Một số kết quả đạt được qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Thứ hai - 26/02/2024 07:56 278 0
Thực hiện chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề tại UBND tỉnh và một số cơ quan đơn vị chịu sự giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh
Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh
Triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương, tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành Kế hoạch số 64/KH- UBND ngày 08/4/2022 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2023 đã quy định 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương thực hiện từng nhiệm vụ, thời hạn cụ thể. Về cơ bản, hệ thống các văn bản của tỉnh trong việc triển khai thực các chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ được xây dựng và ban hành đầy đủ, đảm bảo tính kịp thời, khả thi trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại địa phương và phù hợp, thống nhất với hệ thống các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Sau 02 năm triển khai cho thấy, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong hoàn cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Nghị quyết được ban hành tại Kỳ họp bất thường với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, cổ vũ tinh thần cho người dân, doanh nghiệp; bổ sung một nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau đại dịch COVID-19; được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế. Với sự giám sát, đồng hành, hỗ trợ của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, cơ quan... tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính sách quy định tại Nghị quyết số 43, điển hình như: Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả, đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, từng bước nâng cao điều kiện sống, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Dự án Đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị (đoạn từ nút giao đường Nguyễn Hoàng đến Nam cầu sông Hiếu) được Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 4) với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 203 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh 27 tỷ đồng; đã tổ chức công tác đấu thầu, mua sắm và bàn giao thiết bị máy tính bảng thuộc các gói thầu Mua sắm thiết bị Chương trình “Sóng và máy tính cho em” với tổng cộng qua 3 đợt đã trao 14.930 máy tính bảng với tổng giá trị 36.470 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao việc triển khai thực hiện của tỉnh, đề nghị tiếp tục rà soát để sử dụng nguồn kinh phí còn lại mua sắm máy tính cho Chương trình trong thời gian tới. Nhìn chung, tỉnh Quảng Trị đã bám sát các chủ trương, định hướng của Quốc hội, Chính phủ, góp phần hỗ trợ kinh tế tỉnh nhà phục hồi và phát triển. Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết số 43/2022/QH15 cơ bản hoàn thành, nhất là phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân, đặc biệt là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; các hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi và phát triển nhanh; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.  
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 43 còn gặp phải một số hạn chế, khó khăn và vướng mắc như: một số chính sách đã hết thời gian thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực cần tiếp tục được triển khai để phát huy hiệu quả, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế như: chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, gói hỗ trợ lâm, thủy sản, gói hỗ trợ vay nhà ở xã hội.... giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đề ra như: Các dự án thành phần Cao tốc Bắc Nam, dự án Đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

 
Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với Sở Tài chính
Đoàn giám sát làm việc với Sở Tài chính
Trên cơ sở kết quả giám sát, khảo sát thực tế và nội dung kiến nghị của UBND tỉnh, các ngành, địa phương của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị Quốc hội tiếp tục cho phép triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như Quốc hội đã quyết nghị tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 đến hết năm 2025, cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn đầu tư phát triển đối với các công trình trọng điểm, có liên quan đến giải phóng mặt bằng; nhất là những chương trình mục tiêu quốc gia đến cuối năm mới phân bổ nguồn vốn nên không kịp giải ngân, hoặc tỷ lệ giải ngân thấp; đề nghị Chính phủ, xem xét, kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Đấu thầu đã được thông qua để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay trong đấu thầu các dự án liên quan đến nguồn vốn của Chương trình; điều chỉnh đối tượng, điều kiện tiếp cận chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tạo điều kiện cho khách hàng trong trường hợp tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất theo tinh thần Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án đối với Dự án xây dựng mới Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Đối với các vấn đề liên quan đến thẩm quyền địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các Sở, ngành và địa phương có giải pháp căn cơ, thiết thực hơn nữa trong việc đưa Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ vào thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phần đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra./.
 
Nguyễn Thị Lý

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây