Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trịhttps://quochoi.quangtri.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ ba - 24/05/2022 20:044670
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị thảo luận tổ về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư, xây dựng đường Hồ Chí Minh và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Dưới sự chủ trì của Đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, tổ thảo luận số 7 gồm các tỉnh: Quảng Trị, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Phúc đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến các nội dung trên.
Phát biểu đánh giá Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Hoàng Đức Thắng - UVBTVTU, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có tiềm năng bứt phá để phát triển. Dự thảo Nghị quyết đã xây dựng một số quy định mang tính tích cực, tiến bộ, tạo tính chủ động cho địa phương như phân cấp quản lý, giao quyền cho tỉnh về quản lý quy hoạch tại Điều 4; quản lý đất đai như chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha, rừng sản xuất dưới 1000ha tại Điều 5. Đặc biệt, tại Điều 7 của dự thảo Nghị quyết đã xây dựng một số chính sách thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, tạo điều kiện để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, đưa Khu kinh tế Vân Phong trở thành Khu Kinh tế động lực khu vực Nam Trung bộ.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đặt ra một số vấn đề, đề nghị Quốc hội quan tâm và cân nhắc như: Dự thảo Nghị quyết cần có quy định mốc thời gian tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm này. Vì cho đến nay, các tỉnh, thành phố đã thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù như Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… vẫn chưa có tổng kết, đánh giá.
Về tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng: Tuyến đường Hồ Chí Minh được triển khai xây dựng mang rất nhiều kỳ vọng về tạo ra sự liên thông ở khu vục phía Tây của đất nước, hình thành trục đường xuyên Việt thứ hai, khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng được rút ngắn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong vùng. Thời hạn hoàn thành nối thông toàn tuyến theo Nghị quyết số 66 là năm 2020, nay đã quá 2 năm vẫn chưa thực hiện đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 66 Quốc hội khóa XIII đã đề ra. Mặc dù, báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết trên của Chính phủ có nêu một số khó khăn, vướng mắc nhưng chưa có tính thuyết phục. Để việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội nghiêm túc, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan. Về kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh ở giai đoạn tiếp theo cần tính toán, điều chỉnh hướng tuyến kết nối với các tuyến đường đã mở và đang mở như tuyến Quốc lộ 1A, dự án đường cao tốc Bắc - Nam để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Quốc hội quan tâm, có chính sách đầu tư, phát triển tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam để đảm bảo việc vận tải của Quốc gia./.