Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trịhttps://quochoi.quangtri.gov.vn/uploads/logo.png
Chủ nhật - 05/06/2022 05:468710
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 03/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Tại Tổ số 7 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Trị, Sóc Trăng, Long An, Vĩnh Phúc. Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận nhiều nội dung.
Dự án Luật Dầu khí ban hành từ năm 1993, qua hai lần được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008, đến nay đã 14 năm, những năm qua đã tạo ra hành lang pháp lý để thực hiện các hoạt động dầu khí trong nước. Tuy nhiên, trước tình hình thị trường dầu mỏ trên thế giới đang diễn biến phức tạp, việc sửa đổi luật là cần thiết và phải đảm bảo được tính dự báo để có những điều chỉnh hợp lý.
Đi vào các Điều, khoản cụ thể, đại biểu đề nghị cần xem xét phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, không nên chỉ dừng ở bước điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí mà phải được quy định thực hiện đến bước cuối cùng là tạo ra sản phẩm và đưa vào tiêu thụ thương mại, đảm bảo đây là hoạt động liên tục, thống nhất. Đối với quản lý nhà nước về dầu khí, đại biểu nhận xét chưa có thay đổi nhiều so với dự án Luật trước đây, vẫn trao cho Tập đoàn dầu khí nhiều đặc quyền, đặc lợi, chiếm thế độc quyền trên thị trường. Đại biểu đề nghị cần xây dựng dự thảo theo hướng xem Tập đoàn dầu khí cũng là một doanh nghiệp và phải cạnh tranh bình đẳng nhưng vẫn bảo đảm phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Trách nhiệm quản lý nhà nước về dầu khí đã phù hợp? trách nhiệm của Bộ, ngành nào khi có sự cố về dầu khí, cần quy định một quy định riêng về xử lý sự cố dầu khí và một Chương về hợp tác quốc tế.
Tiếp tục ý kiến, đại biểu tham gia về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, sau 10 năm thi hành bên cạnh những kết quả đạt được, Luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế cần điều chỉnh như nên quy định về nội dung xã hội hóa trong đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, giao việc đào tạo, cấp chứng chỉ đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh cần giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm vì việc đào tạo phải gắn liền với trang thiết bị đặc thù; bổ sung các quy định liên quan đến an toàn bức xạ trong môi trường lao động (sóng điện tử, bức xạ điện từ trường, tiếng ồn, rung động,….) cho người vận hành, người lao động làm việc trong môi trường ảnh hưởng của thiết bị vô tuyến điện./.