Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng tham gia thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thứ năm - 30/11/2023 03:43 251 0
Chiều nay, ngày 23/11, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), ĐBQH Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã phát biểu tham gia ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng phát biểu thảo luận tại Hội trường chiều 23/11
ĐBQH Hà Sỹ Đồng phát biểu thảo luận tại Hội trường chiều 23/11
Phát biểu tại phiên thảo luận, ý kiến đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tập trung xem xét vấn đề về xử lý Tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu cho rằng: trong thực tiễn, khi xử lý Tổ chức tín dụng yếu kém yếu kém đã phát sinh những trường hợp đặc thù chưa có quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng hiện hành, nay cần được bổ sung tại Luật sửa đổi lần này để có cơ sở thực hiện. Theo đó, đối với việc bổ sung quy định về việc áp dụng can thiệp sớm đối với Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong một số trường hợp nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt, dự thảo luật chưa có quy định về các biện pháp hỗ trợ Tổ chức tín dụng khắc phục các tồn tại, yếu kém mà dẫn đến việc phải áp dụng can thiệp sớm. Điều này ảnh hưởng tới hiệu quả của các biện pháp can thiệp sớm.
Đi sâu vào phân tích một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, ý kiến đại biểu nhấn mạnh một số nội dung như sau:
Thứ Nhất, về quy định về khoản vay đặc biệt: đề nghị bổ sung đối với trường hợp Tổ chức tín dụng có nhu cầu vay đặc biệt nhưng không có hoặc không đủ tài sản đảm bảo theo quy định, trong khi việc cho vay đối tượng này là cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần thiết bổ sung quy định về việc cho vay đặc biệt đối với trường hợp có tài sản đảm bảo và trường hợp không có tài sản đảm bảo và thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp.
Thứ Hai, về quy định Ngân hàng nhà nước áp dụng can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
 Luật hiện hành quy định áp dụng can thiệp sớm khi Tổ chức tín dụng không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả 3 tháng liên tục, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn 6 tháng liên tục, xếp hạng dưới mức trung bình, đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi lần này có quy định can thiệp sớm tương tự như Luật hiện hành, nhưng có bổ sung thêm một số trường hợp cụ thể như: số lỗ lũy kế của Tổ chức tín dụng lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán (theo quy định tại Luật hiện hành thì trường hợp này phải kiểm soát đặc biệt). Tuy nhiên, các quy định chủ yếu xử lý tình trạng Tổ chức tín dụng gặp khó khăn rất rõ ràng, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống cần phải được hỗ trợ, mà chưa thể hiện đúng bản chất của can thiệp sớm. Theo đó, các biện pháp áp dụng khi can thiệp sớm trong “phương án khắc phục” chỉ bao gồm các biện pháp tự khắc phục từ phía Tổ chức tín dụng như: thu hẹp hoạt động, tăng vốn điều lệ, hạn chế giao dịch, cắt giảm chi phí, tăng cường quản trị ... Cụ thể, tại Điều 156, trong các trường hợp áp dụng can thiệp sớm, ngoại trừ trường hợp Tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt cần phải xử lý ngay, có 4 dạng Tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém trong thời gian dài, gồm: không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 06 tháng liên tục; Số lỗ lũy kế của Tổ chức tín dụng lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như trường hợp Ngân hàng SCB); có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Do đó, đề nghị cần rà soát và làm rõ nội hàm của việc “can thiệp sớm” để đề xuất những quy định tương ứng phù hợp, như các dấu hiệu, biện pháp can thiệp sớm và trách nhiệm của các bên liên quan. Việc “can thiệp sớm” cần được thực hiện ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo vi phạm trong quản trị, điều hành ngân hàng, vi phạm các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định nhưng không quá dài. Theo quy định tại Dự thảo Luật này thì thời gian để thực hiện quy trình thủ tục can thiệp sớm tại một số trường hợp còn khá dài, dễ gây tổn hại đến sự lành mạnh trong hoạt động của Tổ chức tín dụng hoặc gây nguy hại đến lợi ích của người gửi tiền hoặc khiến Tổ chức tín dụng bị đánh giá là có khả năng gặp khó khăn về thanh khoản, khó khăn đối với các nghĩa vụ tài chính hoặc đang bộc lộ những rủi ro tiềm ẩn.
Thứ Ba, về các biện pháp áp dụng khi can thiệp sớm, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm nhiều nhóm biện pháp hỗ trợ tương tự như đối với Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, thậm chí có những biện pháp vượt cả mức quy định hiện hành, như: vượt giới hạn cấp tín dụng; vượt giới hạn góp vốn, mua cổ phần; mua đầu tư hệ thống công nghệ thông tin vượt tỷ lệ quy định mua đầu tư tài sản cố định; giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, …Một số biện pháp đòi hỏi sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước hoặc gián tiếp qua các tổ chức của Nhà nước mà chưa thấy rõ vai trò trách nhiệm từ phía Tổ chức tín dụng như quy định tại điều 159 (Các biện pháp can thiệp sớm) chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cổ đông, thành viên góp vốn để khắc phục vấn đề trong khi lại sử dụng nhiều nguồn lực của Nhà nước.
Đề nghị rà soát, chỉnh sửa đồng bộ các biện pháp, bảo đảm nguyên tắc tăng cường trách nhiệm của Tổ chức tín dụng, của cổ đông lớn, thành viên góp vốn, của chủ sở hữu của Tổ chức tín dụng ngay từ sớm, giảm thiểu sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong giai đoạn này.
Thứ Tư, về biện pháp xử lý trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt (Điều 166): đề nghị cần làm rõ Tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của ngân hàng Nhà nước để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực hỗ trợ.
Thứ Năm, liên quan đến khoản vay đặc biệt như đã nêu ở trên, ý kiến đại biểu chỉ rõ: Về thời hạn vay: chưa có quy định cụ thể về thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, nên khó xác định được thời gian của khoản cho vay đặc biệt;  Về nguồn lực để thực hiện các cho vay đặc biệt, đề nghị cần chỉ rõ và đánh giá kỹ lưỡng về nguồn lực thực hiện các khoản vay này và đánh giá tác động đến ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc đề xuất về các khoản cho vay đặc biệt, đề nghị cần hết sức cân nhắc vì sẽ làm gia tăng hệ lụy đến kinh tế vĩ mô do phải sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp nguồn lực lớn của Nhà nước cho các Tổ chức tín dụng. Theo quy định của Luật hiện hành, một số Tổ chức tín dụng yếu kém hiện nay đã đủ điều kiện đặt vào kiểm soát đặc biệt, nhưng nếu áp dụng theo quy định tại Dự thảo Luật thì sẽ không thuộc diện này mà chỉ được can thiệp sớm, có thể gây rủi ro lớn hơn đến sự an toàn của hệ thống Tổ chức tín dụng; tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng lớn tới điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, tình trạng tài chính của các tổ chức tham gia hỗ trợ./.

Tác giả: admin, Cẩm Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây