Nhân dân là nhân tố quyết định chiến thắng đại dịch Covid-19

Thứ hai - 15/11/2021 02:36 376 0
Sáng ngày 08/11/2021, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thảo luận tại Hội trường về Báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị Quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đã tham gia ý kiến. Sau đây là phát biểu của đại biểu tại diễn đàn Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu tại diễn đàn Quốc hội
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu tại diễn đàn Quốc hội

Góp ý cùng Chính phủ , nhìn từ vai trò nhân dân và việc xã hội hóa trong phòng chống dịch Covid19; tôi xin có mấy ý kiến sau đây:
Thứ nhất: Chúng ta đã đi qua chặng đường đầy cam go, thử thách trong cuộc chiến “sinh tử” với đại dịch COVID-19 với những chiến thắng và cả những hy sinh to lớn, cũng như thách thức đang hiện hữu. Lịch sử sẽ còn nhắc nhớ đến đại dịch COVID-19 này  như một chương không thể nào quên với tất cả thương đau, nhưng cũng tỏa sáng tinh thần trách nhiệm vì Dân, chói sáng sự tử tế, đức hy sinh, tình thương yêu, bác ái của con người. Bài học “Dân là Gốc”, sức mạnh ở nơi nhân dân chưa bao giờ xưa củ và vô cùng sâu sắc trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 này; là phương châm hành động, kế sách bền vững lâu dài; xã hội hóa công tác phòng, chống dịch là biện pháp quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân cho cuộc chiến và nó phải được thực hiện một cách có tổ chức, được chỉ huy điều hành thống nhất, chặt chẽ trong một hành lang pháp lý, cơ chế huy động , quản lý, kiểm soát rõ ràng, minh bạch và cần được tôn vinh xứng đáng; đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực, lùm xùm như trong một số hoạt động thiện nguyện vừa rồi. Vừa qua, chúng ta đã làm khá tốt, nay tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhóm chính sách với các quy định mang tính quy phạm pháp luật, hướng dẫn thống nhất và cần sớm Luật hóa các hoạt động xã hội hóa, thiện nguyện, cứu trợ xã hội.
 
Thứ hai: Khi và chỉ khi mỗi người dân ý thức đầy đủ: Phòng chống dịch bệnh là quyền lợi, nghĩa vụ để bảo vệ sức khỏe tính mạng cho mình, người thân, gia đình, cộng đồng của chính mình thì người dân mới vào cuộc với nhu cầu tự thân, chủ thể tích cực, chủ động bằng hành động có nhận thức, có phương pháp, có trách nhiệm đầy đủ chứ không ỷ lại, thụ động, chờ đợi, phó mặc, xem việc phòng chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền, của ngành y tế và của các cơ quan chức năng. Do đó, người dân cần được tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các biện pháp hết sức cụ thể có tính chuyên môn, được cung cấp các điều kiện cần thiết để thực hiện, và sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý để người dân có thể tham gia thực hiện tốt nhất những việc mà hiện nay nhà nước phải đảm nhận trong phòng chống dịch. Ví dụ như: Tự cách ly, chữa trị tại gia đình, tại cộng đồng , hoặc chọn nơi có đủ điều kiện để cách ly, chữa bệnh và tự trang trãi toàn bộ chi phí, hoặc một phần chi phí nhằm giảm áp lực lớn cho chính quyền các cấp khi phải tổ chức các khu cách ly tập trung, quá tải các khu điều trị dã chiến mà không phải ở đâu, lúc nào cũng có những điều kiện tối thiểu. Muốn làm được việc này, nhất thiết phải có cơ chế, chính sách linh hoạt, tập trung đầu tư tăng cường, nâng cao năng lực họat động cho y tế cơ sở cả về đội ngũ lẫn phương tiện, cơ sở vật chất đủ sức quản lý, kiểm soát, hướng dẫn, giải quyết các vấn đề có tính chuyên môn ngay tại cơ sở. Việc này, tôi tin rằng nếu Chính phủ và ngành y tế quyết tâm, cấp ủy Đảng chính quyền các cấp vào cuộc, nhất định sẽ làm được và nhân dân sẽ đồng tình ủng hộ.
 
Thứ ba: Phải xem việc đóng góp cho công tác phòng chống dịch là quyền lợi và nghĩa vụ thường xuyên của mỗi tổ chức, cá nhân. Hay nói cách khác, xã hội hóa công tác phòng chống dịch phải là giải pháp bền vững, dài lâu cần được đặt đúng vị trí quan trọng của nó. Vừa qua, các tổ chức, doanh nghiệp, đồng bào đã nhiệt thành ủng hộ với những nghĩa cử cao đẹp đã tạo ra nguồn lực vật chất rất lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh. Sông còn nhiều bất cập. Ví như: Tại sao trong khi các cơ sở dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà nghỉ phải đóng cửa, lao động không có việc làm, thu nhập; thì nhà nước phải huy động cả doanh trại Quân đội, trường học, nhà thi đấu thể thao, xây dựng các khu cách ly tập trung, dã chiến rất tốn kém, song điều kiện sinh hoạt ở các khu cách ly đó lại vô cùng khó khăn, không bảo đảm an toàn? Tại sao một bộ phận nhân dân có nhu cầu và điều kiện để sẵn sàng trang trãi một phần, thậm chí toàn bộ chi phí dịch vụ để được lựa chọn nơi cách ly, chữa bệnh tốt hơn, an toàn hơn lại chưa được đáp ứng? Tại sao một bộ phận người dân có điều kiện lại không có cơ hội để được từ chối nhận gói hỗ trợ mà tôi chắc rằng nếu có chính sách linh hoạt họ sẵn lòng để dành nguồn lực rất có hạn, thậm chí còn góp thêm cho những người nghèo, người khó khăn khác trong một chính sách nhà nước bao phủ, bao trùm, bao cấp? Tại sao các cơ sở Y tế tư nhân dường như còn đứng ngoài cuộc khi mà các cơ sở y tế công lập, đội ngũ y, bác sỹ lại quá sức, quá mỏng trong cuộc chiến chống Covid-19 vậy? vv và vv… Vậy, chúng ta đang thiếu nguồn lực hay còn thiếu cả cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp mà chính nó sẽ tạo ra nguồn sức mạnh nội sinh ở nơi Nhân dân. Vì thế, tôi đề nghị Chính phủ cần tổng rà soát lại tất cả những cơ chế chính sách vừa qua, đánh giá một cách đầy đủ cả được và chưa được để xây dựng và hoàn thiện nhóm chính sách mới về phát huy vai trò chủ động và huy động sức mạnh nhân dân trên một quan điểm là: chuyển từ Nhà nước chủ đạo, chủ yếu sang Nhân dân chủ động và quyết định trong cuộc chiến còn lâu dài chống đại dịch Covid19 này.
 
Thứ tư: Việc thay đổi phương cách chống dịch hiện nay là hết sức đúng đắn  và cần thiết; thay vì tập trung cách ly, lập chốt, đóng khung, cát cứ lãnh địa cực đoan; bằng giải pháp linh hoạt, kiểm soát, điều chỉnh cấp độ “Đổi màu” tùy khu vực, phong tỏa hẹp, khoanh vùng, dập dịch nhanh, chỉ huy thống nhất, gắn kết nội vùng, liên vùng. Tư duy mới là không lơ là, chủ quan nhưng phải thích ứng an toàn mới theo yêu cầu mở cửa cho doanh nghiệp và người dân hoạt động kinh tế, sinh kế để có kịch bản cho phòng chống dịch linh hoạt, phù hợp đó là xu thế tất yếu không thể khác được. Hay nói cách khác: Phòng chống dịch để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và phát triển kinh tế phải an toàn để có điều kiện phòng chống dịch.
 
Phương châm chỉ đạo: “Chống dịch như chống giặc”; mỗi xã, phường là một “Pháo đài”, mỗi người dân là mỗi “chiến sĩ” mang tính biểu tượng trong tư duy lãnh đạo, điều hành chống dịch Covid 19. Vậy, còn mỗi gia đình, mỗi khu phố, bản làng, cộng đồng dân cư sẽ có vị trí sao đây trong thế trận toàn dân, toàn diện chống dịch này? Phải trang bị cho người dân những gì? họ phải biết hành động ra sao thì mới trở thành người “chiến sĩ ”  biết chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh. Tất cả điều đó cần phải được giải nghĩa rõ ràng thì  mới thống nhất hành động, ắt mới thành công được, để cán bộ cơ sở cần biết rõ địa phương mình là “Pháo đài, hay là Lô cốt” khi thực thi trách nhiệm công vụ!
 
Rất, rất nhiều những vấn đề cụ thể mà thực tiễn chống dịch COVID-19 vừa qua như là một cuộc “thử lữa” để chúng ta nhìn lại, xốc lại hành trang mang cả những chiến thắng vinh quang và cả mất mát, hy sinh phải trả bằng giá rất đắt để  tiến về phía với niềm tin, sự quyết tâm chuyển hướng tư duy chiến lược và cách tiếp cận mới, cách làm mới mà ở đó Nhân dân phải đặt đúng vị trí trung tâm và là nhân tố quyết định chiến thắng đại dịch Covid-19.
 

Tác giả: Phương thanh (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây