75 năm qua, với 14 khóa Quốc hội, cử tri Quảng Trị đã trực tiếp bầu 59 đại biểu và 04 đại biểu khóa I, khóa II được lưu nhiệm. Nhiều người con ưu tú của quê hương Quảng Trị được cử tri cả nước tín nhiệm bầu vào Quốc hội tại nhiều khóa, tiêu biểu như: Tổng Bí thư Lê Duẩn tham gia 6 khóa Quốc hội (từ khóa II đến khóa VII), Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực tham gia 7 khóa (từ khóa I đến khóa VII), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh tham gia 7 khóa (từ khóa I đến khóa VII), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Đặng Thí tham gia 8 khóa (từ khóa I đến khóa VIII).
- Quốc hội khóa I (1946-1960) diễn ra vào ngày 06/01/1946, bầu ra 333 đại biểu. Sau đó, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội công nhận thêm 70 đại biểu Việt Quốc, Việt Cách không qua bầu cử. Như vậy, tổng số đại biểu Quốc hội khóa I nâng lên thành 403 đại biểu.
Ở Quảng Trị, từ sáng sớm ngày 06/01/1946, cuộc bầu cử diễn ra sôi nổi, trên 98% cử tri trong tỉnh hăng hái đi bỏ phiếu. Các đại biểu trúng cử là các ông Lê Thế Hiếu, Trần Mạnh Quỳ và Đặng Thí. Các ông Trần Hữu Dực, Trần Quỳnh, những người con ưu tú của quê hương Quảng Trị cũng được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I tại đơn vị bầu cử thành phố Huế và tỉnh Phú Yên.
Quốc hội khóa I hoạt động trong 14 năm, tổ chức 12 kỳ họp, xem xét và thông qua bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật và 50 Nghị quyết, trong đó có những đạo luật quan trọng như: Luật Cải cách ruộng đất, Luật quy định quyền tự do hội họp, Luật quy định quyền lập hội, Luật về chế độ báo chí... Đánh giá công lao to lớn của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những đại biểu của nhân dân”.
- Quốc hội khóa II (1960 - 1964) được bầu vào ngày 08/5/1960; tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 91 đại biểu miền Nam lưu nhiệm theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa II, với đặc điểm tình hình đất nước bị chia cắt làm hai miền. Các đại biểu của tỉnh Quảng Trị khóa I được tiếp tục lưu nhiệm và khu vực Vĩnh Linh có 03 đại biểu trúng cử là các ông Hoàng Đức Sản, Phó Bí thư Đảng ủy khu vực, Chủ tịch UBHC khu vực Vĩnh Linh; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam; Hồ Tơ, Thẩm phán TAND khu vực Vĩnh Linh. Sau đó, ông Hoàng Đức Sản từ trần, khu vực Vĩnh Linh bầu bổ sung làm đại biểu Quốc hội đối với ông Hoàng Văn Đáo, Ủy viên BCH Đảng bộ khu vực, Trưởng Ty Công an khu vực Vĩnh Linh. Cũng tại khóa này, có nhiều đại biểu quê ở Quảng Trị được bầu vào Quốc hội ở địa phương khác
Trong nhiệm kỳ 4 năm hoạt động, Quốc hội khóa II đã có 8 kỳ họp, thông qua 6 đạo luật quan trọng về tổ chức của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 9 pháp lệnh. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), thông qua Cương lĩnh hành động của toàn dân nhằm thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; thông qua kế hoạch hằng năm, xét duyệt và phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước; phê chuẩn việc thành lập các tổ chức và cơ quan nhà nước; bổ nhiệm cán bộ cấp cao của Nhà nước; phê chuẩn việc khen thưởng và đã tích cực giải quyết các đơn thư khiếu tố của nhân dân, ân xá những phạm nhân cải tạo tốt.
- Quốc hội khóa III (1964 - 1971) được bầu vào ngày 26/4/1964; tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 87 đại biểu Quốc hội khóa I thuộc các tỉnh miền Nam được lưu nhiệm.
Ở Quảng Trị, khu vực Vĩnh Linh có 03 đại biểu trúng cử là các ông: Hồ Hăng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Vĩnh Hà, khu vực Vĩnh Linh; Nguyễn Hữu Khiếu, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Trưởng ban công tác nông thôn Trung ương; Dương Tốn, Trưởng ban công tác nông thôn khu vực Vĩnh Linh.
Nhiệm kỳ khóa III của Quốc hội hoạt động trong thời kỳ chiến tranh, nên kéo dài trong 7 năm, với 7 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 95 phiên, thông qua nhiều nghị quyết về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, về tổ chức hành chính, về nhân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc, phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân; lúc này, mọi yêu cầu nhiệm vụ về quân sự, kinh tế, chính trị... đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời. Tại phiên họp ngày 10/4/1965, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thêm một số quyền hạn trong trường hợp Quốc hội không có điều kiện thuận tiện để họp. Theo đó, những chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác lớn về chống Mỹ, cứu nước, về chính sách kinh tế thời chiến, về đối ngoại đều được Chính phủ kịp thời báo cáo với Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn nhanh chóng, là điều kiện quan trọng bảo đảm động viên kịp thời theo những yêu cầu của chiến tranh.
- Quốc hội khóa IV (1971 - 1975) được bầu vào ngày 11/4/1971; tổng số có 420 đại biểu.
Ở Quảng Trị, khu vực Vĩnh Linh có 3 đại biểu trúng cử là ông Trần Đồng, Bí thư Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh; ông Nguyễn Ray (tức Hồ Ray), Ủy viên UBHC khu vực Vĩnh Linh; bà Nguyễn Thị Dậu, Đảng ủy viên, Hội trưởng Hội phụ nữ xã Vĩnh Giang, khu vực Vĩnh Linh.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV hoạt động trong 4 năm và họp 5 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 53 phiên và đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của các kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế; phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm, góp phần quan trọng vào việc củng cố và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973). Hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đánh đổ chế độ thực dân mới ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước.
- Quốc hội khóa V (1975 - 1976) được bầu vào ngày 06/4/1975; tổng số có 424 đại biểu.
Ở Quảng Trị, khu vực Vĩnh Linh có 3 đại biểu trúng cử là ông Trần Đồng, Bí thư Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh; ông Nguyễn Ray (tức Hồ Ray), Đảng ủy viên khu vực, Trưởng ban Chỉ đạo miền núi khu vực Vĩnh Linh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Dậu, Đảng ủy viên, Hội trưởng Hội phụ nữ xã Vĩnh Giang, khu vực Vĩnh Linh.
Quốc hội khóa V ra đời trong bối cảnh miền Nam vừa mới giải phóng (30/4/1975) và hoạt động chưa đầy 2 năm, Quốc hội họp 2 kỳ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 10 phiên đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Theo đó, trên cơ sở sự nhất trí giữa Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam, ngày 27/10/1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để thảo luận, thông qua đề án thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, cử đoàn đại biểu miền Bắc tham dự Hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam. Tại Hội nghị hiệp thương, các đại biểu của đoàn miền Bắc và đại biểu của đoàn miền Nam đã khẳng định “cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn vững chắc nhất”. Tại kỳ họp thứ hai (tháng 12/1975), Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn kết quả Hội nghị hiệp thương mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất.
- Quốc hội khóa VI (1976 - 1981) được bầu vào ngày 25/4/1976 là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất; tổng số có 492 đại biểu.
Ở Quảng Trị, ngày 25/4/1976 đã thực sự trở thành ngày hội lớn. Trong không khí tưng bừng, phấn khởi, cuộc bầu cử đã diễn ra sôi nổi, thật sự dân chủ và đúng pháp luật, có hơn 98% cử tri trong toàn tỉnh đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đặc biệt là cử tri vùng mới giải phóng, nơi đầu tiên sau 30 năm nhân dân được thực hiện quyền dân chủ với chế độ mới. Tại địa bàn Quảng Trị và khu vực Vĩnh Linh có 4 đại biểu trúng cử là ông Hồ Sỹ Thản, Uỷ viên Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên; bà Hồ Thị Hương (Ta Doóc), Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam huyện Hướng Hoá, tỉnh Bình Trị Thiên; bà Nguyễn Thị Lý, Uỷ viên BCH Đảng uỷ xã, Uỷ viên thư ký UBND xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Bình Trị Thiên; ông Nguyễn Chí Phi, Thiếu tá, Anh hùng LLVTND.
Quốc hội khóa VI đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội đã họp 7 kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 12/1980), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1980. Đây là bản Hiến pháp thứ ba được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
- Quốc hội khóa VII (1981 - 1987) được bầu vào ngày 26/4/1981; tổng số có 496 đại biểu.
Ở Quảng Trị, có 3 đại biểu trúng cử là ông Lê Văn Hoan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Huyện uỷ Triệu Hải; bà Hồ Thị Hương (tức Ta Doóc), UVBCH Đảng bộ huyện Hướng Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá, tỉnh Bình Trị Thiên; Đại tá Nguyễn Chí Phi, Anh hùng LLVTND, Uỷ viên Thường vụ Thị uỷ, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Đông Hà, tỉnh Bình Trị Thiên
Quốc hội khóa VII với 12 kỳ họp đã ban hành 10 đạo luật (trong đó có Bộ luật Hình sự đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 27/6/1985), 35 nghị quyết; Hội đồng Nhà nước ban hành 15 pháp lệnh, Quốc hội đã triển khai thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, như: Thành lập các cơ quan nhà nước ở Trung ương; thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; quyết định các vấn đề cử và miễn nhiệm một số thành viên Hội đồng Bộ trưởng... Hoạt động giám sát cũng được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước coi trọng, tập trung vào các vấn đề quản lý kinh tế - xã hội, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp đã có bước cải tiến, tại kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn vào việc đánh giá những sai lầm, khuyết điểm về việc thực hiện chính sách giá - lương - tiền, đồng thời đề ra những biện pháp khắc phục. Trong thời kỳ này, hoạt động ngoại giao nghị viện cũng được đẩy mạnh, chú trọng nguyên tắc nhất quán, ủng hộ những sáng kiến hòa bình, bảo đảm an ninh chung của nhân loại.
- Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992) được bầu vào ngày 19/4/1987; tổng số có 496 đại biểu.
Ở Quảng Trị, có 3 đại biểu trúng cử là ông Lê Văn Hoan, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Trị Thiên; bà Trương Thị Khuê, Tỉnh uỷ viên, Anh hùng LLVTND, Hội trưởng Hội LHPN tỉnh Bình Trị Thiên; ông Hồ Văn Bảy, Uỷ viên Thường vụ huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQVN, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá, tỉnh Bình Trị Thiên.
Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại, cùng với 3 đại biểu được bầu trên địa bàn Quảng Trị, các ông: Thượng tướng Đoàn Khuê, Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Trần Trọng Tân (tức Hai Tân), Ủy viên BCHTƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương lập thành Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.
Quốc hội khóa VIII với 11 kỳ họp đã thông qua 2 bộ luật, 25 đạo luật; Hội đồng Nhà nước đã ban hành 39 pháp lệnh. Tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/1989), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1980 một cách cơ bản và đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khóa VIII xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 (năm 1992). Kế thừa và phát triển các bản Hiến pháp trước đây, ngoài việc thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Hiến pháp 1992 đã thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới. Trong việc thực hiện chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, Quốc hội đã quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng, cấp bách về kinh tế - xã hội và thi hành pháp luật, nhằm nâng cao vai trò và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
- Quốc hội khóa IX (1992 - 1997) được bầu vào ngày 19/7/1992; tổng số có 395 đại biểu.
Ở Quảng Trị, đây là cuộc bầu cử đầu tiên sau khi được tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên lập lại tỉnh, có 4 đại biểu trúng cử là Đại tướng Đoàn Khuê, Uỷ viên Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Đức Hoan, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị; bà Trương Thị Khuê, Tỉnh uỷ viên, Anh hùng LLVTND, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; ông Hồ Gô, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh.
Trong nhiệm kỳ khóa IX với 11 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành 36 luật, bộ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 43 pháp lệnh. Quốc hội đã có nhiều quyết sách quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Công tác giám sát của Quốc hội đã có những đổi mới như tiến hành nghe các báo cáo hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương; cử các đoàn đi kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương. Quốc hội đã chú trọng đến công tác dân nguyện, tiếp dân và giải quyết các đơn thư của nhân dân. Nhiều đoàn công tác của Quốc hội đã trực tiếp đến các địa phương, cơ sở để đôn đốc, xem xét việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.
- Quốc hội khóa X (1997 - 2002) được bầu vào ngày 20/7/1997; tổng số có 450 đại biểu.
Ở Quảng Trị, có 5 đại biểu trúng cử là Đại tướng Đoàn Khuê, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Đức Hoan, Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phan Quang (tức Phan Quang Diêu), Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội; ông Nguyễn Đức Chính, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Tư pháp; bà Hồ Thị Hồng, Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Đakrông. Tháng 4/2001 ông Vũ Trọng Kim (tức Vũ Văn Kim), Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được bầu tại tỉnh Gia Lai điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị và sinh hoạt tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.
Trong nhiệm kỳ khóa X với 11 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành 01 bộ luật, 31 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 39 pháp lệnh. Điểm nổi bật là tại kỳ họp thứ 10 từ ngày 21/11 đến ngày 25/12/2001, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng. Cùng với hoạt động lập pháp, Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, như: Quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, các vấn đề về bảo đảm an ninh, quốc phòng. Hoạt động giám sát của Quốc hội khóa X cũng được triển khai tích cực, có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức giám sát. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai chủ động trên nhiều địa bàn, với nhiều chủ thể khác nhau nhằm củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động trên các diễn đàn nghị viện đa phương.
- Quốc hội khóa XI (2002 - 2007) được bầu vào ngày 19/5/2002; tổng số có 498 đại biểu.
Ở Quảng Trị, có 6 đại biểu trúng cử là các ông Vũ Trọng Kim (tức Võ Văn Kim), Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị; Trung tướng Nguyễn Khánh Toàn, Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Y tế; bà Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ (tức Nguyễn Thị Mỵ), Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Trị; Đại tá Trần Viết Quốc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; ông Hồ Ấm Lương (tức Hồ Ta Lư), Chủ tịch UBMTTQ huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.
Trong nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tăng lên đáng kể. Có 120 đại biểu (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội) hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và ở 64 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong lĩnh vực lập pháp, Quốc hội đã ban hành 84 luật, bộ luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 31 pháp lệnh. Chất lượng các dự án luật, pháp lệnh được thông qua đã bám sát yêu cầu của cuộc sống, xử lý tốt một số vấn đề nhạy cảm và phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn xã hội. Hoạt động giám sát có bước đổi mới, nội dung giám sát đã tập trung vào các vấn đề bức xúc được dư luận phản ánh và nhân dân quan tâm, như: Đầu tư dàn trải, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; triển khai thực hiện một số công trình quan trọng quốc gia (như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng); về giáo dục, y tế; phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng thực chất hơn, từ tổ chức bộ máy nhà nước, nhân sự cấp cao, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước cho đến chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia, phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới...
- Quốc hội khóa XII (2007 - 2011) được bầu vào ngày 20/5/2007; tổng số có 493 đại biểu.
Ở Quảng Trị, có 6 đại biểu trúng cử là Thiếu tướng Cao Xuân Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nhân dân- Bộ Công an; ông Lê Như Tiến, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Phạm Đức Châu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị; ông Lê Bá Nguyên, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị; ông Hoàng Văn Em, Tỉnh uỷ viên, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh; bà Ly Kiều Vân, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra huyện uỷ Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Trong nhiệm kỳ 4 năm, Quốc hội khóa XII đã ban hành 68 luật, 12 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 13 pháp lệnh và 7 nghị quyết. Các văn bản pháp luật được ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý và điều hành kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động giám sát được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cải tiến mạnh mẽ theo hướng tập trung hơn, thực chất hơn, phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, làm rõ thêm tình hình, nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nghị quyết của Quốc hội. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
- Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016) được bầu vào ngày 22/5/2011, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội.
Ở Quảng Trị, có 6 đại biểu Quốc hội trúng cử là ông Phạm Vũ Luận, UVBCHTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Phạm Đức Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Hà Sỹ Đồng, Tỉnh ủy viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bến Hải, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị; bà Ly Kiều Vân, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Đakrông; ông Hoàng Đức Thắm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Trong nhiệm kỳ này, tại kỳ họp thứ sáu (vào ngày 28/11/2013), Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp năm 2013. Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cùng với đó, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 100 luật, bộ luật, 10 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Đặc biệt, ngay sau khi Hiến pháp mới được thông qua, trong thời gian ngắn, Quốc hội đã tập trung xem xét, thông qua hầu hết các bộ luật lớn, các đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về lĩnh vực tư pháp, về lĩnh vực xã hội trên cơ sở bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm an sinh xã hội. Điều này thể hiện nỗ lực to lớn, trách nhiệm trước Nhân dân của Quốc hội. Số lượng văn bản luật, pháp lệnh được thông qua trong nhiệm kỳ tăng nhiều so với các khóa trước đây, phản ánh bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Quốc hội, tạo điều kiện cho sự hội nhập kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) được bầu vào ngày 22/5/2016, bầu ra 494 đại biểu Quốc hội.
Ở Quảng Trị, có 6 đại biểu Quốc hội trúng cử là ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nay là Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Hoàng Đức Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, nay là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Hà Sỹ Đồng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn, nay là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; bà Hồ Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ huyện uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện uỷ Hướng Hoá; bà Mai Thị Kim Nhung, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh Đoàn, Thành uỷ viên, Bí thư Thành đoàn Đông Hà, nay là Bí thư Đảng uỷ Phường 3, thành phố Đông Hà.
Trong nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đạt tỷ lệ 34,91%, cao nhất trong các nhiệm kỳ Quốc hội. Quốc hội khóa XIV đến thời điểm này đã ban hành 65 luật và 99 nghị quyết, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động giám sát ngày càng thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Nội dung giám sát mang tính thiết thực, bao trùm hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Bên cạnh đó, điểm mới trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã trực tiếp thành lập các đoàn giám sát chuyên đề thay vì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập và triển khai thực hiện như trước đây.
Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước tiếp tục được nâng cao chất lượng và ngày càng thực chất hơn, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo ra những tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nổi bật như: điều chỉnh quy định sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia; dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, vừa mang tính đối ngoại nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc, đóng góp tích cực vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Quốc hội nhiệm kỳ này đã đánh dấu bước tiến vượt bậc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội. Lần đầu tiên phần mềm hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội trên các thiết bị thông minh được đưa vào sử dụng với nhiều tính năng thông minh như cung cấp các tài liệu kỳ họp, tìm kiếm nhanh các tài liệu bằng giọng nói đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc đổi mới cách thức thảo luận từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận” cũng là một điểm nhấn quan trọng tại nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội để thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Điển hình nhất là tại kỳ họp thứ 9, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã tổ chức thành công kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
75 năm qua, hòa trong dòng chảy hào hùng của lịch sử Quốc hội Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã đóng góp quan trọng vào sự thành công của Quốc hội về tiến trình lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương; khẳng định vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, giữa Quốc hội với cử tri.
Lịch sử 75 năm vinh quang Quốc hội Việt Nam và những mốc son của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị qua 14 khóa hoạt động, là tài sản vô giá để các thế hệ đại biểu Quốc hội tiếp theo tiếp nối, phát huy truyền thống tốt đẹp, hoàn thành xuất sắc trọng trách cao cả của mình xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân và cử tri, góp phần tích cực và hiệu quả hơn nữa vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng./.