Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị chất vấn, tranh luận các vấn đề tại kỳ họp Quốc hội

Chủ nhật - 06/11/2022 21:09 348 0
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 4 và 5/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề: xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ, thanh tra. Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia chất vấn, tranh luận với các thành viên Chính phủ tại các phiên làm việc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Phát biểu tranh luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ĐBQH tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ số người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ smartphone là bao nhiêu? Căn cứ vào chính sách nào để hỗ trợ smartphone?

Bên cạnh đó, người dân đang cần hỗ trợ cây, con giống, hạ tầng phục vụ cho sản xuất và nhiều điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ vấn đề nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Sỹ Đồng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, tiếp cận thông tin theo nghĩa có sóng, có thiết bị thì không dùng ngân sách mà dùng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích ngoài ngân sách do các doanh nghiệp đóng góp.

Hỗ trợ một phần đến khoảng hơn một nửa, các nhà mạng có thể hỗ trợ thêm. Hiện nay bộ đang chỉ đạo các nhà mạng tham gia, vì các nhà mạng cũng có lợi ích trong việc này.
 

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng nêu một số câu hỏi với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng cho biết, việc sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 là chủ trương lớn, tác động sâu sắc đến đời sống KT-XH, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, Nhân dân các địa phương nhưng phải tổ chức thực hiện trong thời gian rất ngắn, chưa đánh giá tác động đầy đủ, chưa lượng hết các tình huống phức tạp phát sinh. Một số địa phương chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân, đến nay còn rất nhiều khó khăn, bất cập chưa được giải quyết.

Đại biểu cho rằng, phải chăng chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho công việc hệ trọng và phức tạp này?

Đại biểu Hoàng Đức Thắng đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh việc tổ chức thực hiện trong thời điểm, thời gian và cách làm như vậy có vội vàng, chủ quan không?

Với trách nhiệm của mình, Phó Thủ tướng sẽ chỉ đạo để giải quyết những khó khăn, bất cập đối với các đơn vị hành chính mới thành lập sau sắp xếp và khi nào sẽ được giải quyết xong?

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến cấp thẩm quyền về đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách đối với các đơn vị hành chính, cán bộ, công chức, viên chức ở nơi sắp xếp, nhất là đối với cán bộ dôi dư, cũng như chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Trường hợp cần có chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét.

Tranh luận với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, ĐBQH Hà Sỹ Đồng đề cập đến việc thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên là rất khó, chưa có giải pháp hiệu quả. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí từng khẳng định, vấn đề này có nhiều nguyên nhân và rất khó để thu hồi, đặc biệt trong điều kiện chưa có luật về đăng ký tài sản thì nên chuyển hướng từ xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự sẽ thu hồi được nhiều hơn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết có tán thành quan điểm này không? Nếu tán thành thì giải pháp là gì? Nếu không tán thành, Thanh tra Chính phủ có giải pháp gì tốt hơn không?

Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, ĐBQH Hoàng Đức Thắng cho biết, hiện nay có nhiều cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ thực hiện rất chậm, có những cuộc trên cả 5 năm chưa ban hành kết luận.

Vì vậy, đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết những cuộc thanh tra này là do không kết luận được hay là vì lý do nào khác? Có hay không tiêu cực trong các cuộc thanh tra "treo" này. Tổng Thanh tra sẽ làm gì để kết luận được các cuộc thanh tra này?

Đồng thời, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị trong báo cáo hằng năm với Quốc hội, HĐND các địa phương, ngành thanh tra cần báo cáo tiến độ thực hiện các cuộc thanh tra và xem đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ngành.

Về thu hồi tài sản, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, nên tập trung ưu tiên xử lý kinh tế, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự. Đây là quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thanh tra Chính phủ cũng quán triệt quan điểm này trong xử lý các vụ việc.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, nguyên nhân chậm kết luận thanh tra là do chủ quan, do nhiều cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp, liên quan đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, cần thời gian tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn, dẫn đến chậm. Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, qua kiểm tra, không có tiêu cực trong các vụ việc này, các vụ việc chậm đang được tích cực khắc phục.

Về giải pháp cho vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, ngành đang kiến nghị sửa đổi một số điều khoản trong Luật Thanh tra về nội dung thời hạn đưa ra kết luận thanh tra. Đồng thời nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm, ban hành và quán triệt thực hiện nghiêm quy chế về việc tổ chức hoạt động thanh tra.

Tác giả: Phương Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây