Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thứ ba - 04/06/2024 08:30 506 0
Chiều ngày 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận về một số nội dung mới, những ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Tham gia phần phát biểu thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có một số ý kiến tập trung vào các nội dung: Danh hiệu công dân Thủ đô; Tổ chức chính quyền tại Thủ đô Hà Nội; Quản lý biên chế; Về phân cấp, ủy quyền; Thu hút, trong dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
 Về quy định danh hiệu công dân Thủ đô tại Điều 7, quy định hiện tại mới chỉ áp dụng cho người nước ngoài, đại biểu đề nghị mở rộng quy định này để bao gồm cả người Việt Nam (trong nước và ở nước ngoài)  nhất là đối với người nước ngoài có đóng góp đặc biệt trong việc xây dựng và bảo vệ Thủ đô, hoặc tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế. Đại biểu ủng hộ việc quy định danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô cho người nước ngoài nhưng cũng đề xuất thêm danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô cho người Việt Nam. Điều này sẽ giúp tôn vinh và thu hút người Việt Nam, từ đó lan tỏa giá trị đến người nước ngoài. Việc tôn vinh các công dân có đóng góp xuất sắc sẽ không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để họ tiếp tục cống hiến.
Về tổ chức chính quyền tại Thành phố Hà Nội. Đại biểu nhấn mạnh:, theo các văn kiện Đại hội XI, XII, XIII của Đảng, tổ chức chính quyền địa phương phải phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và hải đảo lưu ý rằng các đô thị có đặc điểm chung như tính liên thông liên kết giữa các quận, phường, có yêu cầu cung cấp dịch vụ hạ tầng đồng bộ. Việc tổ chức nhiều cấp chính quyền trong đô thị có thể dẫn đến quản trị địa phương không hiệu quả. Thực tiễn tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy mô hình chính quyền đô thị một cấp rất hiệu quả, trong khi Hà Nội đang thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường, vì vậy, đại biểu đề nghị nên xem xét mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội để đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức chính quyền đô thị trên toàn quốc. Đại biểu nêu cụ thể: “Đô thị ở đâu thì cũng đều có đặc điểm giống nhau về các hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ ở đô thị luôn có tính chất liên thông liên kết giữa các địa bàn quận, phường; việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng như điện, nước sinh hoạt, thoát nước, môi trường và xử lý rác, giao thông công cộng... đòi hỏi phải theo quy hoạch và thực hiện thống nhất đồng bộ toàn thành phố, không phụ thuộc vào địa giới quận, phường. Các cộng đồng dân cư ở đô thị được hình thành một cách ngẫu nhiên, không chịu ảnh hưởng của dòng tộc, họ hàng và phong tục tập quán như làng xã. Do đó, khi tổ chức nhiều cấp chính quyền trong đô thị sẽ dẫn đến việc quản trị địa phương không hiệu quả và tạo ra sự ngắt quãng phân khúc không thống nhất.”
Về quản lý biên chế tại Điều 9, đại biểu nhận xét quy định của dự thảo Luật chưa thể hiện được tinh thần phân cấp trong quản lý biên chế. Để đẩy mạnh việc phân cấp và phát huy vai trò tự quản của chính quyền Thủ đô, đại biểu đề nghị Quốc hội nên giao cho Hà Nội quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời vẫn duy trì cơ chế kiểm tra, kiểm soát của Trung ương.
Đại biểu cho biết, vừa qua Quốc Hội đã có Nghị quyết 98 phân cấp cho TP Hồ Chí Minh được quyền quyết định cơ cấu và số lượng cán bộ, công chức làm việc ở xã, phường, thị trấn và khẳng định: tinh thần và chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phát huy vai trò tự quản của chính quyền Thủ đô. Điều này thể hiện sự tự chủ, tự quyết của chính quyền địa phương trong việc quản lý nhân sự, đáp ứng nhanh chóng và kịp thời các yêu cầu phát triển.
Về phân cấp, ủy quyền tại Điều 14 của dự thảo Luật chỉ tập trung vào phân cấp ủy quyền nội bộ trong chính quyền Thủ đô mà chưa đề cập đến phân cấp ủy quyền từ Chính phủ. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo chú ý đến việc phân cấp ủy quyền từ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để Thủ đô có đủ thẩm quyền chủ động trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhấn mạnh rằng việc phân cấp ủy quyền giữa các cấp chính quyền Thủ đô là trách nhiệm nội bộ của chính quyền Thủ đô và không nên để Quốc hội can thiệp. Điều này sẽ giúp chính quyền Thủ đô linh hoạt, chủ động hơn trong công tác quản lý và phát triển, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương.
Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Điều 16 của dự thảo Luật đề cập đến chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài nhưng cần quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi. Đại biểu đề nghị phải làm rõ tiêu chí xác định nhân tài của Thủ đô và phân tách chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài thành hai nhóm riêng biệt. Ngoài ra, các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần được quy định cụ thể để tạo điều kiện pháp lý thực hiện, đại biểu cho rằng, nếu Thủ đô không thu hút được nhân tài và không có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể thực hiện được các mục tiêu đề ra trong dự thảo Luật.
Cụ thể, đại biểu đề xuất: Nhân tài Thủ đô được hiểu là những cá nhân có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô. Chính sách thu hút nhân tài cần có các biện pháp cụ thể như ưu đãi về điều kiện làm việc, môi trường sống, chính sách trọng dụng cần tạo điều kiện cho nhân tài phát triển và cống hiến lâu dài cho Thủ đô
                                                                                  Nguyễn Thị Lý

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây