ĐBQH Hồ Thị Minh: Lựa chọn những cuốn sách đang sử dụng làm bộ sách chung là phương án tối ưu

Thứ sáu - 03/11/2023 02:02 140 0
Vấn đề sách giáo khoa đã được nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận trong nhiều phiên thảo luận tại Hội trường và thảo luận tại Tổ trong hai ngày qua. Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Hồ Thị Minh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, đến nay 3 bộ sách giáo khoa Cánh Diều, Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo đã và đang được sử dụng khá tốt, đâu đó có những “hạt sạn” lỗi kỹ thuật mà quá trình giảng dạy giáo viên đã chỉ ra và góp ý, vì vậy Ban biên soạn, Tổ thẩm định và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lắng nghe, tiếp thu và có chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.
ĐBQH Hồ Thị Minh phát biểu phỏng vấn của báo chí bên lề kỳ họp
ĐBQH Hồ Thị Minh phát biểu phỏng vấn của báo chí bên lề kỳ họp
Theo đại biểu, vấn đề quan trọng lúc này là không nên bàn đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải bỏ ngân sách ra để biên soạn bộ sách mới nữa mà cần quan tâm đó là những bộ sách đang hiện hành cần bổ sung và điều chỉnh nội dùng nào? Sắp xếp sao cho khoa học, thống nhất, phù hợp, để học sinh trong cả nước được học chung một chương trình, tránh tình trạng là khó chuyển trường trong năm học vì các trường lựa chọn giảng dạy những bộ sách khác nhau, chương trình dạy học được sắp xếp nội dung khác nhau, nếu chuyển trường các em sẽ khó tiếp thu đầy đủ kiến thức. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể chọn lọc trong những cuốn sách của chính nhóm tác giả của 3 bộ sách trên đó để làm thành một bộ sách giáo khoa chuẩn, chính thống cho cả nước sử dụng chung, như vậy sẽ góp phần giảm nguồn ngân sách rất lớn của Nhà nước phải chi cho việc làm một bộ sách mới như nhiều đại biểu khác quan tâm lo lắng đến vấn đề này.

Đại biểu cho rằng, nếu bây giờ Bộ Giáo dục và đào tạo mới bắt đầu loay hoay với việc biên soạn bộ sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến lớp 12 thì ít nhất là đến 5 năm sau mới có được sản phẩm, nhưng rồi bộ sách giáo khoa đó chưa dám chắc là tối ưu, không còn "sạn" vì hầu hết các nhà khoa học, các nhà giáo ưu tú đã được mời tham gia soạn thảo 5 bộ sách vừa qua (trong đó 2 bộ sách ở bậc tiểu học đã tự triệt tiêu ngày sau 2 năm ra đời vì chất lượng không đảm bảo, đến nay còn 3 bộ sách đang sử dụng).

Bên cạnh đó, theo đại biểu Hồ Thị Minh, các bộ môn khoa học tự nhiên đang được gộp một cách cơ học vào một cuốn sách nhưng thực tế bên trong nội dung, kiến thức các môn độc lập, giáo viên đứng lớp cũng giảng dạy độc lập, học sinh cũng ghi chép vào các tập vở độc lập, như vậy thì có cần thiết phải gộp lại như hiện nay không?
Có ý kiến cho rằng bắt Bộ Giáo dục và đào tạo biên soạn sách giáo khoa là đi ngược xu thế giới, sẽ triệt tiêu xã hội hoá sách giáo khoa. Theo đại biểu, Bộ Giáo dục và đào tạo nên tập trung chỉ đạo đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và đáp ứng dạy học tích hợp, tránh tình trạng giáo viên trả lời trước báo chí và nhân dân là không đủ tự tin dạy các phân môn khoa học tự nhiên như hiện nay, điều đó là đương nhiên vì ở trường đại học sư phạm chỉ mới được đào tạo chuyên sâu, chuyên ngành, chưa đạt trình độ và kinh nghiệm để dạy được cả 3 phân môn như hiện nay.

Đại biểu đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng xã hội hoá là để cạnh tranh nâng cao chất lượng sách và giảm giá thành chứ không phải xã hội hóa là để muốn nâng giá khi nào thì nâng. Đây là trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, vì vậy, đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần phải tiếp tục chỉ đạo sát sao hơn, quyết liệt hơn vấn đề này để giúp cho nền giáo dục nước nhà ngày càng phát triển đúng hướng, đạt mục tiêu đã đề ra./.
 

Tác giả: admin, Lê Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây