Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trịhttps://quochoi.quangtri.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ năm - 26/05/2022 21:131.0480
Chiều ngày 26/5, Quốc hội tổ chức thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), dự thảo Luật Khám bênh, chữa bệnh (sửa đổi). Tại tổ số 7, có 11 ý kiến của các đại biểu quốc hội 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Long An và Sóc Trăng. Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Hoàng Đức Thắng đã tham gia phát biểu nhiều nội dung về dự thảo 2 Luật trên.
Phát biểu góp ý một số nội dung dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng: Tại khoản 2, Điều 6, về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan nhà nước có quy định “Trong quá trình kiểm tra, nếu thấy hành vi vi phạm đến mức độ tội phạm” là chưa chính xác và chưa phù hợp với các thuật ngữ thường dùng, mức độ tội phạm được dùng khi có kết luận của Tòa án về hành vi phạm tội. Vì vậy, đề nghị sửa đổi thành “nếu thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm”; Tương tự, tại khoản 6, Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm, việc dự thảo luật quy định “Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, thay đổi kết luận, kiến nghị thanh tra vì động cơ cá nhân” là thiếu chặt chẽ, dễ bị lách luật, đề nghị bỏ cụm từ “vì động cơ cá nhân”, bởi vì đối với hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, thay đổi kết luận, kiến nghị thanh tra vì bất cứ động cơ gì cũng phải bị nghiêm cấm, không riêng gì vì động cơ cá nhân.
Về quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính: ý kiến đại biểu không đồng tình với quy định “đã đỗ kỳ thi nâng ngạch vào ngạch Thanh tra viên chính hoặc đủ điều kiện xét nâng ngạch từ Thanh tra viên lên Thanh tra viên chính theo quy định của pháp luật”. Quy định như vậy rất dễ bị áp dụng tùy tiện và không công bằng với các ngạch khác, vì cũng như chuyên viên chính, Thanh tra viên chính phải trải qua kỳ thi do cơ quan có thẩm quyền tổ chức, đề nghị nên bỏ quy định “đủ điều kiện xét nâng ngạch từ Thanh tra viên lên Thanh tra viên chính…”
Về Luật Khám bệnh, chữa bệnh(sửa đổi), ý kiến đại biểu nhận xét: dự thảo Luật có quá nhiều quy định làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê như: quy định gia hạn Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (tại điểm a, khoản 2, điều 23); giá trị thời hạn Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là 5 năm (tại khoản 3, Điều 27); đóng phí duy trì giấy phép hành nghề theo mức do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định (tại khoản 8, Điều 38)... Các quy định trên tăng thêm gánh nặng, thủ tục hành chính cho người hành nghề y, không thể tập trung cho công tác chuyên môn khám, chữa bệnh, nhất là đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, nhân lực y tế còn thiếu thốn, việc tập trung vào học và thi để được gia hạn giấy phép hành nghề, hoặc đóng phí duy trì giấy phép hành nghề.... có thể phát sinh các hành vi tiêu cực trong việc chạy các thủ tục, điều kiện trên.
Vì vậy, ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét và sửa đổi các quy định trên nhằm thiết lập hành lang pháp lý tốt nhất, tạo điều kiện cho đội ngũ y bác sỹ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân./.