Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu ba vấn đề tại diễn đàn Quốc hội

Thứ năm - 31/10/2019 21:22 1.887 0
Theo chương trình kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 30/10/2019, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng ĐÃ THAM GIA phát biểu thảo luận. Sau đây là nội dung phát biểu của đại biểu Hoàng Đức Thắng.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường. Ảnh: PHN
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường. Ảnh: PHN

Kính thưa Quốc hội!

Trong thời gian hạn hẹp, tôi xin phát biểu ba vấn đề sau đây:

Thứ nhất, chúng ta mong muốn phát triển nông nghiệp Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa cho hơn 90 triệu dân mà còn tiến ra hội nhập quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay chúng ta chỉ dừng lại ở mức cung cấp đầu vào là nông sản thô 80% thông qua các thương hiệu nước ngoài khi bán ra thị trường thế giới, có nghĩa là chúng ta mới tham gia ở khâu tạo ra ít nhất trong chuỗi giá trị này.

Mối liên kết “bốn nhà” chưa được cải thiện nhiều làm cho việc tổ chức theo các mô hình liên kết bộc lộ nhiều hạn chế như: Khả năng hợp tác, liên kết với người dân còn yếu; mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa được nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, vi phạm hợp đồng liên kết khá phổ biến; các tổ chức tín dụng khó kiểm soát được dòng tiền khi cho vay chuỗi.

Công nghiệp chế biến và bảo quản sản phẩm chưa cao, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp nước ta còn thấp. Thị trường nông sản, công nghiệp chế biến nông sản còn hạn chế; bảo quản sau thu hoạch là khâu yếu, tổn thất còn lớn, mức độ cơ giới hóa còn thấp. Giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản 9 tháng đầu năm 2019 giảm làm cho kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản giảm so với cùng kì năm trước. Nếu không ứng phó tốt, sản lượng nông sản xuất khẩu sẽ giảm mạnh.

Những vấn đề trên đây đòi hỏi Chính phủ, các ngành, địa phương, mỗi doanh nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp nước ta phải có những thay đổi cả về chính sách và năng lực để cạnh tranh. Tôi đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá thấu đáo thực tế này để sớm có giải pháp tháo “điểm nghẽn”, tạo sức mạnh nội sinh về lĩnh vực này. Trong đó, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, thông tin, định hướng, tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định tự do thương mại cũng như ứng phó hiệu quả với các chính sách bất lợi từ các quốc gia khác. Ngăn chặn gian lận thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam để xuất khẩu; rà soát, bổ sung, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như: Tiếp cận nguồn vốn tín dụng, khuyến khích liên kết, hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, ứng dụng công nghệ cao với chuỗi giá trị tiêu chuẩn sản phẩm an toàn. Xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh xây dựng, đăng kí và bảo hộ thương hiệu nhãn hiệu quốc gia. Thành công bước đầu của sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị đạt yêu cầu quốc tế về chất lượng dinh dưỡng là một minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm đúng hướng này.

Thứ hai, nói đến Quảng Trị, trong tiềm thức của mỗi chúng ta luôn nhớ về miền quê một thời khói lửa chiến tranh với những địa danh gắn với chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi vào huyền thoại. Hoài niệm về chiến trường xưa, khát khao hòa bình cho dân tộc và nhân loại đã và đang thôi thúc Quảng Trị viết tiếp bản hùng ca về xây dựng cuộc sống hòa bình. Mong ước xây dựng Quảng Trị trở thành biểu tượng của hòa bình mà tôi đã có dịp phát biểu trước diễn đàn Quốc hội đang được hình thành. Quỹ vì hòa bình đã được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ủng hộ; các doanh nghiệp mà tiêu biểu là Tập đoàn Thái Bình Dương đã đồng hành với Quảng Trị, đã đặt những “viên gạch” đầu tiên cho tượng đài khát vọng hòa bình này.

Mong muốn một Lễ hội Festival vì hòa bình ngay trên vùng chiến địa khốc liệt năm xưa đang được Quảng Trị xây dựng ý tưởng và thiết kế nội dung, mong muốn sẽ được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành trung ương, đồng bào, chiến sĩ cả nước quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ để đến năm 2020 kỉ niệm 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Lễ hội Festival vì hòa bình sẽ thắp sáng khát vọng hòa bình cho quốc dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình. Đồng thời Lễ hội Festival vì hòa bình sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt, độc đáo, riêng có hấp dẫn du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với Quảng Trị, đến với Việt Nam.

Quảng Trị đang hồi sinh, nỗ lực biến nắng, gió khắc nghiệt nơi đây thành tiềm năng, lợi thế cho dòng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, điện gió, điện mặt trời. Quảng Trị đã sẵn sàng, các doanh nghiệp đã sẵn lòng đầu tư, rất mong Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tiếp tục hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện cho tỉnh để có điều kiện phát triển. Trước mắt, đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm triển khai đường dây và trạm biến áp 220 KV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đưa vào quy hoạch Sơ đồ điện VIII lưới điện 500 KV Lao Bảo - Đông Hà để giúp giải tỏa năng lượng các nhà máy điện, điện gió khu vực miền Tây tỉnh Quảng Trị.

Cử tri và nhân dân Quảng Trị phấn khởi khi Khu kinh tế Đông Nam tỉnh đang được đầu tư sẽ tạo điều kiện hết sức quan trọng để địa phương phát triển. Tuy nhiên, một số dự án động lực như dự án nhà máy điện khí, nhiệt điện đã qua nhiều vòng đàm phán, nhiều năm nhưng đến nay chưa được triển khai. Nhân dân mong chờ và kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương chỉ đạo thúc đẩy để dự án sớm triển khai; nhân dân trong vùng dự án an tâm tái định cư, ổn định cuộc sống, sản xuất. Đồng thời, đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng sớm cho triển khai dự án nâng cấp đường biên giới A Vao - Ba Linh thuộc huyện Đakrông mà Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã khảo sát, báo cáo, kiến nghị.

Thứ ba, trở lại vụ án buôn lậu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng mà Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần đề cập. Vụ án kéo dài 8 năm, 4 lần xét sơ thẩm thì 3 lần Tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung; một người đã thắt cổ tự tử để lại di thư tố cáo bị ép cung, nhục hình; vật chứng bị bán một cách khuất tất, vi phạm nghiêm trọng pháp luật và nhiều vi phạm trong quá trình tố tụng.

Kết thúc phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án, Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên nặng các bị cáo. Ngay lập tức, bản án phúc thẩm bị dư luận xã hội, nhân dân, giới luật sư, doanh nghiệp, báo chí, mạng xã hội phản đối, nghi ngờ tính đúng đắn của bản án. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, tỉnh Quảng Bình, thành phố Đà Nẵng và nhiều đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị, yêu cầu giám đốc thẩm vụ án, bởi có cơ sở thấy rằng bản án của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng không phù hợp, nếu không nói là trái quy định của pháp luật, áp dụng sai lầm nghiêm trọng quy định pháp luật để giải quyết vụ án.

Vì vậy, một lần nữa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án; kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giám sát vụ án để đảm bảo sự thượng tôn pháp luật, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm và tránh hậu quả pháp lí khôn lường cho nhà nước và công dân nếu có oan sai sau này.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!

Tác giả: Phạm Hồng Nam (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây