lý và khai thác. Hiện nay phần điện chiếu sáng đã được địa phương nhận quản lý và khai thác; còn lại hạng mục vỉa hè, cây xanh chưa được địa phương nhận bàn giao đã làm phát sinh thêm chi phí của nhà đầu tư trong quá trình khai thác (chi phí này không được tính toán trong phương án tài chính của dự án). Hạng mục vỉa hè chỉ thiết kế cho người đi bộ và tải trọng xe thô sơ, tuy nhiên nhiều phương tiện xe tải nặng thường xuyên đi qua, dừng đỗ trên vỉa hè làm hư hỏng nhiều vị trí (lún, sụt,...) đề nghị địa phương xem xét nhận bàn giao để quản lý theo hợp đồng BOT và có phương án phối hợp để bảo đảm quản lý tốt vỉa hè cũng như hệ thống thoát nước công trình.
5. Đối với MTTQVN, đoàn thể nhân dân các cấp.
Tuyên truyền giải thích vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách, pháp luật, lợi ích từ việc thực hiện chủ trương xây dựng các công trình theo hình thức BOT nói chung và công trình BOT về giao thông nói riêng trên địa bàn để tạo sự đồng thuận, nghiêm túc chấp hành chủ trương, pháp luật; phối hợp và tạo điều kiện để các nhà đầu tư BOT tiến hành các hoạt động quản lý, kinh doanh, bảo trì, bảo dưỡng, bảo vệ các công trình phục vụ lợi ích chung.
Tăng cường giám sát, phản biện xã hội trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật các dự án BOT về giao thông trên địa bàn.
Trên đây là báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội./.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây