ĐBQH Hoàng Đức Thắng tham gia ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ
Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trịhttps://quochoi.quangtri.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ bảy - 28/10/2023 22:101860
Chiều ngày 27/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng, UVBTV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình việc Quốc hội ban hànhNghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ nhằm tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong chính sách, tạo hành lang pháp lý để thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công vào lĩnh vực giao thông đường bộ, là một trong những lĩnh vực hạ tầng quan trọng của Quốc gia.
Ý kiến đại biểu cho rằng dự thảo Nghị quyết có rất nhiều quy định tiến bộ và tích cực như: Tăng tỷ lệ vốn của Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hoặc các công trình lên tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án (tăng 20% so với quy định hiện nay) là hợp lý, tạo sự thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư; Về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương trong đó có phân cấp, phân quyền cho địa phương có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, cao tốc qua địa phương mình, hoặc cho phép sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác, tạo sự linh hoạt trong điều hành ngân sách, góp phần giải quyết bài toán về việc thực hiện đầu tư các công trình giao thông, tháo gỡ nút thắt địa phương muốn làm nhưng không có quy định phân quyền cho địa phương thực hiện những nhiệm vụ ngoài các văn bản luật đã có quy định.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có báo cáo tổng kết, đánh giá đối với việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù, trong đó có việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư để làm căn cứ triển khai thực hiện Nghị quyết này. Đồng thời cân nhắc, làm rõ đối với những trường hợp công trình, dự án chưa hoàn thành, kéo dài đến sau khi Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành vào năm 2025 thì giải quyết như thế nào?
Về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Hoàng Đức Thắng đồng tình việc điều chỉnh Nghị quyết này là cần thiết vì trong quá trình triển khai đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, một số nội dung của Dự án có thay đổi so với chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết. Dự án sân bay Long Thành là một trong những dự án hạ tầng quan trọng ở phía Nam, đại biểu Quốc hội khóa 14 quyết định là cho giải phóng mặt bằng 1 lần và phấn đấu đến năm 2021 hoàn thành, đến nay đã chậm mất 2 năm tiến độ, vì vậy đại biểu lo ngại sự chậm trễ này có thể kéo theo tốc độ hoàn thành dự án Sân bay Long Thành, điều này sẽ gây rất nhiều hệ lụy đến kế hoạch hoàn thành dự án chung của Quốc hội, Chính phủ và chắc chắn sẽ tác động đến sự phát triển xã hội của Quốc gia.
Đại biểu đánh giá sự nỗ lực cao của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng ngoài tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2021-2022, thì rõ ràng cũng có những nguyên nhân chủ trong trong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, sự quyết liệt để giải quyết kịp thời của dự án này. Việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 53/2017/QH14 còn chậm, đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương liên quan vì sự chậm trễ này ảnh hưởng đến phát huy hiệu quả của một Công trình trọng điểm quốc gia. Theo đó, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc có quy định ràng buộc về cam kết của Chính phủ đối với việc hoàn thành dự án trên vào năm 2024 như mục tiêu của dự thảo Nghị quyết đã đưa ra tại kỳ họp này./.