Khảo sát việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021

Thứ năm - 05/05/2022 21:37 735 0
Ngày 27/4, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do UVTƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2021. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy tham dự làm việc.
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: L.M
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: L.M

Trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành sắp xếp 33 xã, thị trấn thành 17 xã, thị trấn (giảm 16 xã). Tuy nhiên, theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh còn có 2 ĐVHC cấp huyện và 9 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng chưa thực hiện sắp xếp do nhiều yếu tố đặc thù riêng, ở cấp huyện gồm thị xã Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ; cấp xã gồm xã Vĩnh Thái, Vĩnh Khê, thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh), xã Trung Giang (huyên Gio Linh), xã Xy (huyện Hướng Hóa), xã Triệu Vân, Triệu Lăng (huyện Triệu Phong), xã Hải Khê (huyện Hải Lăng), phường An Đôn (thị xã Quảng Trị).

Sau sắp xếp, các địa phương đã thực hiện phương án bố trí, sử dụng trụ sở làm việc tại các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các ĐVHC cũ trước đây một cách tiết kiệm, hiệu quả. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư nâng cấp các tiêu chuẩn đô thị sau khi sắp xếp ĐVHC được quan tâm bằng việc bổ sung các quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị đối với các thị trấn mới.

Đồng thời, tiếp tục đánh giá, rà soát chất lượng đô thị của thị trấn sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC nhằm tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng các thị trấn đạt các tiêu chuẩn đô thị theo quy định. Việc chi trả chế độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư được thực hiện kịp thời theo đúng quy định của Chính phủ và chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình sắp xếp vẫn còn những khó khăn, bất cập. Theo đó, sau sắp xếp nhiều địa phương phải sử dụng 2 trụ sở làm việc dẫn đến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Trong điều kiện khó khăn về ngân sách, chính sách hỗ trợ của tỉnh chưa bảo đảm khuyến khích cán bộ, công chức dôi dư nghỉ việc, công tác vận động để cán bộ, công chức dôi dư thực hiện tinh giản còn gặp khó khăn, trong khi đó phải thực hiện các quy định khác về tinh giản biên chế.

Hiện nay còn 121 cán bộ, công chức dôi dư tiếp tục giải quyết theo lộ trình, số cán bộ, công chức dôi dư hầu hết tuổi đời còn trẻ, có trình độ chuyên môn, có năng lực công tác nên việc giải quyết tinh giản gặp nhiều khó khăn.

Sau sắp xếp, người dân ở các xã khi thực hiện việc chuyển đổi giấy tờ, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai như cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... thì được miễn lệ phí theo quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 nhưng phải đóng khoản phí hành chính (giá dịch vụ hành chính) lớn hơn nhiều so với lệ phí được miễn. Một số địa phương phải tổ chức lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp ĐVHC, cụ thể là tên đơn vị hành chính mới gặp rất nhiều khó khăn.

 Từ đó, tỉnh Quảng Trị kiến nghị trung ương quan tâm tháo gỡ những khó khăn, bất cập hiện nay. Đối với các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp, huyện đảo Cồn Cỏ và phường An Đôn (thị xã Quảng Trị) do có đặc thù về vị trí địa lý nằm cách biệt với các ĐVHC khác nên chưa đề nghị sắp xếp; các ĐVHC còn lại do đặc thù về truyền thống, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, quốc phòng, an ninh nên đề nghị trung ương giữ nguyên như hiện nay. Kiến nghị trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để xây dựng trụ sở mới ở các xã, thị trấn mới thực hiện sắp xếp, đảm bảo quy mô làm việc, thuận lợi cho cán bộ, Nhân dân khi đến giao tiếp, giải quyết thủ tục hành chính. Chính phủ cần có chính sách tinh giản biên chế riêng đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp ĐVHC theo hướng ưu đãi hơn so với chính sách hiện nay.

Phát biểu tại buổi làm việc Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong quá trình tổ chức thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao. Đồng thời chia sẻ với những khó khăn, bất cập mà địa phương gặp phải trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bên cạnh việc ghi nhận các kiến nghị của địa phương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức đến cán bộ, Nhân dân, trong đó chú trọng nội dung sắp xếp không chỉ thu gọn về bộ máy, tổ chức biên chế mà gắn với việc tạo không gian phát triển kinh tế, đảm bảo QP – AN địa phương có tính bền vững.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu nhằm tạo thuận lợi trong phục vụ các dịch vụ công, lợi ích của người dân, doanh nghiệp địa phương. Quá trình sắp xếp, địa phương cần chú trọng gắn với quy hoạch phát triển chung và quy hoạch ngành của địa phương theo lộ trình trước mắt và lâu dài.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây