ĐBQH Hoàng Đức Thắng tham gia ý kiến tại tổ về Dự án Luật Viễn thông, Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Chủ nhật - 11/06/2023 21:00 178 0
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng nay 10/6, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Viễn thông, Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã tham gia ý kiến vào 2 dự thảo luật này.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã giải trình làm rõ và tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã giải trình làm rõ và tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội

Đối với Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng: Việc sửa đổi Luật Viễn thông sau hơn 13 năm thi hành nhằm đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực viễn thông. Thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Viễn thông thời gian qua.

Về cơ bản đại biểu đồng tình với nhiều nội dung quy định tại dự thảo luật. Đại biểu cũng đã đưa ra những ý kiến góp ý về vấn đề bảo đảm bí mật thông tin; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông; trách niệm quản lý nhà nước về viễn thông của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp...

Theo đại biểu, cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ về viễn thông; quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng thụ hưởng, nhất là trong các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ bí mật đời tư cá nhân; rà soát cập nhật những quy định đã thực hiện ổn định để đưa vào dự thảo luật và tránh việc giao cho Chính phủ quá nhiều điều, khoản hướng dẫn; nghiên cứu, rà soát các nội dung để đảm bảo tính tương thích với các cam kết quốc tế, quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật đầu tư, kinh doanh.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 10/6 

Đối với Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh: Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của nhà nước ta, là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho Nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại…

Tuy nhiên, qua hơn 9 năm triển khai thi hành, luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Đại biểu nhất trí việc cần thiết phải ban hành Luật Căn cước nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và quản lý nhà nước; hướng tới mục tiêu năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử.

Về đối tượng áp dụng được quy định tại dự thảo, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị phải quy định chặt chẽ hơn, làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, lý do mở rộng đối tượng cấp căn cước công dân là người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam cho phù hợp với tên gọi và đề xuất sửa đổi. Qua đó, đảm bảo các điều kiện để quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống ở nước ta. Tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đại biểu cũng đã tham gia góp ý cụ thể vào một số nội dung khác quy định tại dự thảo như: về hình thức nên bỏ từ “thẻ” trên căn cước; việc quá nhiều thông tin cần cung cấp khi làm thẻ căn cước; về lệ phí cấp, đổi thẻ hay việc duy trì, khai thác, sử dụng lâu dài đối với căn cước công dân.

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã giải trình làm rõ và tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Theo bộ trưởng, các mục tiêu quan trọng khi xây dựng luật này là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường quản lý, bảo vệ người dân. Bộ trưởng cũng khẳng định việc bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là rất chắc chắn, mỗi ngày có cả ngàn cuộc tấn công, xâm nhập vào cơ sở dữ liệu nhưng không vượt được qua hệ thống bảo vệ.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng công an đang phấn đấu để trước ngày 30/7, mọi người dân theo đúng độ tuổi quy định đều được cấp thẻ căn cước công dân. Hiện tại có 19 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% cấp thẻ căn cước công dân.

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi) dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Chiều nay, Quốc hội sẽ tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi); sau đó Quốc hội kết thúc đợt 1 kỳ họp thứ 5, để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

Tác giả: Cẩm Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây