Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trịhttps://quochoi.quangtri.gov.vn/uploads/logo.png
Chủ nhật - 02/06/2024 20:408270
Chiều ngày (21/5) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu Quốc hội thảo luận về một số nội dung mới hoặc còn có nhiều ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật trên.
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng UVBTVTU, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nêu rõ bất cập trong việc thực hiện quy định tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vì trong thực tế có rất nhiều loại tài sản được các tổ chức tín dụng nhận làm tài sản bảo đảm như: nhà đất, tiền, giấy tờ có giá trị… Bên nhận bảo đảm là các Tổ chức tín dụng có nhiều biện pháp xử lý khác nhau không qua thủ tục bán đấu giá do hai bên thỏa thuận. Chỉ khi hai bên không thỏa thuận được thì các Tổ chức tín dụng khởi kiện đến Tòa án và khi Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật thì Cơ quan thi hành án xử lý tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, ý kiến đại biểu đề nghị nên có quy định mở, không nên bắt buộc tất cả các loại tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đều thuộc tài sản bán đấu giá mà tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận là các Tổ chức tín dụng tự thỏa thuận xử lý bảo đảm thu hồi nợ, chỉ khi không thỏa thuận được thì xử lý theo trình tự tư pháp.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết, tại dự thảo Luật này có quy định đối tượng những người không được tham gia đấu giá là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột trong gia đình. Theo đại biểu, việc dựt hảo quy định như vậy là mong muốn đảm bảo tính chặt chẽ, tránh trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá đưa người trong gia đình vào làm "quân xanh" "quân đỏ" làm cuộc đấu giá không đảm bảo khách quan. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc, xem xét kỹ quy định này vì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp và hạn chế quyền công dân về đấu giá tài sản, đại biểu Hoàng Đức Thắng ủng hộ phương án này cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nếu chưa đầy đủ các yếu tố thì không nên đưa vào dự thảo Luật lần này. Về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định "UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thực hiện một số dịch vụ đấu giá trên địa bàn tỉnh” vì trên thực tế thì UBND tỉnh vẫn chưa trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung tâm vì Luật Đấu giá tài sản hiện hành không có quy định UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản. Mặt khác, hiện nay phần lớn các Trung tâm đấu giá tài sản trên cả nước đã thực hiện tự chủ tài chính 100%. Vì vậy, để đảm bảo nguồn thu, việc làm cho Trung tâm để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương như: Đấu giá các tài sản là quyền sử dụng đất tại vùng sâu vùng xa, tài sản thi hành án, tài sản thế chấp ngân hàng,... mà các doanh nghiệp đấu giá khác không tham gia thực hiện, chỉ triển khai hình thức đấu giá trực tuyến và các dự án đấu giá lớn thì việc UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Trung tâm là cần thiết.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Đấu giá viên thực hiện như Quyết định số 27/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Thị Lý