Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trịhttps://quochoi.quangtri.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ ba - 11/06/2024 20:596790
Hôm nay 27/5, tiếp tục kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dành cả ngày để thảo luận về dự thảo luật này
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đã có một số ý kiến tập trung vào các nội dung: đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; điều kiện hưởng chế độ thai sản; bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần; thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng. Về quy định đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, việc hạ độ tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đối với đối tượng người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là một bước tiến mới, thể hiện chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu không đồng tình về quy định của dự thảo: “Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”. Đại biểu cho rằng, những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đều thuộc đối tượng yếu thế, những người này khi còn tuổi lao động họ làm việc ở khu vực không có quan hệ lao động và phần đông là ở nông thôn, họ không có chế độ hưu trí, mà đã người nghèo, cận nghèo thường thuộc đối tượng hay ốm, đau, bệnh tật, không liên quan đến nơi cư trú. Việc quy định cho các đối tượng này được hưởng với điều kiện đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn làm hạn chế tính xã hội ưu việt của điều luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, bỏ điều kiện đang cư trú tại các xã, thôn, đặc biệt khó khăn để tạo điều kiện cho các đối tượng người nghèo, người yếu thế được thụ hưởng chính sách.
Về quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản tại khoản 2, Điều 52 dự thảo quy định “Đối tượng quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 điều này phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận con, khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi”, ý kiến đại biểu phản ánh tình trạng đang xảy ra hiện nay như: nữ giới khi mang thai đã thực hiện gửi đóng BHXH bắt buộc ở các đơn vị sử dụng lao động. Các trường hợp này ký hợp đồng lao động nhưng thực tế không làm việc hưởng lương mà tự trích tiền cá nhân để gửi đơn vị đóng BHXH bắt buộc nhằm mục đích trục lợi hưởng chế độ thai sản do mức tiền phải đóng BHXH trong 6 tháng thấp hơn khá nhiều so với hưởng BHXH thai sản. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội sửa đổi quy định thời gian đóng BHXH từ 6 tháng lên 9 tháng để phù hợp hơn trong tương quan giữa số tiền đóng và hưởng, đồng thời giảm thiểu tình trạng trục lợi hưởng chế độ thai sản. Về quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu hàng tháng, theo đại biểu, việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 68 (điều kiện hưởng lương hưu) của dự thảo thì tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ Luật Lao động là: đối với nam cao hơn nữ 2 tuổi (nam là 62 tuổi và nữ 60 tuổi). Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 70 dự thảo luật này quy định thời gian đóng BHXH để tính mức lương hưu hàng tháng của nam lại cao hơn của nữ 5 năm (20 năm đối với lao động nam, 15 năm đối với lao động nữ) là chưa hợp lý, chưa đảm bảo công bằng cho lao động nam. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét điều chỉnh lại thời gian theo hướng giảm thời gian đóng BHXH của nam là 17 hoặc 18 năm tại khoản 1 Điều 70, quy định như vậy là phù hợp và công bằng, đồng thời thống nhất với quy định độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam và lao động nữ theo Bộ Luật Lao động. Đại biểu cũng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu bổ sung, chỉnh lý dự thảo luật. Dự thảo luật với 10 chương, 142 điều, đề cập đến nhiều nội dung lớn và mới về chế độ chính sách BHXH, quản lý nhà nước về xã hội, những vấn đề có tính nghiệp vụ về công tác BHXH. Đây là những vấn đề khó và mới cần có thời gian để đánh giá tác động đầy đủ về ảnh hưởng và tác động xã hội có liên quan đến đời sống của hàng triệu người dân cũng như chính sách an sinh xã hội của đất nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị nếu đầy đủ cơ sở thì thông qua, còn trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau hoặc có nhiều ý kiến đề xuất bổ sung mới thì cần có thời gian để phân tích, đánh giá, chưa vội thông qua tại kỳ họp này.
Nguyễn Thị Lý