Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin về kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 21 Hội đồng nhân dân tỉnh

Thứ ba - 05/12/2023 19:03 221 0
Sáng nay, (05/12), tại kỳ họp thứ 21 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, ông Hoàng Đức Thắng, UVBTVTU, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo với Kỳ họp về kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt. Đặc biệt là bởi đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ do đó còn có nhiệm vụ đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện NQ số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Vì thế, kỳ họp Quốc hội lần này theo cá nhân tôi tổng kết có nhiều cái nhất so với các Kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đó là:
 Kỳ họp dài ngày nhất bắt đầu từ 23/10 đến 29/11 kết thúc, trong đó có 22,5 ngày làm việc; Kỳ họp có nhiều nội dung báo cáo và dự án luật nhất. Riêng về xây dựng pháp luật Quốc hội cho ý kiến và thông qua 26 dự án Luật và Nghị quyết, trong đó 17 dự án luật và 9 Nghị quyết; Kỳ họp có nhiều ý kiến phát biểu, tranh luận, chất vấn nhất: Tổng cộng đã có 1.103 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ; 1.099 lượt đăng ký, 601 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 121 lượt tranh luận tại 29 phiên thảo luận tại hội trường: 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, chưa kể chất vấn bằng văn bản. Sau 22,5 ngày làm việc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: thông qua 07 luật, 09 nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác. Kết quả cụ thể:
Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự quản lý,  Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Căn cước.
 Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
 Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến: Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Dự án Luật Đường bộ, Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Sau khi xem xét toàn diện, thận trọng, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua 2 dự án Luật trên tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo Luật.
(Dự kiến 2 Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường vào giữa tháng 01 năm 2024).
      Về xem xét kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023, Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đối với các nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước kiến nghị; có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
 Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo về:
 (1) Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 và Nghị quyết số 160/2021/QH14;
 (2) Kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh;
 (3) Sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù tại thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 119/2020/QH14.
 Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án được giao theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; kịp thời triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, ban hành đồng bộ, đúng thời hạn văn bản quy định chi tiết thi hành luật; có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; phân bổ ngân sách trung ương năm 2024:
 Trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024: Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó yêu cầu: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân...
 Trong Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024: Quốc hội đã quyết định tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.700.988 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.119.428 tỷ đồng.
Từ ngày 01/7/ 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở; đồng thời, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đã quyết nghị:
 Đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác;  Cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024;  Bổ sung nội dung đầu tư các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện tại Báo cáo số 581/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15;  Bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An; Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.
 Quốc hội giám sát tối cao: đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan.
Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Tổng cộng đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ (03 Phó Thủ tướng Chính phủ, 16 Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ) và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tiếp tục tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp; Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo dõi, giám sát việc thực hiện.
Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Quốc hội đã xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Quốc hội cho rằng, ý kiến, kiến của cử tri và nhân dân cả nước đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kịp thời tổng hợp đầy đủ gửi đến Quốc hội.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 21 Hội đồng nhân dân khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026
Quốc hội đã thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị của cử tri; đảm bảo đúng thẩm quyền xử lý của các cơ quan ở Trung ương; gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại, hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.
 Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Nhân kỳ họp HĐND kỳ cuối năm, Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo một số thông tin sau:
 Về việc tham gia xây dựng pháp luật:
Trước kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐQBH tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo Luật trình Quốc hội. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã gửi 115 lượt văn bản lấy ý kiến tham gia góp ý đối với 15 dự thảo Luật đến các cơ quan, đơn vị liên quan bao gồm các Sở, Ban ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã và một số tổ chức khác.Tính đến ngày 29/11/2023, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được 66 văn bản phản hồi của các đơn vị, trong đó có 33 văn bản có ý kiến tham gia góp ý, 33 văn bản của các đơn vị thống nhất với các Dự thảo luật; nhiều đơn vị đã không có ý kiến phản hồi. Qua tổng hợp, nhận thấy các ý kiến tham gia góp ý của một số cơ quan, đơn vị gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh rất có trách nhiệm, có sự đầu tư, nghiên cứu và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sát với thực tiễn như: Sở Tài nguyên và Môi trường (Luật Đất đai sửa đổi); Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng (góp ý Dự thảo Luật Đường Bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ); Sở Tư pháp, Sở Tài chính (góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản); Ủy ban MTTQVN tỉnh, Sở Tư pháp, Tòa án Nhân dân tỉnh (góp ý vào Dự thảo Luật Tòa án nhân dân sửa đổi); Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND huyện Cam Lộ (góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi)...Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, nghiên cứu tham gia góp ý vào các dự án Luật; một số đơn vị không có phản hồi đối với văn bản lấy ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh; cá biệt có đơn vị mặc dù dự án Luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực đúng chuyên môn của ngành nhưng trả lời thống nhất với dự thảo, không có ý kiến gì khác. Trả lời như vậy là thiếu trách nhiệm.
 Về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri:
Từ sau kỳ họp thứ 4 đến trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tổng hợp kết quả giải quyết 152 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị tại địa phương.Tính đến ngày 30/11/2023, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được 143 văn bản trả lời của các Sở, ngành, địa phương liên quan đối với 148 ý kiến, kiến nghị của cử tri, hiện còn tồn đọng 04 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 6 chưa được xem xét giải quyết, trả lời. Qua theo dõi, tổng hợp nhận thấy: các cơ quan, đơn vị, địa phương sau khi nhận được báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do Đoàn ĐBQH tỉnh gửi đến đã chú trọng nghiên cứu, xem xét giải quyết kịp thời; UBND tỉnh đã tích cực triển khai, chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và địa phương liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị cử tri với tinh thần trách nhiệm cao, giải quyết thấu đảo, tháo gỡ được những khó khăn, bức xúc, đáp ứng sự mong đợi của cử tri. Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được xem xét, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm; hoặc ghi nhận, tiếp thu, nghiên cứu và đề xuất lộ trình giải quyết trong thời gian đến.Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, việc trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế như sau: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định; việc trả lời đối với một số vấn đề còn chung chung, mới dừng ở bước giải trình mà chưa đưa ra lộ trình, giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề cử tri kiến nghị, do đó chưa đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của cử tri; Một số đơn vị được giao chủ trì thiếu chủ động trong phối hợp triển khai thực hiện, đến thời điểm yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện, đơn vị được giao mới triển khai hoặc đề nghị giao cho cơ quan khác chủ trì giải quyết; Công tác thông tin kết quả trả lời, giải quyết kiến nghị chưa được quan tâm, chú trọng, một số văn bản trả lời giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chỉ gửi báo cáo đến Đoàn ĐBQH tỉnh và UBND tỉnh, không thực hiện việc gửi văn bản đến cấp cơ sở, nơi có ý kiến, kiến nghị của cử tri để thông tin cho cử tri được biết nên nhiều cử tri vẫn tiếp tục có ý kiến kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh.
Từ những vấn đề này, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị HĐND, UBND, các cấp, ngành địa phương, đơn vị cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm theo thẩm quyền trong việc tham gia xây dựng pháp luật, cũng như giải quyết ý kiến, kiến nghị của tri qua Đoàn ĐBQH tỉnh theo luật định. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ theo dõi, tổng hợp thường kỳ vấn đề này và mong chúng ta cùng đề cao tốt trách nhiệm để thực hiện tốt hơn nữa công tác Dân nguyện quan trọng này.
                                                                                                                     Nguyễn Thị Lý

Tác giả: admin, Nguyễn Thị Lý

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây