ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH QUẢNG TRỊ PHÁT BIỂU THẢO LUẬN TẠI DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI

Chủ nhật - 08/11/2020 20:13 689 0
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chiều ngày 04/11/2020 Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kinh tế - Xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tham gia phát biểu như sau:
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại hội trường
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại hội trường
Kính thưa Quốc hội!
Tôi đồng tình với nhiều ý kiến đã phát biểu về vấn đề rất được quan tâm hiện nay, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nhất là hoạt động cứu trợ và tái thiết sau thiên tai, đó cũng là vấn đề cử tri miền Trung nói riêng và cử tri cả nước nói chung đang hết sức quan tâm, tôi đề nghị Quốc hội đặc biệt quan tâm và đầu tư thoả đáng cho công việc này.Với cá nhân tôi, ngay trong kỳ họp này của Quốc hội, tôi đã trải qua những cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt nhất trong gần 10 năm làm đại biểu Quốc hội của mình, đó là khi trực tiếp chỉ đạo cứu nạn tại đợt lũ lụt khủng khiếp vừa qua tại Quảng Trị.

Từ ngày 6-21/10/2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra dồn dập các đợt mưa rất lớn, ngập lụt trên diện rộng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gió mạnh, sóng lớn trên biển….(trong đợt mưa lũ này xuất hiện đỉnh lũ vượt lũ lịch sử trên tất cả các lưu vực sông với 4 đợt lũ chồng lũ nối tiếp nhau, đã xẩy ra sạt lở đất nghiêm trọng tại 02 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông), gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người, tài sản, công trình cơ sở hạ tầng và sản xuất.

Các đợt thiên tai vừa qua riêng Quảng Trị đã làm 52 người chết, 2 người mất tích, 37 người bị thương, 281 nhà bị lũ cuốn trôi và cuốn sập và 107.019 hộ ngập lụt, nhiều điểm trường, cơ sở y tế, nhà văn hóa bị nước ngập trên 3m; nhiều trang thiết bị bị hư hỏng hoàn toàn; hàng chục nghìn ha cây trồng (lúa, rau màu, ăn quả, cây lâu năm bị mất trắng,…); hàng chục nghìn gia súc, hàng trăm nghìn gia cầm vật nuôi thủy sản bị ngập, cuốn trôi.

Trước sự mất mát đó đã được sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân cả nước, người dân vùng gặp thiên tai của Quảng trị đã bước đầu vượt qua khó khăn, nhưng để ổn định cuộc sống lâu dài cho dân thì không chỉ dựa vào nguồn lực của địa phương và không giải quyết được một sớm một chiều. Bởi vì, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện thành công 2 dự án Di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị và Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư, di dân khẩn cấp ổn định định canh định cư ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét và sạt lở xã Tà Rụt huyện Đakrông), ổn định cuộc sống cho 295 hộ dân.

Song hiện nay tỉnh còn có 2 dự án được phê duyệt từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để đầu tư thực hiện đó là: Dự án Khẩn cấp tránh lũ và chống sạt lở khu vực bờ sông Sa Lung, ổn định dân cư xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, với tổng mức đầu tư 137 tỷ đồng và Dự án ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện Quảng Trị  với mục tiêu ổn định 349 hộ vùng thủy lợi, thủy điện với kinh phí dự kiến đầu tư 120 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sau mưa lũ tại xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa đã xảy ra hiện tượng sạt lở núi làm sập nhà, vùi lấp cầu Khe Ta Bang gây chia cắt đường giao thông từ xã Hướng Phùng về Hướng Sơn đến nay vẫn chưa khắc phục được. Đặc biệt sau cơn bão số 9, nhân dân đã phát hiện trên núi có nhiều vết nứt có chiều dài từ 150- 200m, độ rộng từ 40-50cm, có nguy cơ sạt lở rất cao ảnh hưởng đến 45 hộ, 171 nhân khẩu thôn Raly Rào xã Hướng Sơn. Nếu tiếp tục mưa lớn kéo dài thì sạt lở núi sẽ xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện tại, địa phương đã di dời người dân đến nơi an toàn, tuy nhiên để ổn định đời sống lâu dài cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để tỉnh khảo sát, xây dựng dự án di dời dân tập trung. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, tỉnh đã rà soát bổ sung, số hộ cần di dời toàn tỉnh đến năm 2025 là 1.530 hộ (bình quân 280 hộ/năm).

Trước diễn biến bất thường của thiên tai, nhu cầu bố trí dân cư phòng tránh thiên tai đặc biệt là các hộ ven biển, vùng ngập lụt và vùng sạt lở đất còn rất nhiều trong khi nguồn vốn bố trí của nhà nước hàng năm quá thấp (vốn sự nghiệp 5 năm 2016-2020: chỉ có 14 tỷ đồng, bình quân khoảng 2,8 tỷ đồng/năm), chỉ đáp ứng 15%-20% so với nhu cầu thực tế. Việc huy động các nguồn lực khác cùng tham gia vào chương trình ở một số nơi đã làm, song hầu hết các khu vực miền núi là các huyện nghèo chủ yếu vẫn trông chờ vào ngân sách đầu tư của Trung ương.
Thời gian qua, chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình di dân mặc dù đã được Nhà nước nhiều lần thay đổi theo hướng điều chỉnh sự hỗ trợ cao hơn (vùng đồng bằng 20 triệu đồng/hộ, vùng miền núi 30-35 triệu đồng/hộ), song vẫn còn ở mức thấp, khó thực hiện, chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản của dân đến định cư; Ngoài vấn đề nhu cầu về nhà ở thì phát triển sản xuất bền vững cho người dân là vấn đề cần được quan tâm hơn cả, giúp người dân ổn định tư tưởng để định cư lâu dài tại nơi ở mới. Chính vì vậy, cần phải có các chính sách riêng đối với khu vực miền núi về đào tạo nghề, hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu giúp người dân có tư liệu sản xuất.

Thưa Quốc hội!
Trong khi cả nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì người dân vùng thiên tai đang gặp khó khăn kép, đại dịch chưa qua, bão lũ lại hoành hành.

Tuy nhiên Dự thảo nghị quyết Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 phục vụ phiên thảo luận này có nêu rõ yêu cầu Chính phủ chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền (bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, thuế, phí, lệ phí…) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không… và người lao động, người dân mất việc, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập. Trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.

Tôi đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là người dân bị ảnh hưởng bởi đợt bão, lũ lịch sử vừa qua, bởi mức độ khó khăn của họ rất nặng nề hơn cả những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ những khó khăn của Quảng Trị, nhìn rộng ra cả nước, tại kỳ họp này tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ khi xem xét dự toán năm 2021 cần dành một khoản đầu tư thích đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai hiệu quả, kịp thời; nghiên cứu địa hình địa chất, xác định vùng nguy hiểm, ẩn chứa nguy cơ thiên tai để nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư, dự báo trước nguy cơ để di dời dân kịp thời.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng cần ưu tiên cho mua sắm trang thiết bị phục vụ cứu hộ cứu nạn và hạ tầng các huyện, xã vùng sâu đồng vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với Quảng  Trị, để đầu tư các tuyến đường giao thông trọng yếu, huyết mạch, phá thế độc đạo của tuyến Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh khi bị sạt lở đất chịa cắt, cô lập các xã khu vực miền núi của tỉnh, làm ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm khi bão lũ xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và  để đầu tư các công trình đê điều, thủy lợi bị hư hỏng nặng để phục vụ nhu cầu sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân sau mưa lũ thì cần số vốn lên tới cả ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là con số vượt quá xa khả năng cuả địa phương, vì thế cử tri rất mong chờ quyết sách kịp thời từ Quốc hội.

Cử tri rất đồng tình thời gian qua Chính phủ đã tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu, không chỉ lúc này và cả năm sau, năm sau nữa, tôi đề nghị đặt ra mục tiêu cao hơn trong tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài hoãn tăng lương thì có thể giảm cả phụ cấp của các cấp các ngành kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống.
Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội!

Tác giả: Phương Thanh (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây