Những hạn chế, bất cập cần phải được nhìn nhận thật sự thẳng thắn thì mới có thể có những giải pháp thực sự đúng và trúng

Thứ sáu - 03/11/2023 01:51 308 0
Ngày 1/11, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục thảo luận về các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;…
ĐBQH Hà Sỹ Đồng phát biểu phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp
ĐBQH Hà Sỹ Đồng phát biểu phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp
ĐBQH Hà Sỹ Đồng, ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, Quốc hội kỳ này không chỉ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024  mà còn đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cả kết quả và hạn chế được nêu tại các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đều được nhìn trong một hành trình nửa nhiệm kỳ với những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Điều đó khiến cho chúng ta trân trọng hơn những thành quả đạt được, mà nổi bật là sự ổn định kinh tế vĩ mô, người dân và doanh nghiệp tuy gặp rất nhiều khó khăn song cảm nhận về sự hỗ trợ của Nhà nước khá rõ rệt.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần phải nhìn thẳng vào những hạn chế cả trong ban hành và thực hiện chính sách, trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, đại biểu rất chia sẻ với những khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ mấy năm qua, khi mà cả bối cảnh bên ngoài và bên trong đều diễn biến khó lường. Những nguyên nhân khách quan này được đề cập khá đậm trong các báo cáo Thống đốc NHNN gửi Quốc hội. Nhưng nguyên nhân chủ quan thì rất ít. Vậy có hay không có nguyên nhân chủ quan.
         
Tại báo cáo kiểm toán nhà nước phát hành ngày 17/10, tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội chỉ ra khá nhiều vấn đề của hệ thống ngân hàng, mức độ đáng lo ngại hơn nhiều so với báo cáo của ngân hàng Nhà nước. Tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm trong năm 2023 còn căng thẳng, một số tổ chức tín dụng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản. Đối với các tổ chức tín dụng yếu kém thì Phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (03 ngân hàng) còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay). Việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến rủi ro nguồn lực hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng.

Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023), việc xử lý 03 Ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc (CGBB), đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để CGBB, 01 Ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương CGBB. Tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn rất khó khăn, cụ thể là nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.

Về điều hành chính sách tiền tệ, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có nêu phấn đấu giảm khoảng 0,5%-1% lãi suất cho vay. Kết qủa kiểm toán cho thấy, trong năm 2022, Ngân hàng nhà nước đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên các biện pháp đều không hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay mà còn có xu hướng tăng, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.

Tại báo cáo gửi đến kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh ý kiến của cử tri nhiều tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục có phương án điều chỉnh lãi suất cho vay, cung cấp nguồn vốn kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xem xét xây dựng các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh hoặc các ngành nghề chịu ảnh hưởng sau dịch Covid-19. Trong khi đó, đại biểu cho biết, gói hỗ trợ lãi suất 2% với 40 nghìn tỷ đồng đang ế hơn 38 nghìn tỷ đồng, có hay chăng các ngân hàng thương mại chưa tích cực triển khai chính sách này.

Cũng trong lĩnh vực ngân hàng, đại biểu nêu cần lưu ý đến vấn đề nợ xấu ngân hàng đang cao và sẽ tiếp tục gia tăng, phản ánh sức khỏe nền kinh tế. Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội, tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2,0% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.

Đáng quan ngại, nếu cập nhật tới 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, mà nguyên nhân chính là do nợ xấu của 01 ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt. Con số này sẽ tiếp tục tăng nữa, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn khoanh, giãn, hoãn. Điều này lý giải một phần tại sao tín dụng ngân hàng 9 tháng đầu năm nay tăng chậm, trong khi nền kinh tế vẫn đang khát vốn.

Thời gian tới, nền kinh tế được dự báo thách thức, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Vì thế, theo đại biểu, những hạn chế, bất cập phải được nhìn nhận thật sự thẳng thắn thì mới có thể có những giải pháp thực sự đúng và trúng. Khi người dân và doanh nghiệp còn đang chất chồng khó khăn thì các báo cáo đẹp, nguyên nhân của những hạn chế chủ yếu do khách quan sẽ khó có thể góp phần xoay chuyển được tình thế./.
 

Tác giả: admin, Lê Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây