Một số kết quả đạt được qua giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng trị

Thứ ba - 11/06/2024 21:49 90 0
Thực hiện Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023" trên địa bàn tỉnh.
Một số kết quả đạt được qua giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng trị
 
Về Cơ chế tài chính, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công: Việc giao quyền tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ được đẩy mạnh, góp phần giảm áp lực về biên chế và chi ngân sách nhà nước trong việc thực hiện các dịch vụ công, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW trong thời gian tới. Việc cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công của các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cơ bản đảm bảo chất lượng, chủ yếu tại các vùng thuận lợi, có điều kiện về xã hội hóa cao; có nhiều đơn vị cung ứng các dịch vụ có chất lượng cao, phục vụ tốt, cơ sở khang trang hiện đại, giúp người dân tiếp cận đa dạng các dịch vụ, góp phần giảm tải cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo địa phương, đơn vị chưa thấy hết vị trí, ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của chủ trương, quan điểm về về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập được thể hiện trong Nghị quyết, nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện còn thiếu quyết liệt, vẫn còn tình trạng chờ đợi cơ quan, địa phương khác thực hiện rồi mới làm, các đơn vị sự nghiệp công lập chưa mạnh dạn trong việc đổi mới cơ chế, vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước. Việc ban hành hệ thống các cơ chế, chính sách của Chính phủ và các Bộ, ngành đối với đơn vị sự nghiệp công lập, còn thiếu, chưa đồng bộ, còn chậm, một số quy định đến nay không còn phù hợp với thực tiễn. Một số ngành, lĩnh vực chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí. Do đó còn khó khăn trong việc xây dựng giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến việc nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã đề xuất 03 nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện và nhóm giải pháp về nguồn lực để đề nghị Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương quan tâm, kịp thời thực hiện trong thời gian đến. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội quan tâm, chỉ đạo sửa đổi các bộ luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trước mắt là các quy định liên quan (Luật Thú y, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật) để địa phương có cơ sở pháp lý thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trên cơ sở tổ chức lại Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y và Trạm Bảo vệ thực vật; vì hiện nay khi xây dựng đề án thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện thì bị vướng các luật nói trên; đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về chuyển các trường mầm non, trung học phổ thông ở những nơi có điều kiện xã hội hóa cao ra ngoài công lập theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương, để địa phương có cơ sở thực hiện; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về phân loại, xếp hạng tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập; đề nghị các Bộ, Ngành Trung ương ban hành Thông tư thay thế Thông tư hướng dẫn xếp hạng vì hiện nay các quy định và tiêu chí về xếp hạng đối với đơn vị sự nghiệp công lập không còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời ban hành mới Thông tư hướng dẫn xếp hạng đối với các lĩnh vực chưa có hướng dẫn phân loại, xếp hạng để địa phương triển khai đồng bộ việc xếp hạng đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với các vấn đề liên quan đến thẩm quyền địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị: cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, với sự quyết tâm cao, có mục tiêu, giải pháp cụ thể và phải phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh. Quá trình thực hiện phải đảm bảo chắc chắn, hiệu quả, linh hoạt và phải phù hợp với từng đơn vị, địa phương, vùng, miền; theo phương châm sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập có bộ máy tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không để tồn tại nhiều đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng nhiệm vụ tương tự, hoạt động trên cùng một địa bàn, địa phương; một đơn vị sau sắp xếp phải đa ngành, đa lĩnh vực, cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao; rà soát, đánh giá lại hoạt động, tổ chức, bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập; bám sát Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là các mục tiêu, chỉ tiêu mà trong Nghị quyết đã xác định, đảm bảo được các mục tiêu vào năm 2030 theo tinh thần của Nghị quyết./.
                                                                                  Nguyễn Thị Lý

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây