Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng tham gia thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ hai - 06/11/2023 21:13 140 0
Sáng 3/11, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã phát biểu ý kiến góp ý vào dự thảo luật
ĐBQH Hà Sỹ Đồng phát biểu sáng nay 3/11
ĐBQH Hà Sỹ Đồng phát biểu sáng nay 3/11

ĐBQH Hà Sỹ Đồng khẳng định, Luật Đất đai là đạo luật rất khó, cần có nhiều thời gian tiếp cận và nghiên cứu; đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã cố gắng tiếp thu, giải trình cơ bản đầy đủ và thuyết phục.

Theo báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới và có ý kiến khác nhau. Tại buổi thảo luận, ĐBQH Hà Sỹ Đồng tập trung góp ý vào một số vấn đề trong số 16 nội dung còn các phương án khác nhau.

Thứ nhất: Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đại biểu thống nhất phương án chỉnh sửa “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” thành “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài”, theo đại biểu đây là vấn đề rất khó song không thể bỏ ngỏ khi sửa luật lần này.

Thứ hai: Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm, đại biểu đề xuất chọn phương án quy định “loại trừ quyền bán và quyền cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê; tuy nhiên, được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê là tài sản do ĐVSNCL tạo lập”; đại biểu cho rằng với phương án này, các đơn vị có thể đảm bảo tự chủ tài chính, giảm áp lực với ngân sách nhà nước.

Thứ ba: Liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, dự thảo đang thiết kế 3 phương án. Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng tại phương án 3 phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177 hài hòa hơn. Việc không giới hạn về điều kiện sẽ rất khó quản lý, dễ phát sinh những vấn đề không mong muốn.

Thứ tư: Về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp cũng có 3 phương án. Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, phương án quy định: “Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp với quy hoạch cao hơn” là phù hợp, bởi nếu quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn, trong điều kiện nhân lực làm quy hoạch như hiện nay thì dễ làm chậm lại cả quá trình này.

Thứ năm: Về thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại, đại biểu cho rằng, đây là nội dung rất mới so với dự thảo ở Kỳ họp thứ 5 khi mà Chính phủ đề xuất mở rộng về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất điều kiện được nhận chuyển nhượng không giới hạn về các loại đất.

Việc này được cho là sẽ thúc đẩy tiến trình đô thị hóa đất nước, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính và nhiều lợi ích khác như trong Báo cáo số 598 của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, với khả năng quản lý như hiện nay cộng với việc đây là đề xuất rất mới, chưa được đánh giá tác động đầy đủ thì việc vẫn để cả phương án 1 theo đại biểu là sự cẩn trọng và cần thiết.

Lập luận của Phương án 1 nghiêng về sự ổn định về quan hệ xã hội đối với đất làm nhà ở đã có trước đó. Nhưng cũng không nhất thiết vì sự ổn định đó mà không thay đổi khi thấy có những bất cập cần phải thay đổi.

Song, từ yêu cầu của thực tiễn, đại biểu đề nghị chọn phương án 2 nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và cung cấp nhà ở cho người dân, đây thực sự là điều rất cần thiết.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân cư dồn về đô thị. Nếu không mở rộng nguồn cung nhà ở thì cung thấp hơn cầu, giá nhà sẽ cao. Thực tế cũng cho thấy giá nhà ở của Việt Nam quá cao so với thu nhập trung bình của xã hội. Nếu giá nhà cao như vậy thì sẽ dẫn đến hệ quả là người ta buộc phải ở trong các căn hộ dưới chuẩn an toàn. Cũng không ít trường hợp vì không chịu được chi phí mua nhà nên chấp nhận xây nhà trên đất nông nghiệp để chi phí thấp.

Vụ cháy chung cư mini làm bàng hoàng cả xã hội vừa qua một phần nguyên nhân do có quá nhiều rào cản không cần thiết về cung nhà ở. Vì thế, gỡ bỏ rào cản về cung nhà ở, chỉ giữ lại những yêu cầu thật cần thiết về an toàn chính là cách để hạn chế những vụ việc thương tâm như vậy.

Điều này, tất nhiên còn phụ thuộc vào nhiều quy định khác, trong đó có Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) mà Quốc hội sắp thông qua, song những thay đổi mạnh mẽ từ Luật Đất đai sẽ mở đường cho các thay đổi có liên quan.

Với sự cần thiết như đã nêu, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này.

Tác giả: admin, Cẩm Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây