Tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV

Thứ sáu - 17/05/2019 04:06 1.552 0
Trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã tổ chức 09 điểm tiếp xúc cử tri tại địa bàn dân cư để báo cáo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ bảy và thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri.Sau đây là tổng hợp ý kiến cử tri liên quan đến thẩm quyền giải quyết của các cơ quan ở địa phương.
Tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV
1. Cử tri xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa kiến nghị:
- Xã Ba Tầng là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa, đời sống của nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức rất khó khăn. Hiện nay, Trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân xã đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, trạm y tế xã chưa bố trí nữ hộ sinh. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện quan tâm, bố trí kinh phí cũng như nhân lực cho xã.
2. Cử tri xã Mò Ó, huyện Đakrông kiến nghị:
- Xã Mò Ó được chọn để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, sẽ hoàn thành về đích trong năm 2020. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, xã Mò Ó mới chỉ hoàn thành 11/19 tiêu chí. Nguyên nhân là nguồn lực phân bổ cho xã để thực hiện xây dựng nông thôn mới trong 2 năm gần đây rất hạn chế ( năm 2018 là 392 triệu đồng, năm 2019 là 400 triệu đồng), trong khi đó nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu rất lớn như: giao thông, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng… việc xây dựng các tổ hợp tác, các hợp tác xã phát triển sản xuất cũng cần nhiều kinh phí thực hiện. Trước mắt, mục tiêu về đích trong xây dựng nông thôn mới đang gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Đakrông chỉ đạo các ngành chức năng đầu tư kinh phí để xã thực hiện xây dựng nông thôn mới đảm bảo theo lộ trình.
- Về đội ngũ cán bộ Tổ công tác 30A theo Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27 /4/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì được hưởng các chế độ, chính sách như cán bộ, công chức cấp xã. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hàng năm không cấp cho xã để chi trả các chế độ như công tác phí, văn phòng phẩm… cho các cán bộ Tổ công tác 30A. Đề nghị Ủy ban nhân dân huyện quan tâm, xem xét bố trí nguồn kinh phí và có chính sách bố trí việc làm đối với đội ngũ Tổ công tác 30A sau khi kết thúc dự án.
  - Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tại điểm a, khoản 3, Điều 3 có quy định đối tượng được ưu tiên hỗ trợ bao gồm: các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã nghèo thuộc huyện nghèo.  Đối với các xã này khi bố trí vốn đầu tư tùy theo tiêu chí sẽ được bố trí vốn theo hệ số 5 hoặc hệ số 4 quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 4. Hiện tại, xã Mò Ó được bố trí vốn đầu tư theo hệ số 1 (không thuộc đối tượng ưu tiên nêu trên). Ý kiến cử tri cho rằng: Việc Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn xây dựng nông thôn mới cho xã Mò Ó theo hệ số 1 trong khi xã đang có tỷ lệ hộ nghèo là 24%, cận nghèo 16% là chưa thỏa đáng. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch Đầu tư xem xét đưa xã Mò Ó vào diện xã nghèo thuộc huyện nghèo theo Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg để được hưởng chính sách ưu tiên trong bố trí vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới.
- Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, có chủ trương bố trí, sử dụng các đội viên của Đề án Trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 sau khi Đề án này kết thúc vào năm 2020.
- Ý kiến cử tri phản ánh việc xây dựng rất nhiều nhà máy thủy điện và đào đãi vàng trên dòng sông Đakrông gây ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại nguồn thủy sản. Đề nghị tỉnh và huyện quan tâm, có biện pháp xử lí.
3. Cử tri xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh kiến nghị:
- Đường liên xã Vĩnh Tân- Vĩnh Thành nhiều đoạn bị hư hỏng, lầy lội, đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện việc sửa chữa, Bãi tập kết rác thải của xã được quy hoạch, xây dựng đã 10 năm nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh sớm phân bổ nguồn kinh phí để thực hiện.
- Một số hồ sơ đề nghị được tặng thưởng huân, huy chương đối với người tham gia làm nghĩa vụ Quốc tế ở Lào và Campuchia đã hoàn tất các thủ tục, nộp cho cơ quan quân sự các cấp từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra, rà soát, có ý kiến trả lời với cử tri.
4. Cử tri xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ kiến nghị:
- Xã Cam Hiếu được chọn để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu nhưng chưa được tỉnh và huyện quan tâm đúng mức. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đầu tư, tạo điều kiện để xã giữ vững các tiêu chí, hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
- Vụ việc lấn chiếm và tranh chấp 2ha đất rừng giữa một số hộ dân thôn Định Xá với một cá nhân ở Phường 4, thành phố Đông Hà diễn ra đã lâu. Đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Cam Lộ và Ủy ban nhân dân thành phố Đông Hà quan tâm giải quyết dứt điểm.
- Nguồn nước sinh hoạt của một số hộ dân sinh sống dọc tuyến đường Quốc lộ 9 trước đây do Công ty Minh Hưng cung cấp. Hiện nay, hệ thống cấp nước này bị hư hỏng, các hộ dân trên mất nguồn nước sinh hoạt, họ tự khắc phục bằng cách khoan giếng nhưng do sinh sống ở vùng gò đồi nên khó tìm được mạch nước ngầm. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện kịp thời khảo sát, bố trí nguồn kinh phí để lắp đặt hệ thống cấp nước sinh hoạt từ Công ty cổ phần nước sạch Quảng Trị.
- Liên quan đến vấn đề nước sinh hoạt, nhiều ý kiến cử tri phản ánh việc Công ty cổ phần nước sạch tỉnh Quảng Trị không cử nhân viên thu phí nước sinh hoạt hàng tháng đến từng hộ dân mà giao cho xã thành lập tổ thu phí để thực hiện nhiệm vụ này. Việc thành lập tổ thu phí sẽ làm phát sinh chi phí, người dân phải chịu thêm khoản phí này là không phù hợp. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho công trình cấp nước sạch hoàn thành đã lâu nhưng người dân chưa có nước để sử dụng. Kiến nghị Ủy ban nhân dân dân tỉnh chỉ đạo Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Trị thực hiện việc thu phí nước sinh hoạt như đã và đang thực hiện với các địa bàn khác.
- Đường giao thông vào khu trồng cây cao su của xã hiện nay đã bị hư hỏng nặng, đây là tuyến đường độc đạo nên việc sản xuất, khai thác của người dân gặp nhiều khó khăn, kiến nghỉ tỉnh và huyện quan tâm nâng cấp, sửa chữa.
5. Cử tri xã Gio Việt, huyện Gio Linh kiến nghị:
- Tình trạng đánh bắt thủy hải sản bằng thuốc nổ và các ngư cụ mắt lưới nhỏ của một số người dân làm tận diệt nguồn hải sản và phá hủy môi trường biển. Đề nghị Ủy ban nhân dân xã, Ủy ban nhân dân huyện có biện pháp xử lí.
- Hiện nay, xã Gio Việt chưa có bến neo đậu tàu thuyền để tránh trú bão; tình trạng khai thác cát trên sông Hiếu diễn biến phức tạp, làm sạt lở đất trồng hoa màu, nhà cửa, đe dọa đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của nhân dân. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện quan tâm.
- Việc Công ty Hoàng Khang được cấp 50 ha để thực hiện dự án nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, gây lãng phí quỹ đất. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh  kiểm tra, sớm thu hồi để cấp cho các dự án khả thi khác.
- Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét lại chức danh y tế học đường, hiện nay, các trường bố trí người không có chuyên môn về ngành y kiêm nhiệm nhiệm vụ y tế học đường.
6. Cử tri xã Triệu An, huyện Triệu Phong kiến nghị:
Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ phát thanh không dây, truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc các xã bãi ngang, nhưng đến nay người dân vẫn chưa được tiếp cận. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở thông tin và Truyền thông sớm triển khai cho dân.
7. Cử tri xã Hải Khê, huyện Hải Lăng kiến nghị:
- Công ty Trường Sơn (thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế) nuôi tôm công nghiệp ở khu vực xã Điền Hải, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thường xuyên xả nước thải ra cửa sông Ô Lâu, sát với khu vực dân cư thuộc xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị gây ô nhiễm mỗi trường đối với khu dân cư. Kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế  kiểm tra, xem xét để giải quyết việc gây ô nhiễm nói trên.
- Hải Khê là vùng nằm trong Khu kinh tế Đông Nam, hiện nay Nhà nước đang đầu tư khu tái định cư cho người dân nằm trong diện buộc phải di dời. Cử tri băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề sau: chuyển đổi ngành nghề;  môi trường (vì vẫn còn một số khu vực chưa di dời và có vị trí gần với bãi xả thải của nhà máy nhiệt điện); thiết chế văn hóa truyền thống của quê hương (nhà thờ họ, đình làng...); ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện... Đề nghị Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo huyện Hải Lăng quan tâm về quy hoạch xây dựng các công trình, dự án Khu kinh tế Đông Nam nhằm phát triển kinh tế cho vùng, đồng thời đảm bảo môi trường, an sinh xã hội cho người dân.
8. Cử tri phường An Đôn, thị xã Quảng Trị kiến nghị:
- Nghị quyết số 26/2013/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2013 của HĐND tỉnh về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, khu phố quy định  mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách thôn, bản, khu phố có tính đến trình độ chuyên môn nghiệp vụ là không hợp lý. Ý kiến cử tri cho rằng: phần lớn những chức danh này là hưu trí đảm nhiệm, hoạt động chủ yếu mang tính chất tự quản, không tính đến yếu tố chuyên môn, nghiệp vụ. Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh sớm sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, kè chống xói lở, phòng chống lụt bão và phát triển kinh tế khu vực hai bên bờ sông Thạch Hãn, đoạn từ thượng lưu sông Thạch Hãn đến Đập Trấm được triển khai thi công từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do thiếu vốn. Hiện nay đường hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; một số hộ dân có đất bị thu hồi hiện nay vẫn chưa nhận được hết tiền đền bù. Được biết UBND tỉnh đang có kế hoạch tái cấu trúc quy mô dự án. Cử tri đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan sớm triển khai nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại, phát triển kinh tế.
- Tuyến đường Hùng Vương, thành phố Đông Hà có chiều dài hơn 5,7 km kể từ phía Nam cầu Vĩnh Phước (phường Đông Lương, Đông Hà) đến đường Lê Lợi, thị trấn Ái Tử được thiết kế rộng 32 mét với hai làn đường bê tông nhựa. Hiện nay cầu Vĩnh Phước đã được đầu tư nhưng đường vẫn chưa được thi công. Cử tri cho rằng: phải chăng vì trạm BOT đặt ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong nên dự án này không được tiếp tục thi công ? Đề nghị lãnh đạo tỉnh cần nghiên cứu sớm tiếp tục thi công dự án nói trên nhằm phát triển kinh tế của vùng phía Tây huyện Triệu Phong.
- Có ý kiến cử tri đề nghị Kho bạc nhà nước tỉnh xem xét lại tính hợp lý của chủ trương chi trả phụ cấp cho cán bộ thôn, khu phố qua tài khoản vì trái với Thông tư 136/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính, gây khó khăn cho đối tượng thụ hưởng.
 9. Cử tri Phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà kiến nghị:
- Đề nghị Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị kiểm tra mức giá giường bệnh ở Bệnh viện đa khoa tỉnh còn cao; có trường hợp giường bệnh được bệnh nhân sử dụng vài giờ nhưng Bệnh viện vẫn thu phí sử dụng cả ngày.
- Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Đông Hà, các ngành chức năng kiểm tra toàn bộ đất sau dồn điền, đổi thửa của các hợp tác xã trên địa bàn thành phố Đông Hà, đồng thời sớm giải quyết vụ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 64 của một số hộ dân Đội 4, Hợp tác xã Lập Thạch sau đó lại cấp trùng cho ông Trần Đình Quý để nuôi trồng thủy sản, sau khi ông Quý phá sản lại cấp cho Hợp tác xã Lập Thạch.
- Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Đông Hà kiểm tra, rà soát và đối thoại với nhân dân về việc áp giá đền bù đất khu vực đình làng Lập Thạch, nhân dân còn nhiều ý kiến chưa đồng tình. Ngoài ra, ý kiến cử tri còn phản ánh một số nội dung ghi trên bia di tích không chính xác.
- Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Đông Hà cần tăng cường công tác quản lí đất nghĩa trang, nghĩa địa; xem xét lại việc quy hoạch đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố; việc quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập, nhiều khu vực nước mưa không thoát được gây nhiều phiền phức, tai nạn cho người dân. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố có biện pháp giải quyết.
10. Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị kiến nghị:
- Thực hiện việc sắp xếp tổ chức Hội của Trung ương và của tỉnh, hiện nay huyện Hải Lăng đã sáp nhập Hội Khuyến học huyện với Hội Cựu Giáo chức huyện và đang tiến hành sáp nhập cấp xã. Qua phản ánh của cử tri, từ khi sáp nhập đến nay, hoạt động kém hiệu quả do hai Hội không trùng hợp chức năng, nhiệm vụ, cán bộ tâm tư… đề nghị không nên sáp nhập tổ chức Hội ở các đơn vị còn lại để bảo đảm ổn định các hoạt động của Hội Khuyến học các cấp.
- Tổ chức Hội nói chung và Hội Khuyến học nói riêng có đóng góp to lớn vào việc tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thực hiện phong trào thi đua yêu nước với các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập cấp xã”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vào công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay hội có 3.582 tổ chức Hội với 192.337 hội viên chiếm tỷ lệ 30,97% so với dân số. Vì vậy, đề nghị trong kế hoạch hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh nên có đánh giá về hoạt động “khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.
- Thực hiện công văn số 1085/VP-CP-KGVX ngày 01/02/2019 của Văn phòng Chính phủ, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị liên ngành giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh để xem xét thống nhất việc lồng ghép các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” trong tiêu chí công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa” “Làng văn hóa”, “Đơn vị văn hóa”, “Nông thôn mới” theo quy định.
11. Công ty điện lực Quảng Trị kiến nghị:
- Đề nghị các cấp chính quyền quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Điện trong việc thực hiện bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.
- Hiện nay, Cục Thuế tỉnh Quảng Trị giao chỉ tiêu nộp ngân sách đối với Công ty Thủy điện Quảng Trị theo phương thức năm sau cao hơn năm trước là không hợp lí. Việc nộp ngân sách phụ thuộc vào sản lượng phát điện mà điều đó phụ thuộc vào thủy văn từng năm, từng chu kỳ. Công ty Thủy điện đã nhiều lần phản ánh nhưng không được chấp thuận. Việc giao chỉ tiêu theo phương thức trên gây khó khăn cho Công ty trong việc thực hiện kế hoạch giao và không phản ánh đúng thực tế, ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua của đơn vị. Đề nghị Cục Thuế tỉnh Quảng Trị có phương thức giao chỉ tiêu linh hoạt, phù hợp với tình hình sản xuất của Công ty.
12. Ngoài ra, tại Diễn đàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc, đối thoại với trẻ em có ghi nhận một số kiến nghị của đại biểu trẻ em như sau:
- Đề nghị Sở Văn hóa thể thao và Du lịch có chính sách miễn vé tham quan các di tích lịch sử cho đối tượng là thiếu nhi để các các cháu có điều kiện đi tham quan các di tích lịch sử trong tỉnh nhằm hiểu hơn về lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước.
- Học sinh dân vùng dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa vì điều kiện kinh tế khó khăn nên các cháu không có điều kiện để được vui chơi,  giải trí tại các khu vui chơi dành cho thiếu nhi. Đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo điều kiện, xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em ở miền núi để các cháu được vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích.

Trên đây là tổng hợp ý kiến của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền xem xét giải quyết của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị ở địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tổng hợp chuyển đến để các cơ quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây