Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trị

https://quochoi.quangtri.gov.vn


Công tác dân nguyện nhìn từ hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị

Ngày 22/8, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên đề “Đổi mới công tác dân nguyện của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử”. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng phát biểu tham luận về đổi mới công tác dân nguyện.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng phát biểu tham luận tại Hội nghị
Thời gian qua, công tác dân nguyện đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, đổi mới và đã đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, nổi bật nhất là việc định kỳ báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại Phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là sự đổi mới về phương thức thực hiện công tác dân nguyện và đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để những nội dung, vấn đề cử tri và Nhân dân kiến nghị được truyền tải kịp thời đến với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó yêu cầu Chính phủ, bộ ngành, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. 
Dn02 1661178707352
Toàn cảnh Hội nghị chuyên đề của Ban Dân nguyện

Tham gia phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng cho biết: Công tác dân nguyện của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua tập trung thực hiện thông qua công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận, tổng hợp, ý kiến, kiến nghị cử tri; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc xử lý đơn thư của công dân của các cơ quan có thẩm quyền; thực hiện các chương trình, kế hoạch giám sát của Đoàn hoặc tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội, UBTV Quốc hội, các Ủy ban, Hội đồng dân tộc Quốc hội. Qua đó, đã giải đáp được nhiều kiến nghị, thắc mắc của công dân, đặc biệt là các quy định của nhà nước liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, các chính sách xã hội, hạn chế được tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người kéo dài. Chủ động giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Chất lượng giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo do Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Quốc hội chuyển đến các cơ quan được nâng lên đáng kể. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm, cùng phối hợp xem xét, giải quyết.

Công tác tiếp xúc cử tri được mở rộng đến nhiều thành phần, đối tượng và đổi mới hình thức tiếp xúc theo cụm xã, phường, thị trấn, kết hợp với lấy ý kiến của cử tri qua các phương tiện thông tin đại chúng và các tổ chức đại diện, mở chuyên mục: “Ý kiến cử tri” trên Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH tỉnh là kênh thông tin tương tác giữa cử tri với ĐBQH của đoàn. Tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề theo đối tượng cử tri với các hình thức linh hoạt khác mang hiệu quả thiết thực. Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp tổ chức và duy trì thường niên diễn đàn “Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh với trẻ em”, đây là sáng kiến rất có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực, gợi mở một phương thức hoạt động tiếp xúc mới của đại biểu dân cử với đối tượng xã hội là trẻ em hết sức đặc thù. Sau các cuộc tiếp xúc cử tri đã tổng hợp kịp thời, đầy đủ ý kiến, kiến nghị cử tri gửi các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết.
dien dan DBQH voi tre em
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng phát biểu tại Diễn đàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh với trẻ em năm 2022


Thông qua hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri hoặc qua bưu điện và hộp thư điện tử, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, trong đó có đơn do tổ chức, cá nhân các tỉnh, thành khác gửi đến. Sau khi tiếp nhận, tiến hành phân loại đơn thư theo các tiêu chí: Phân theo loại đơn (tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh); theo lĩnh vực (lĩnh vực hành chính, tư pháp và lĩnh vực khác); theo điều kiện xử lý (đơn đủ điều kiện thụ lý, giải quyết; đơn không đủ điều kiện thụ lý, giải quyết; đơn trùng lặp nội dung vụ việc); theo địa bàn (trong tỉnh, ngoại tỉnh)... sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đồng thời thông báo, hướng dẫn bằng văn bản cho đương sự biết để liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; ban hành các văn bản trả lời, hướng dẫn cho công dân đối với những vụ việc không cần thiết hoặc không đủ điều kiện chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Một số vụ khiếu nại kéo dài, Đoàn ĐBQH tỉnh tranh thủ ý kiến chuyên gia, Hội Luật gia, phối hợp Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh bàn bạc, thống nhất phương án giải quyết. Các đại biểu Quốc hội trong quá trình tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đã chuyển đến lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh để thống nhất phương án xử lý, tránh gây chồng chéo, trùng lắp hoặc không thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có các cuộc giám sát chuyên đề về lĩnh vực dân nguyện như: Giám sát “việc giải quyết kiến nghị cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển đến thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, địa phương” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ kỳ họp thứ nhất (7/2016) đến kỳ họp thứ 7 (5/2019) Quốc hội khóa XIV. Giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” theo kế hoạch của UBTV Quốc hội. Giám sát chuyên đề về việc xét xử vụ án “Buôn lậu và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn tỉnh Quảng Trị và TP Đà Nẵng” từ năm 2011... Sau giám sát đã có các kết luận, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đánh giá lại vụ án có dấu hiệu oan sai, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều cuộc khảo sát, xem xét có căn cứ để kiến nghị giải quyết các vụ việc mà cử tri kiến nghị, phản ánh.

Qua thực tiễn công tác dân nguyện của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Đại biểu Hoàng Đức Thắng đã chỉ ra những tồn tại hạn chế, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm, qua đó có những đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện trong thời gian tới như: Cần nhận thức về vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của công tác dân nguyện, nhận thức về trách nhiệm công tác dân nguyện, nhận thức về mối quan hệ giữa công tác dân nguyện và dân vận; Công tác dân nguyện là hoạt động mang tính nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến nhiều lĩnh vực, chi phối bởi nhiều đạo luật, đòi hỏi đại biểu Quốc hội, bộ phận văn phòng giúp việc phải có kiến thức, phương pháp, nghiệp vụ khoa học; đồng thời cũng là hoạt động đòi hỏi cần có kỹ năng tiếp dân, đối thoại với nhân dân. Bởi vậy, nhất thiết cần thống nhất quy trình, nghiệp vụ hướng dẫn chuyên sâu, bảo đảm đúng các quy định pháp luật, pháp lý và linh hoạt trong hoạt động dân nguyện cho các đại biểu Quốc hội và đại biểu dân cử; Ban Dân nguyện cần xây dựng nhiều kênh kết nối sâu sắc hơn nữa với các đại biểu Quốc hội; Các Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương; Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin điện tử về công tác dân nguyện, đặc biệt là công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và các ý kiến kiến nghị của người dân để phục vụ các Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội chủ động, thống nhất trong việc xử lý công việc; nghiên cứu, xây dựng và cung cấp trang bị phần mềm theo dõi nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo cho các Văn phòng phục vụ Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố để thống nhất theo dõi một mẫu chung trong cả nước….

Tóm lại, để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của công tác dân nguyện, đã đến lúc phải xem xét căn bản khoa học về cơ sở lý luận, pháp lý, thực tiễn; kiện toàn hệ thống cơ quan chuyên trách có đủ thẩm quyền và năng lực chuyên môn; tập trung hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan về công tác dân nguyện, cũng nhưng nghiên cứu, xây dựng quy trình, nghiệp vụ, nền tảng cở sở thông tin theo dõi, giám sát về công tác dân nguyện một cách đầy đủ, hiệu quả, chính xác và thuận tiện nhất; không ngừng nâng cao kiến thức, năng lực hoạt động trong lĩnh vực dân nguyện của các đại biểu dân cử cũng như các cán bộ làm công tác chuyên môn, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả trong công tác dân nguyện, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của Quốc hội, cơ quan dân cử trong cả nước./.

Tác giả: Lê Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây