Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trịhttps://quochoi.quangtri.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ ba - 19/03/2024 01:231960
Ngày 18/3/2024, Phiên họp thứ 31của Ủy ban thường vụ Quốc hội được tổ chức tại Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tài chính và Ngoại giao. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến đến 62 điểm cầu tại các địa phương trong cả nước.
Tham dự tại điểm cầu Quảng Trị có các đại biểu Quốc hội của Đoàn ĐBQH tỉnh: UVBTVTU, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng; Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh;TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy, cùng lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những chất vấn ĐBQH nêu, đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài đối với từng nội dung chất vấn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, Nhân dân cả nước. Trong quá trình chất vấn, Chủ tọa sẽ mời thêm một số thành viên Chính phủ tham gia giải trình làm rõ thêm vấn đề. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát. Buổi sáng diễn ra phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, tập trung vào các nội dung chính:Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Công tác quản giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. Chịu trách nhiệm trả lời các nội dung nêu trên thuộc về bộ trưởng Hồ Đức Phớc. Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề liên quan có Phó Thủ tướng Trần Minh Khái cùng các Bộ, Ngành liên quan. Đã có 43 đại biểu chất vấn, 4 đại biểu tranh luận trực tiếp với bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc thuộc 4 nhóm vấn đề.
Về vấn đề thẩm định giá, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ và có kiến nghị gì với Chính phủ để tạo sự chuyển biến căn bản nhằm nâng cao năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thẩm định viên cũng như nâng cao chất lượng cấp quản lý thẻ thẩm định viên về giá trong điều kiện hiện nay.Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Đức Thắng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, vấn đề thẩm định giá liên quan đến con người, luật pháp và công nghê. Trong đó, con người là quan trọng nhất, do vậy Bộ sẽ tăng cường năng lực, đạo đức, công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục, kiểm tra, thanh tra, đào tạo và cấp chứng chỉ.
Đại biểu Hồ Thị Minh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới, ngành tài chính có những giải pháp như thế nào để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, nhất là trâu, bò, lợn, gà tại các khu vực biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam -Campuchia?
Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết nội dung trọng tâm để ngăn chặn phải bắt đầu từ nhận thức của người dân. Qua hệ thống cửa khẩu chính, những đường mòn, lối mở có Hải quan thì sẽ ngăn chặn một cách triệt để, nhưng khi trâu, bò đi quan biên gới mở mà không có người kiểm soát thì phải có giải pháp về tuần tra, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương và hơn ai hết là những người mua bán trâu, bò và những người dắt trâu, bò. Do đó, giải pháp làm thế bào để tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thực và tăng cường tuyên truyền về răn đe và phối kết hợp giữa các huyện sát biên giới; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng như là biên phòng, công an, hải quan để ngăn chặn vấn đề này.
Buổi chiều diễn ra phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao gồm các nhóm nội dung: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩu thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo. Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch. Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao. Chịu trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các Bộ, Ngành liên quan tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề liên quan Đã có 32 đại biểu tham gia chất vẫn và 01 đại biểu tranh luận trực tiếp. Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh nêu rõ: hiện nay, nước ta đã miễn thị thực nhập cảnh đơn phương cho 13 nước nhằm hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao cần có giải pháp gì để các nước nói trên miễn thị thực song phương cho công dân Việt Nam trên nguyên tắc có đi có lại? Cũng theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, thời gian vừa qua nhiều lãnh đạo, cán bộ ngành Ngoại giao vi phạm pháp luật trong vụ án "chuyến bay giải cứu công dân trong đại dịch Covid-19" Phải chăng đây là phần nổi của tảng băng chìm trong công tác cán bộ ngành Ngoại giao. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này và có biện pháp gì để phòng ngừa, ngăn chặn triệt để những tiêu cực trong nội bộ ngành để lấy lại hình ảnh, uy tín của cán bộ ngành ngoại giao trước nhân dân và bạn bè quốc tế?
Trả lời về nội dung chất vấn của đại biểu Hoàng Đức Thắng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết tới đây Bộ Ngoại giao sẽ thúc đẩy đàm phán miễn thị thực song phương theo hướng bền vững lâu dài, tạo điều kiện cho người dân khi đi ra nước ngoài; ngành Ngoại giao cũng đã nghiêm túc kiểm điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm qua vụ việc chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam trong đại dịch Covid-19. Trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đạo đức công cụ cho cán bộ, công chức, viên chức của ngành. Công khai minh bạch trong quá trình hoạt động, đặc biệt là rà soát, hoàn thiện tất cả quy chế, quy trình liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, kết quả phiên chất vấn lần này cho thấy, nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội được đưa ra diễn đàn Quốc hội bàn thảo, giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luậtcũng như nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những tồn tạo, hạn chế, góp phần thức đẩy việc thực hiện có hiệu quả đường lỗi, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng với các giải pháp mà các Bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các ĐBQH, các lĩnh vực được chất vấn hôm nay sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến mới, tốt đẹp hơn trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Lý