Khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Thứ ba - 04/04/2023 22:50 195 0
Sáng 5/4, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Văn Trạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang… và các đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Toàn cảnh phiên khai mạc hội nghị
Toàn cảnh phiên khai mạc hội nghị
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này diễn ra trong thời gian 3 ngày, từ ngày 5-7/4, để thảo luận, cho ý kiến về 7 Dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.  Cụ thể gồm các Dự án Luật: Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, căn cứ Luật Tổ chức hoạt động Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình hoạt động, để chuẩn bị tốt nhất cho Kì họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết dịnh triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận một số sự án luật trình tại Kỳ họp thứ 5.
CTQH VDHue phat bieu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã xem xét thông qua được 16 luật và nhiều nghị quyết với sự thống nhất đồng thuận cao. Có được điều này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng Nhà nước, các cơ quan, sự phối hợp chặt chẽ từ sớm từ xa của các cơ quan hữu quan, sự đóng góp tích cực, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quóc hội chuyên trách nói riêng. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 4 hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách được tổ chức. Đánh giá chung các hội nghị có chất lượng cao và kết qủa tốt, lắng nghe được nhiều ý kiến sau sức tâm huyết của các đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 5 tới, công tác lập pháp là một nhiệm vụ trọng tâm với việc xem xét cho ý kiến và thông qua nhiều dự án lớn và quan trọng. Trong đó, số lượng dự án luật trình xem xét thông qua hoặc xem xét lần đầu dự kiến gấp đôi do với các kỳ họp khác. Số lượng các dự án luật dự kiến đưa vào chương trình là rất lớn do yêu cầu bức thiết của thực tiễn. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này tập trung trí tuệ, thảo luận, cho ý kiến vào 7 dự án luật trong đó có 6 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 gồm Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự. Riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 6.


Đối với 6 dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội cho biết ngay sau Kỳ họp thứ 4, cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra đã tích cực tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên sâu, lấy ý kiến thêm các đối tượng bị tác động. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận trong quá trình này không có sự phân biệt vai giữa cơ quan chủ trì với cơ quan thẩm tra mà thực chất là “hai trong một” để phối hợp rất chặt chẽ. Với cách làm này thì mặc dù dự án Luật đang trong giai đoạn nào, vai nào chủ trì thì cũng đều được xem xét kĩ lưỡng, với chất lượng cao nhận được sự đồng thuận lớn.

Tại phiên họp thứ 20 và 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng đối với 6 dự án Luật này, nhất là những vấn đề lớn quan trọng hoặc là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Cho đến nay, về cơ bản như vấn đề lớn ý đã được cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Sau phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX và Liên minh HTX một số tỉnh, thành phố và ý kiến của các cơ quan hữu quan, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và Liên minh HTX Việt Nam rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo tại Hội nghị này. 

Dự thảo Luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 04 điều so với Dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. 

Tham gia góp ý vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị - Hoàng Đức Thắng cho rằng về nguyên tắc thực hiện chính sách tại khoản 2 Điều 17, quy định như dự thảo so sánh “không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa" là không cần thiết. Vì việc hỗ trợ chính sách có thể cao bằng hoặc thấp hơn một loại hình kinh tế nào đó dành cho kinh tế HTX, do tính chất, yêu cầu cần thúc đẩy hỗ trợ trong một giai đoạn hoặc một thời điểm mang tính lịch sử nào đó là phù hợp và phù hợp với khả năng cân đối với nguồn lực của cả nước là đủ.
DB HDThang phat bieu
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội nghị

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, cách đặt vấn đề so sánh như dự thảo dường như có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, trái với quan điểm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc lại quy định này.

Về điều kiện trở thành thành viên HTX tại Điều 29, đại biểu nhận thấy, cách tiếp cận như dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên đề nghị cần loại bỏ những đối tượng đang có vấn đề chưa phù hợp thì không được tham gia thành viên HTX như: quy định với những người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành các biện pháp hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Toà án cấm đảm nhiệm chức vụ cấm hành nghề… thì không được góp vốn và trở thành thành viên HTX. Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, nếu không loại bỏ điều này, các đối tượng này được tham gia thành viên HTX thì có thể gặp rủi ro về pháp lý và không phù hợp với các quy định pháp luật khác.

Về quy định đại biểu dự Đại hội đại biểu HTX tại Điều 57, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, luật không nên quy định cụ thể nội dung này mà chỉ nên quy định những vấn đề lớn có tính nguyên tắc, còn vấn đề cụ thể thì nên để Điều lệ HTX quy định.

Liên quan đến khoản 4 Điều 68, đại biểu cho rằng, chủ trương cho thuê cần được quy định rõ trong quyền quyết định cho thuê như thế nào, tiêu chuẩn việc thuê ra sao, quy trình cho thuê như thế nào… Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhận thấy, nếu nội dung này không được quy định trong luật thì sau này việc tổ chức thực hiện sẽ gặp khó khăn. Đại biểu cũng tham gia góp ý một số nội dung về quy định giải thể HTX và Liên hiệp HTX tại Điều 95 của dự thảo Luật.

Trong phiên thảo luận sáng nay, có 17 lượt ý kiến phát biểu góp ý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra làm rõ thêm mội số nội dung đại biểu quan tâm. Các đại biểu đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tiếp thu, giải trình dự thảo luật. Các ý kiến phát biểu nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật.

Trong phiên làm việc buổi chiều, hội nghị tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật Đấu thầu (sửa đổi) theo chương trình.


 

 

Tác giả: Lê Dương (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây