NHỮNG DẤU ẤN VỀ VỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRÁCH NHIỆM, GẦN GŨI NHÂN DÂN

Thứ năm - 26/10/2023 22:09 202 0
Với 76 năm tuổi đời, 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923 - 16/01/1999) là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà chính trị, quân sự xuất sắc, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập, tự do và Chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân, vị đại biểu Quốc hội trách nhiệm của Nhân dân, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị anh hùng. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê 29/10, đồng chí Hoàng Đức Thắng, UVTVTU, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị khóa XV có bài viết "Những dấu ấn về vị đại biểu Quốc hội trách nhiệm, gần gũi với nhân dân". Trân trọng gửi đến quý độc giả toàn văn nội dung bài viết.
Đại tướng Đoàn Khuê với nhân dân Quảng Trị - Ảnh: Tư liệu
Đại tướng Đoàn Khuê với nhân dân Quảng Trị - Ảnh: Tư liệu
Điếu văn của BCHTƯ Đảng tại lễ tang đồng chí Đoàn Khuê đã khẳng định: “Trải qua nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, làm gì, đồng chí cũng luôn luôn đem hết sức mình cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng, của quân đội lên trên lợi ích cá nhân, luôn luôn trau dồi kiến thức, sâu sát cơ sở, quan tâm tổng kết thực tiễn, giữ vững tính Đảng, tính nguyên tắc, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923 - 29/10/2023), tôi xin được nêu một số nét về “Đại tướng Đoàn Khuê - những dấu ấn về vị đại biểu Quốc hội trách nhiệm, gần gũi của Nhân dân; người con nặng sâu nghĩa tình với quê hương Quảng Trị”.

Hơn 77 năm qua, từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa I (06/01/1946) cho đến nay, cử tri Quảng Trị đã trực tiếp bầu 65 đại biểu, với 15 khóa Quốc hội. Nhiều người con ưu tú của quê hương Quảng Trị được cử tri cả nước tín nhiệm bầu vào Quốc hội tại nhiều khóa, tiêu biểu như: Tổng Bí thư Lê Duẩn tham gia 6 khóa Quốc hội (từ khóa II đến khóa VII), Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực tham gia 7 khóa (từ khóa I đến khóa VII), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh tham gia 7 khóa (từ khóa I đến khóa VII), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Đặng Thí tham gia 8 khóa (từ khóa I đến khóa VIII).

Riêng đối với Đại tướng Đoàn Khuê, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là một người có nhiều kinh nghiệm và uy tín, được cử tri tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, từ khóa VII đến khóa X. Với gần 18 năm hoạt động trên cương vị đại biểu Quốc hội, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng cho Quốc hội. Xin điểm qua các khóa Quốc hội mà đồng chí đã tham gia như sau:
- Quốc hội Khóa VII (1981 – 1987): đây là khóa đầu tiên đồng chí tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khi đang giữ chức vụ Trung tướng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tham mưu trưởng Bộ Tư Lệnh 719. Đồng chí là một trong số 15 đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng khóa VII.
- Quốc hội Khóa VIII (1987 – 1992): đồng chí tiếp tục ứng cử đại biểu Quốc hội tại tỉnh Bình Trị Thiên với cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí là một trong 19 đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên khóa VIII, đây là một khóa Quốc hội có sự kiện đặc biệt.
Theo Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 30/6/1989 về việc phân vạch địa giới hành chính của các tỉnh Nghĩa Bình, Phú Khánh và Bình Trị Thiên, đã chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh mới lấy tên là tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Đồng chí Đoàn Khuê và đại biểu Trần Trọng Tân (tức Hai Tân), Ủy viên BCHTƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên được phân công về Quảng Trị, cùng với 3 đại biểu được bầu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là ông Lê Văn Hoan, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Trị Thiên; bà Trương Thị Khuê, Tỉnh uỷ viên, Anh hùng LLVTND, Hội trưởng Hội LHPN tỉnh Bình Trị Thiên; ông Hồ Văn Bảy, Uỷ viên Thường vụ huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQVN, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá, lập thành Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị khóa VIII.
- Quốc hội Khóa IX (1992 – 1997): đồng chí Đoàn Khuê được cử tri Quảng Trị bầu làm đại biểu Quốc hội trên cương vị là Đại tướng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Đây là cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên sau khi Quảng Trị được tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên. Đoàn đại biểu Quốc hội khóa IX tỉnh Quảng Trị có 4 đại biểu.
- Quốc hội khóa X (1997 – 2002): đồng chí Đoàn Khuê tiếp tục được cử tri Quảng Trị bầu là một trong 5 đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.

Là cán bộ cao cấp của quân đội, vừa là đại biểu Quốc hội, đại tướng Đoàn Khuê đã có những đóng góp chung vào sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực quốc phòng an ninh; đồng thời đồng chí cũng đã tích cực tham gia và để lại nhiều dấu ấn trong các hoạt động của Quốc hội, thực hiện tốt nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội, đặc biệt là trên lĩnh vực xây dựng pháp luật và thực hiện nhiệm vụ liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri...

Trên cương vị là Ủy viên BCHTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã có những bài viết, bài phát biểu quan trọng, định hướng cho toàn Đảng, toàn quân những quan điểm mới về quốc phòng, nhất là trong thời bình.

Những tác phẩm đó đã đề cập tương đối toàn diện đối với việc xây dựng quân đội như: về đường lối quân sự của Đảng ta trong giai đoạn mới; về củng cố, xây dựng quân đội trong giai đoạn mới; kết hợp kinh tế với quốc phòng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; về đào tạo cán bộ quân đội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; một số vấn đề về xây dựng dân quân tự vệ hiện nay; thực hiện tốt chính sách Thương binh, Liệt sỹ và Người có công; thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác” trong giai đoạn mới; phấn đấu có nhiều sản phẩm văn hóa chất lượng cao, xây dựng và nuôi dưỡng nhân cách người chiến sỹ cách mạng, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ; về giáo dục truyền thống cho thế hệ sau; chăm lo xây dựng ngành khoa học lịch sử quân sự...

Có thể nói, bằng kinh nghiệm thực tiễn và lý luận sắc bén, đồng chí đã quan tâm đề cập một cách toàn diện đến nhiều lĩnh vực. Những tác phẩm của đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục, rèn luyện quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng trưởng thành.

Riêng trên lĩnh vực xây dựng pháp luật, đại tướng Đoàn Khuê đã có những đóng góp xuất sắc cho việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1994. Đại tướng đã có bài viết: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự nhằm góp phần nâng cao chất lượng quân đội” và thừa ủy quyền Chính phủ ký tờ trình Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự năm 1994.

Với kinh nghiệm nhiều năm lãnh đạo quân đội và căn cứ tình hình thực tiễn, Đại tướng Đoàn Khuê đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số vấn đề căn bản như: Bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức kinh tế trong việc tạo điều kiện cho công dân tham gia nghĩa vụ quân sự và tiếp nhận lại khi quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về; bổ sung quy định về các đối tượng được tạm hoãn và các đối tượng được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình; bổ sung quy định về huấn luyện quân nhân dự bị; bổ sung một số chế độ, chính sách đối với quân nhân tại ngũ; quy định lại việc chấp hành lệnh tổng động viên và động viên cục bộ...

Những đề xuất đó đã được Quốc hội đồng ý thông qua tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự năm 1994. Bên cạnh đó, đồng chí đã có những tác phẩm mang tính định hướng đối với đường lối quân sự của Đảng, của đất nước như: “Quán triệt quan điểm Quốc phòng toàn dân, tăng cường quản lý Nhà nước về Quốc phòng”.
Trong tác phẩm này, đồng chí đã nêu lên những luận điểm quan trọng:
- Cần có nhận thức mới về nhiệm vụ củng cố quốc phòng phù hợp với những điều kiện lịch sử đã thay đổi, với nhiệm vụ xây dựng đất nước, chủ động trước những mối nguy cơ khác nhau xuất phát từ nhiều phía, trên nhiều lĩnh vực. Thường có quan niệm xây dựng, củng cố quốc phòng là để chuẩn bị và tiến hành chiến tranh. Quan điểm đó chỉ đúng một phần. Xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân không phải chỉ để chuẩn bị cho chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, mà là yêu cầu cấp bách, thiết thân ngay từ bây giờ nhằm duy trì cục diện ổn định, hòa bình - điều kiện tiên quyết để xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội...
- Công cuộc xây dựng, củng cố quốc phòng cần quán triệt quan điểm quốc phòng toàn dân với những nội dung mới. Đó là nền quốc phòng không chỉ bảo vệ Tổ quốc, mà còn bảo vệ chế độ; không chỉ chống giặc ngoài, mà còn chống cả thù trong; không chỉ chống các loại hình chiến tranh xâm lược, mà còn chống cả những hoạt động bạo loạn lật đổ, chiến tranh phản cách mạng; không chỉ nhằm chuẩn bị và tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, mà còn duy trì, phát triển cục diện hòa bình và ổn định.
- Nguồn gốc tạo nên sức mạnh của nền quốc phòng bắt nguồn từ sức mạnh mọi mặt của đất nước, từ sức mạnh của nền quốc phòng không chỉ đơn thuần là sức mạnh quân sự, sức mạnh của lực lượng vũ trang, của quân đội nhân dân, tuy sức mạnh quân sự, sức mạnh của quân đội là nòng cốt. Sức mạnh đó bắt nguồn từ sức mạnh của nền kinh tế, của hệ thống chính trị, của nền giáo dục, văn hóa – tư tưởng, của khoa học và công nghệ...

Nói tóm lại, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh tổng hợp của công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiệu lực răn đe cũng như việc chuẩn bị tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của nền quốc phòng kết hợp với các hoạt động khác nhau của toàn dân, của Nhà nước.
Kết hợp chặt chẽ với an ninh, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ với kinh tế, để vừa có kinh tế phát triển vừa có quốc phòng mạnh. Kết hợp với đối ngoại, tạo môi trường hòa bình và tranh thủ hợp tác quốc tế để xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ với giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ... tạo nên tiềm lực mọi mặt của đất nước đáp ứng yêu cầu quốc phòng.
- Quán triệt quan điểm quốc phòng toàn dân hiện nay là phải tăng cường quản lý Nhà nước về quốc phòng. Thời kỳ chiến tranh, Nhà nước ta tập trung điều hành hoạt động của bộ máy, của toàn dân để đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến đấu giữa ta và địch trên chiến trường. Hiện nay, Nhà nước ta, Nhà nước của dân, do dân và vì dân do Đảng lãnh đạo thực hiện chức năng quản lý nền quốc phòng toàn dân trong sự kết hợp chặt chẽ giữa 2 nhiệm vụ chiến lược. Đó là chức năng của cả cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và tư pháp, của các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở.
- Nhà nước quản lý Quốc phòng trước hết bằng pháp luật. Đó là việc xây dựng một hệ thống văn bản luật và dưới luật đầy đủ, hoàn chỉnh và vững chắc về quốc phòng. Nhà nước ta đã ban hành một số luật, nhưng chưa đủ và chủ yếu áp dụng cho xây dựng quân đội, chưa đầy đủ với nhiệm vụ xây dựng quốc phòng nói chung. Cần soạn thảo ngay một luật cơ bản về quốc phòng và đề nghị đưa vào chương trình lập pháp của Quốc hội để Quốc hội có thể sớm xem xét và quyết định.
- Phải xây dựng và hoàn thiện về tổ chức để Nhà nước thực hiện có hiệu lực chức năng quản lý của mình. Bộ Quốc phòng và các cơ quan quân sự (quốc phòng) các cấp là cơ quan chủ quản thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng và tham mưu cho Chính phủ (và UBND các cấp) về xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Các Bộ, các ngành cũng nên tổ chức ra một bộ phận hoặc phân công người chuyên trách (có thể gọi chuyên viên về quốc phòng) làm nhiệm vụ chỉ đạo và quản lý quốc phòng của Bộ, ngành mình.

Đó là những quan điểm chỉ đạo quan trọng nêu trong dự thảo Luật Quốc phòng, được Bộ Quốc phòng và Chính phủ trình Quốc hội khóa XI và được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI, có hiệu lực từ 01/01/2006 và sau này có những lần sửa đổi để từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng.
Như đã đề cập ở trên, với cương vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên từ năm 1987 và đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị (từ ngày lập lại tỉnh tháng 7/1989 đến khi từ trần), dù bận rộn với công việc chung của đất nước, đồng chí vẫn luôn dành thời gian làm tròn chức trách, nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội đối với địa phương tỉnh Quảng Trị.

Đồng chí thường xuyên về các xã thuộc đơn vị bầu cử của mình tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa để tiếp xúc cử tri. Tác phong làm việc của đồng chí không nặng hình thức, cầu kỳ; đồng chí có thể tiếp xúc cử tri trong trường học, giữa sân hợp tác xã hay có lúc ngoài đồng, trên nương rẫy hay trong căn nhà sàn, quây quần bên bếp lửa ấm cúng để nghe dân phản ánh về các vấn đề điện, đường, trường, trạm cùng nhiều vấn đề bức thiết trong đời sống người dân...

Đồng chí đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, đến với cử tri vùng sâu, vùng xa, vùng quê hương miền biển xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, quê hương của đồng chí còn nghèo như bao vùng quê khác. Những năm giao thông chưa phát triển, đồng chí phải xắn quần đi bộ trên cát hàng cây số mới đến được với bà con. Đến với đồng bào miền núi, đồng chí cũng phải nhiều lần đi xe tải cùng cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng, vượt qua bao nhiêu đèo, dốc hiểm trở để đến với cử tri vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Khi đến thăm và tiếp xúc với cử tri cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Cù Bai (nay là đồn Hướng Lập, thuộc huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị), đồng chí đã căn dặn các chiến sĩ trẻ: Mỗi tấc đất, ngọn cỏ, lá cây trên biên giới quốc gia đều là máu, là thịt của Tổ Quốc. Quân dân biên giới phải đoàn kết, hợp đồng thật tốt để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, góp sức xây dựng tuyến biên giới Việt – Lào thành tuyến biên giới của tình hữu nghị cao đẹp và bền vững.

Nói chuyện với đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa kô, những người mang họ Hồ của Bác ở miền Tây Quảng Trị, đồng chí tâm sự: tinh thần cách mạng, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ của bà con các dân tộc miền Tây Quảng Trị rất nồng nàn và thật đáng tự hào. Tôi thật sự vui mừng khi thấy đời sống của bà con đồng bào các dân tộc đã có bước thay đổi rõ rệt. Có một bà mế đã hơn 80 tuổi nói với tôi rằng: chỉ có theo Đảng, theo Bác Hồ thì mới có cơm ăn, áo mặc, con cháu mới được học hành, mế mới sống lâu được như hôm nay. Tôi nghe mà phấn khởi lắm, nguyện cố gắng làm tốt hơn nữa để sao cho đời sống của bà con mình tốt hơn nữa.

Tiếp xúc cử tri tại quê nhà - xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong), trong hoàn cảnh sản xuất và đời sống còn nhiều khó khăn, nhiều nông dân đề nghị cho vay vốn để xóa đói giảm nghèo, đề nghị nhà nước giúp đỡ xây dựng cơ sở hạ tầng... Đồng chí nói trong niềm xúc động: Quê hương mình bị chiến tranh tàn phá nặng nề, tôi rất cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của bà con, nguyện vọng của bà con muốn xây dựng đường sá, làm thủy lợi, vay vốn để xóa đói, giảm nghèo... là hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên hiện nay trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước cùng một lúc phải giải quyết rất nhiều công việc, nhiều nơi còn khó khăn hơn ta rất nhiều. Vì vậy, bà con phải biết phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, tự thân mỗi bà con phải cố gắng vươn lên để rồi cùng với Nhà nước khắc phục khó khăn.
Đồng chí động viên bà con và nói tiếp: Tôi tin rằng với tiềm năng vốn có từ vùng đất, vùng biển và truyền thống cách mạng là những di sản tinh thần vô giá mà các thế hệ cách mạng đi trước đã để lại, bà con quê mình chắc chắn sẽ vượt qua những khó khăn, thử thách trước mắt để xây dựng quê hương mình ấm no, đàng hoàng như những địa phương khác.

Tiếp xúc cử tri ở thị xã Đông Hà, thị xã Quảng Trị sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa IX (ngày 24/4/1995), vui mừng trước những thay đổi to lớn của quê hương, đồng chí Đoàn Khuê chỉ rõ: với Quảng Trị, nếu nói đến tiềm năng, phải kể đến tiềm năng lớn nhất là con người. Con người Quảng Trị trung dũng, kiên cường trong đấu tranh, một lòng một dạ theo Đảng, nhất định sẽ giữ vững bản lĩnh, phát huy trí tuệ trong công cuộc đổi mới quê hương, đất nước. Những con người đã không khuất phục trước kẻ thù tàn bạo nào, dù đó là kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới, nhất định sẽ chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Quảng Trị sẽ từng bước vươn lên, đi tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Mỗi lần về công tác tại tỉnh nhà, mặc dù thời gian eo hẹp, đồng chí vẫn dành thời gian đến thăm các gia đình có công với nước, những gia đình đã có công nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ cơ sở cách mạng; những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình thương binh, liệt sỹ, những người già cả, neo đơn... Đồng chí xúc động chia sẻ và thăm hỏi với tấm lòng biết ơn và cảm phục trước những mất mát của đồng bào, đồng chí vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Mỗi lần tiếp xúc cử tri, đồng chí dành thời gian đi thăm để tìm hiểu thực tế cuộc sống của người dân. Đến đâu đồng chí cũng quan tâm hỏi han cặn kẽ từ việc sản xuất, chăn nuôi đến học hành, chữa bệnh, chăm chú lắng nghe và tìm hiểu kỹ những thắc mắc của cử tri.
Có lần, vì thời gian quá khẩn trương, để kịp về Hà Nội dự phiên khai mạc Quốc hội, đồng chí đã quyết định đi xuyên đêm trong mưa gió và về đến Hà Nội lúc Đài tiếng nói Việt Nam báo 6 giờ sáng.
Khi về tiếp xúc cử tri, lãnh đạo địa phương muốn dành nơi khang trang, thuận lợi làm chỗ nghỉ ngơi, đồng chí nhất mực từ chối. Đồng chí nói: là người lính, tôi đã từng sống trong Nhân dân, cùng ăn, cùng ở với Nhân dân, bây giờ mình càng phải sống như thế.

Khi làm việc với lãnh đạo địa phương, đồng chí chỉ rõ những vấn đề cử tri nêu ra thuộc trách nhiệm của cơ quan nào, chính quyền cấp nào giải quyết, khó khăn, ách tắc từ đâu... Đồng chí nhắc nhở, dặn dò cán bộ địa phương: “Dân mình còn nghèo, cuộc sống còn lắm gian lao. Lo cho cuộc sống của bà con là trách nhiệm của Đảng và Chính quyền. Phải chú ý lắng nghe ý kiến của dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân; phải có những chủ trương hết sức cụ thể, thiết thực đối với người dân; đặc biệt là những chủ trương về xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội, chính sách đối với gia đình có công với cách mạng”. Đồng chí nhắc nhở: “Nếu có thể làm ngay được việc gì bà con yêu cầu thì làm chứ đừng hứa rồi không làm mà mất lòng tin của dân”.

Khi đi làm việc bất kể đêm hay ngày, đồng chí không cần hộ tống, cận vệ. Nhiều đồng chí lo lắng, đồng chí nói: Tôi sinh ra, lớn lên và chiến đấu trong lòng nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng, chở che, đùm bọc, tôi thấy không có thành trì nào bảo vệ vững chắc bằng thành trì của lòng dân, các đồng chí hãy yên tâm.
Kết thúc bài viết này, tôi muốn nhắc đến một dấu ấn đặc biệt của đại tướng Đoàn Khuê đối với nhân dân Quảng Trị, đó là việc đồng chí đã có những đóng góp rất quan trọng và quyết định đến việc đầu tư tuyến đường tuần tra biên giới và đường quốc phòng ven biển cho Nhân dân Quảng Trị.

Về tuyến đường trên biên giới Việt Lào, cuối năm 1994, đồng chí Đại tướng vào kiểm tra và làm việc với Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Đồng chí đã lên thăm và kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của Đồn Biên phòng Cù Bai (nay là Đồn Biên phòng Hướng Lập). Vào thời gian đó, đường sá đi lại rất khó khăn, từ Khe Sanh vào Đồn Biên phòng Cù Bai khoảng 75 km nhưng không có đường ô tô mà phải mượn đường của nước bạn Lào để đi vào đồn. Từ Khe Sanh đi bằng phương tiện xe Zin 131 (xe ba cầu) vào Đồn Biên phòng Cù Bai phải mất một ngày đường.

Qua chuyến thăm và kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai (605), thấy được khó khăn vất vả của bộ đội và nhân dân khu vực biên giới, đặc biệt là nhìn thấy được hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, đồng chí đã bàn với Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng về đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực biên giới.

Đầu năm 1995, Bộ Quốc phòng đã đồng ý chủ trương đầu tư tuyến đường Sen Bụt – Cù Bai do Bộ đội Biên phòng Quảng Trị làm Chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là 30,7 km, tổng mức đầu tư 41 tỉ đồng, khởi công năm 1995, hoàn thành năm 2000. Sau khi hoàn thành, tuyến đường được bàn giao cho Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh để triển khai dự án Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Toàn bộ tuyến đường này trùng với tuyến Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây hiện nay.

Về tuyến đường quốc phòng ven biển, nhân dân vùng biển Quảng Trị nói chung và vùng biển Triệu Phong nói riêng đã bao đời chịu cảnh cực khổ vì không có đường đi. Nhân dân phải mở lối mòn trên cát để đi lại từ thôn này qua thôn khác. Có người khá giả sắm được chiếc xe đạp, mỗi lần về quê cũng phải gửi lại các xã bên để đi bộ về. Đầu những năm 1990, với sự cố gắng của địa phương cũng chỉ đổ được vài km đường đất để bà con đi lại đỡ khó khăn hơn.

Từ những năm 1996 - 1997, nhận thấy khó khăn của bà con quê hương, với tư duy quân sự nhạy bén của một nhà quân sự, đồng chí đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đầu tư con đường ven biển đi qua các xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng với tổng chiều dài trên 15 km. Nhân dân tỉnh Quảng Trị vẫn quen gọi con đường này là “Đường quốc phòng”, sau này được nối dài cho các địa phương vùng ven biển khác vừa có ý nghĩa về mặt giao thông, mang lại bộ mặt mới cho nông thôn vùng ven biển, vừa là con đường mang tính chiến lược về quốc phòng an ninh vùng ven biển của tỉnh Quảng Trị.

Những con đường chiến lược nay đã hình thành, không chỉ là con đường bảo vệ an ninh quốc gia mà còn là con đường huyết mạch kết nối, mở hướng phát triển kinh tế cho vùng biển và vùng núi. Nhân dân 2 tuyến biên giới mãi mãi khắc sâu hình ảnh của vị đại tướng, người con của quê hương Quảng Trị đã dành nhiều tình cảm và trách nhiệm đối với quê hương.

Những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, nghe tin quê nhà gặp hạn hán nặng, khi các đồng chí ở Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đến thăm, đồng chí đã nghẹn ngào thăm hỏi “Đồng bào mình trong nớ có khó khăn lắm không? Làm sao tìm mọi cách khắc phục, đừng để đồng bào thiếu nước sinh hoạt, gia súc gia cầm vì thiếu nước mà chết”.

Kết thúc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa X (tháng 11/1998), đồng chí Nguyễn Đức Hoan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cùng các đại biểu đến thăm đồng chí tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 trước khi trở về địa phương, đồng chí lúc đó vẫn còn tiếp chuyện được.

Ngồi đối diện với Đoàn tại phòng tiếp khách cạnh phòng điều trị, đồng chí xúc động nói: “Các đồng chí về, cho tôi gửi lời hỏi thăm đồng chí, đồng bào trong tỉnh”. Câu nói như một lời chào, lời từ biệt để rồi chỉ mấy tháng sau, đồng chí đã mãi mãi ra đi. Sau này, khi đến thắp hương cho đồng chí tại nhà riêng, bác Trương Thị Sương (vợ bác Đoàn Khuê) kể lại: hôm đó, khi các anh, các chị đi rồi, bác trai đã vào phòng trong và bật khóc nức nở, gia đình đã linh cảm ngày ông đi xa không còn lâu nữa.

Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày sinh của đồng chí đại tướng Đoàn Khuê và tưởng nhớ 24 năm đồng chí từ biệt chúng ta, xin phép được ôn lại một đôi nét về vị đại biểu Quốc hội của Dân mà suốt một cuộc đời ông là tấm gương của sự giản dị, sâu sát, gần gũi, trách nhiệm với Nhân dân; người con nặng sâu nghĩa tình với quê hương đã khắc ghi nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri và Nhân dân Quảng Trị.

 

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây