Hoạt động của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp

Thứ hai - 04/11/2019 20:04 962 0
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, buổi chiều ngày 04/11/2019, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia phát biểu thảo luận. Sau đây là nội dung phát biểu của đại biểu.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Báo cáo công tác của ngành Tòa án, Viện kiểm sát và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, tôi nhất trí với đánh giá thẩm tra của Ủy ban Tư pháp là: trong bối cảnh một số tội phạm gia tăng với những phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, đó là kết quả rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra một số vấn đề rất đáng quan ngại trong hoạt động của các cơ quan tư pháp như: còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt theo yêu cầu nghị quyết Quốc hội; tội phạm tham nhũng, vi phạm pháp luật ngay chính trong lực lượng thực thi pháp luật thực sự nhức nhối, làm giảm niềm tin của nhân dân vào thượng tôn, nghiêm minh của pháp luật, vào lực lượng bảo vệ pháp luật cần được đánh giá đúng thực trạng và có biện pháp khắc phục. Vẫn còn một số vụ án sau khi tuyên án, dư luận chưa đồng tình, trong đó có những vụ án có ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Từ thực tế vụ án "Buôn lậu""Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng, chúng tôi xin nêu một số vấn đề để làm rõ thêm nhận định trên đây.

Trước hết, về việc xử lý vật chứng. Theo quy định của pháp luật, vật chứng là chứng cứ quan trọng để đánh giá vụ án, chứng minh tội phạm, người phạm tội. Thế nhưng vật chứng trong vụ án này đã bị các cơ quan tố tụng cho bán ngay trong giai đoạn điều tra. Trả lời chất vấn về vụ việc này của đại biểu Quốc hội, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân dân tối cao đều cho rằng việc bán vật chứng lô gỗ của vụ án là đúng quy định của pháp luật. Trước sự đeo bám, chất vấn quyết liệt của đại biểu, cuối cùng Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới thừa nhận việc bán lô gỗ là vi phạm pháp luật và đã khởi tố vụ án cách đây 5 tháng. Theo thời giá thị trường lúc bấy giờ, lô gỗ có giá trị khoảng 300 tỉ đồng nhưng Hội đồng đấu giá sử dụng văn bản định giá trước đó gần cả năm và văn bản định giá đó chỉ có giá trị phục vụ tố tụng chứ không có giá trị đấu giá thương mại để tiến hành đấu giá vật chứng vụ án với số tiền hơn 63 tỷ đồng. Việc làm đó là hết sức tùy tiện, bất chấp quy định pháp luật. Có hay không hành vi tham nhũng số tiền chênh lệch hơn 200 tỷ đồng này ?

Thứ hai, về thời hạn tố tụng. Với một vụ án không quá phức tạp nhưng kéo dài đến 8 năm là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thời hạn tố tụng, trách nhiệm này thuộc về ai? Cần xử lý như thế nào ? Vì sao không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong trường hợp này? Vì sao cơ quan cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và chức vụ C46 Bộ Công an trong quá trình điều tra đã khẳng định không có cơ sở buộc tội buôn lậu nhưng cơ quan cảnh sát điều tra C44 cũng của Bộ Công an lại tìm mọi cách buộc tội, khi chính cơ quan này chủ trì đề xuất và tiến hành hành vi vi phạm bán vật chứng vụ án đầy khuất tất này.

Một tình tiết nữa đáng chú ý là một nhân viên của Công ty Ngọc Hưng đã thắt cổ tự tử sau khi uất ức kêu cứu, tố cáo hành vi ép cung nhục hình của điều tra viên. Đại biểu Quốc hội đề nghị cần điều tra làm rõ vấn đề này thì được trả lời là không có cơ sở.

Thứ ba, về sử dụng chứng cứ buộc tội. Do lô gỗ vật chứng đã bị bán, không đủ cơ sở xem xét nên 3 phiên tòa xét xử sơ thẩm đều tuyên trả hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung, lần thứ tư xét xử sử dụng kết quả giám định lần đầu để tuyên án. Phiên xét xử phúc thẩm, Tòa án lại căn cứ vào kết quả giám định lần hai cũng do chính từ một cơ quan là Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thực hiện lập ra, không bảo đảm cơ sở pháp lý và tính khoa học, hay nói cách khác là không có giá trị pháp lý để làm căn cứ buộc tội.

Khoản 4 Điều 100 của một Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “kết luận giám định của người được trưng cầu giám định thuộc trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án”. Nhưng ngày 15/8/2019, tại phiên họp lần thứ 36 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tính pháp lý của Bản kết luận giám định tư pháp trên, người có trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao lại cho rằng "Năng lực và tư cách pháp nhân của Viện này như thế nào thì chúng ta chưa bàn..." Vậy nếu chưa bàn được "năng lực" và "tư cách pháp nhân" của cơ quan giám định tư pháp này thì làm sao bàn được tính pháp lý của Bản kết luận giám định do chính cơ quan này tạo ra để làm căn cứ buộc tội? Đó phải chăng là cố tình đứng trên pháp luật, hình sự hóa hành vi hành chính. Vì sao các quy định pháp luật đã có quá rõ ràng như vậy mà Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng không tuân thủ? Phải chăng ai cũng hiểu, chỉ mình Tòa không hiểu?

Thứ tư, về trách nhiệm trả lời giải trình. Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhận thấy có dấu hiệu oan sai, áp dụng sai lầm về pháp luật của Tòa án nên đã yêu cầu kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Cho đến nay đã gần 3 tháng, cả Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều không trả lời là có đủ điều kiện để thụ lý hay không, có kháng nghị hay không? Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, thành phố Đà Nẵng, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã yêu cầu kiến nghị giám đốc thẩm bản án nhưng đến nay vẫn đang nhận một sự im lặng quá khó hiểu. Phải chăng đây là thái độ thiếu tôn trọng Quốc hội, vi phạm Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tố tụng hình sự, vi phạm chính ngay các quy định, quy chế của ngành về giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật.

Kính thưa Quốc hội,
Tất cả những vấn đề trên đây chỉ là những mảnh ghép xấu xí trong nhiều vấn đề khuất tất khác nữa sẽ được làm sáng tỏ qua giám sát của Quốc hội về vụ án này và thấy rằng đây không chỉ là cuộc đấu tranh để bảo vệ công lý mà còn là cuộc đấu tranh chống tiêu cực, hư hỏng, để góp phần làm trong sạch lực lượng các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Từ thực tế này, tôi đề nghị Quốc hội cần rà soát, bổ sung đầy đủ cơ chế, quy định về thẩm quyền, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm cho Quốc hội có đủ thực lực, thực quyền, kiểm soát quyền lực, giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan bảo vệ pháp luật, phòng ngừa, ngăn chặn việc lạm dụng, lợi dụng, tha hóa quyền lực; tăng cường giám sát chuyên đề để thực hiện tốt nhất chức năng giám sát tối cao của Quốc hội về lĩnh vực tư pháp.

 Mong rằng các lãnh đạo của các cơ quan tư pháp ở trung ương với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, cầu thị, dũng cảm nhận sai lầm, khuyết điểm nếu có; tự soi, tự sửa như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã căn dặn để có những biện pháp quyết liệt hơn nữa chỉ đạo làm trong sạch lực lượng, xứng đáng với niềm tin yêu của Quốc hội và nhân dân.
          Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.
 

Tác giả: Phạm Hồng Nam - tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây