Thiết kế hành lang pháp lý để Tập đoàn dầu khí Việt Nam vươn lên trong thế cạnh tranh lành mạnh, không dựa dẫm, ỷ lại vào thế “độc quyền”

Thứ tư - 15/06/2022 23:49 1.453 0
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng ngày 15/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham gia ý kiến vào dự án luật tại nghị trường.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhất trí tán thành sự cần thiết ban hành luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hấp dẫn môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chủ quyền dân tộc, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của  đất nước trong đó Dầu khí có vai trò đặc biệt quan trọng; nhất là khi thị trường dầu khí thế giới diễn biến hết sức phức tạp và khó đoán định. Việt Nam cần có một chiến lược về Dầu khí như là một công cụ hữu hiệu bảo đảm an ninh, an toàn năng lượng cho đất nước, tránh được những “cú sốc” lớn về Dầu khí thế giới vốn đã và đang bất định khi mà năng lượng tái tạo chưa đủ năng lực để thay thế. Vậy nên việc bổ sung sửa đổi luật dầu khí sẽ tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thực hiện các mục tiêu trên đây. Từ nhận  thức chung đó, Đại biểu đã đề cập những vấn đề cụ thể sau:

Thứ nhất, Nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển ngành Dầu khí, đóng góp ngày càng quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam. Theo đó, phát triển công nghiệp Dầu khí là phát triển đồng bộ tất cả các lĩnh vực thành phần như: Từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến thu gom, vận chuyển, chế biến, dự trữ, phân phối; xuất, nhập khẩu dầu khí và sản phẩm chế biến từ dầu khí. Tất cả nội hàm trên đây là tiếp cận mới,  phù hợp định hướng chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045 tại Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị. Yêu cầu và đòi hỏi đó là tất yếu và nhất thiết cần được luật hóa trong quá trình xây dựng, sửa đổi luật Dầu khí lần này mới tạo ra hành lang pháp lý phù hợp thúc đẩy phát triển toàn diện ngành, lĩnh vực công nghiệp dầu khí quốc gia trong thời kỳ mới, điều kiện mới. Do đó, tôi đề nghị phạm vi điều chỉnh dự án luật dầu khí lần này cần được mở rộng với nội hàm đầy đủ trên đây chứ không chỉ dừng lại giới hạn bó hẹp trong cách tiếp cận cũ, tư duy cũ và  phạm vi điều chỉnh cũ cách đây gần 30 năm khi chúng ta xây dựng Luật dầu khí vào năm 1993. Theo đó, nội dung về vận chuyển, sản xuất chế biến, tồn trữ, phân phối dầu khí cần được bổ sung đưa vào nội dung sửa đổi trong một chỉnh thể đồng bộ, thống nhất, toàn diện của đạo luật về dầu khí sửa đổi lần này.

Thứ hai,  Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực dầu khí có tính đặc thù cao. Trong nhiều năm qua, PVN đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển ngành dầu khí Việt Nam và nền kinh tế đất nước rất đáng trân trọng, ghi nhận. Tuy nhiên, PVN cũng để lại nhiều tai tiếng về tham nhũng, sai phạm, tiêu cực gây ra nhiều hệ lụy cho đất nước mà phải mất rất nhiều năm, tiêu tốn nhiều tiền của và phải mất nhiều cán bộ để khắc phục. Vì vậy, việc bổ sung sửa đổi những quy định mới về tổ chức, hoạt động, không những tạo hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho PVN tiếp tục phát triển xứng tầm và xứng đáng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ và truyền thống tốt đẹp của doanh nghiệp; đồng thời, khắc phục hạn chế, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, hạn chế những sơ hở pháp luật là nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực như vừa qua là cần thiết. Theo đó, cần tiếp cận giải quyết cơ bản hai vấn đề sau: Trước hết, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) là một doanh nghiệp nhà nước, nhất thiết phải hoạt động theo quy định pháp luật về doanh nghiệp; bảo đảm công bằng và bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Điều đó, cũng sẽ tạo ra môi trường tốt cho PVN vươn lên trong thế cạnh tranh lành mạnh để đổi mới sáng tạo và hiệu quả; không dựa dẫm, ỷ lại vào thế “độc quyền”. Ở vị trí là doanh nghiệp được nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ, PVN được hưởng những cơ chế đặc thù là phù hợp, là công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi. Tuy nhiên, cả hai đặc điểm cơ bản này dự thảo luật chưa làm rõ, tách bạch để thiết kế hành lang pháp lý phù hợp. Đây chính là hạn chế căn bản cần khắc phục theo hướng chuyển hoá đặc điểm và yêu cầu này tại nội dung ở chương IX về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đến thiết kế chính sách đặc thù...Có như vậy mới giải quyết hài hoà giữa quyền lợi và nghĩa vụ, công bằng và bình đẳng trong hoạt động của PVN mà không xung đột với các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thứ ba, Mục tiêu sửa đổi luật dầu khí lần này là nhằm đáp ứng yêu cầu: tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân vào lĩnh vực dầu khí. Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với chính sách của nhà nước về dầu khí. Trong thực tế, chúng ta đã có các quan hệ hợp tác với nước ngoài; thu hút đầu tư khu vực tư nhân vào hoạt động dầu khí (kể cả đầu tư ra ngoài nước trong lĩnh vực dầu khí). Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể rõ nét được quan điểm, chủ trương, chính sách này, mặc dù một số nội dung có đề cập rãi rác đâu đó và còn rất đơn giản, chưa thể hiện được các quan hệ hợp tác quốc tế cũng như xã hội hoá đầu tư, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực dầu khí. Vì vậy, tôi đề nghị cần thiết kế dành riêng một chương về thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí theo hướng: quy định chính sách về thu hút đầu tư tư nhân; thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí .

Tác giả: Phuong thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây