Đại biểu Hà Sỹ Đồng khẳng định 3 chương trình mục tiêu quốc gia là rất phù hợp, rất đúng với chủ trương, Nghị quyết của Trung ương và mong đợi của nhân dân. Trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia thì chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới là chương trình thành công nhất, đem lại bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đặc biệt đời sống, việc làm, thu nhập của người dân ngày càng cải thiện, hình thành nhiều vùng quê đáng sống, khơi dậy truyền thống dân tộc và nét đẹp văn hóa của các miền quê.
Hiện nay, theo báo của đoàn giám sát của UBTV Quốc hội thì 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều vướng mắc; còn xảy ra vấn đề chồng chéo, xung đột giữa các văn bản hướng dẫn, chủ yếu do khung cơ chế chính sách và sự phối hợp giữa các Bộ, Ngành Trung ương và địa phương chưa đồng bộ. Nhiều văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, cùng một vấn đề nhưng nhiều văn bản cùng hướng dẫn khiến vấn đề trở nên rối rắm, kéo theo việc thực hiện chương trình và công tác giải ngân rất khó khăn. Đặc biệt là quy định về các tiêu chí, mỗi Bộ, ngành quy định một tiêu chí khác nhau, hơn nữa mỗi địa phương đều có đặc trưng riêng của vùng miền nên rất khó thực hiện đồng bộ, thống nhất.
Đại biểu rất đồng tình với báo cáo của Chính phủ về Kinh tế - Xã hội trong đó có nội dung về nhiệm vụ giải pháp phân cấp, phân quyền trọn gói cho các địa phương. Theo đó, đại biểu đề nghị bỏ các quy định về tiêu chí, nguyên tắc cứng do các Bộ, ngành quy định; nên tập trung phân cấp, phân quyền về cho địa phương, giao cho HĐND địa phương tự chịu trách nhiệm, giải ngân hết nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu, đầu tư đúng vào các đối tượng cần hỗ trợ, cần mạnh dạn “xé rào" Luật Đầu tư công; bên cạnh đó, đại biểu cho rằng chức năng của các Bộ, ngành Trung ương nên chuyển từ việc quy định, hướng dẫn sang kiểm tra, giám sát. Đại biểu kiến nghị Quốc hội nên ban hành Nghị quyết về phân cấp, phân quyền trọn gói cho địa phương, có như vậy thì vấn đề giải ngân sẽ có những điểm đột phá, chương trình đầu tư công sẽ thuận lợi, hiệu quả và sớm hoàn thành phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân.