Xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội thực sự mẫu mực, thực sự là đỉnh cao của quyền lực và tầm cao về trí tuệ

Thứ ba - 12/11/2019 21:51 1.614 0
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 12/11/2019, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đã tham gia phát biểu thảo luận. Sau đây là nội dung phát biểu của đại biểu Hoàng Đức Thắng.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại diễn đàn Quốc hội
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại diễn đàn Quốc hội
Kính thưa Quốc hội!
Trong thời gian hạn hẹp, tôi xin phát biểu tham gia một số nội dung đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội như  sau:

1. Về quy định quốc tịch đối với ĐBQH, bổ sung Điều 22: “ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”; Bổ sung như vậy là đúng nhưng chưa chặt chẽ bởi vì: Trong trường hợp ngoài quốc tịch Việt Nam ra, ĐBQH còn có thể có quốc tịch khác nữa thì về diễn đạt như vậy cũng không sai. Ví như: Tôi có một cái này; không thể và không nhất định là tôi không có cái khác. Vì vậy, để đảm bảo chặt chẽ của  câu từ, tôi đề nghị bổ sung thêm từ “chỉ” và diễn đạt lại là: ĐBQH chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam

2. Về đại biểu chuyên trách, Đoàn ĐBQH:
- Theo quy định của Luật hiện hành, Trưởng Đoàn hoặc Phó Đoàn là ĐBQH hoạt động chuyên trách và hiện nay phần lớn các địa phương bố trí Phó Đoàn hoạt động chuyên trách. Vận hành theo quy định này là phù hợp, đã và đang phát huy hiệu quả. Như thế thì, chẳng có lý do gì mà thay đổi, bổ sung. Vì lẽ đó, tôi đề nghị giữ nguyên như quy định Luật hiện hành là Trưởng hoặc phó Đoàn ĐBQH hoạt động chuyên trách.

- Về cơ quan quản lý ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương: Theo dự thảo là cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy định như vậy là đúng nhưng chưa đủ bởi lẽ: Đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương do UBTVQH phê chuẩn hoạt động khá độc lập, phần lớn thời gian hoạt động cho Quốc hội mà nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch, hiệu quả hoạt động của đại biểu thì UBTVQH,  Ban Công tác đại biểu, các Ủy ban, Hội đồng dân tộc mà đại biểu đó tham gia mới có điều kiện, cơ sở đánh giá, nhận xét; nếu quy định như vậy thì không thấy được trách nhiệm của UBTVQH trong quản lý ĐBQH của mình. Vì vậy, tôi đề nghị cần thiết kế cơ chế hỗn hợp về trách nhiệm giữa cơ quan quản lý cán bộ địa phương và cơ quan quản lý ĐBQH của UBTVQH trong quản lý ĐBQH chuyên trách và chỉ quy định khung, có tính nguyên tắc còn chi tiết sẽ có hướng dẫn phù hợp theo mỗi giai đoạn cụ thể giữa UBTVQH và Ban Tổ chức Trung ương.

- Về bảo đảm kinh phí và các điều kiện khác cho Đoàn ĐBQH tại địa phương. Đoàn ĐBQH là tổ chức của Quốc hội tại địa phương, hoạt động độc lập theo chức năng, nhiệm vụ do Quốc hội giao, có một trong những chức năng là giám sát việc thực thi pháp luật ở địa phương. Thời gian qua, Đoàn ĐBQH và ĐBQH hoạt động trên cơ sở bảo đảm của UBTVQH thông qua VPQH là phù hợp; sự độc lập về điều kiện đảm bảo ấy bảo đảm cho Đoàn ĐBQH, ĐBQH không có sự vướng bận nào, góp phần tạo nên vị thế của Quốc hội ở địa phương. Điều đó cũng đảm bảo nguyên tắc thống nhất: ĐBQH do Quốc hội bảo đảm; ĐB HĐND cấp nào do cấp đó bảo đảm. Vì vậy, không có lý do gì lại giao trách nhiệm này cho địa phương trong khi đó quy định luật ngân sách là: Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm. Không dùng ngân sách cấp này để chi cho nhiệm vụ cấp khác. Mặt khác, theo dự thảo, các khoản phụ cấp, chế độ khác của ĐBQH lại do ngân sách Trung ương bảo đảm lại nảy sinh vấn đề mới là một ĐBQH khi hoạt động lại do 2 cấp ngân sách bảo đảm, chẳng những không thu gọn đầu mối, đơn giản trong bảo đảm phục vụ và kiểm soát mà lại tạo ra sự rắc rối mới; chưa nói đến điều kiện mỗi địa phương khác nhau dẫn đến sự không công bằng trong điều kiện đảm bảo hoạt động cho các Đoàn. Sự phụ thuộc về tài chính sẽ ảnh hưởng nhất định đến tâm thế chính trị, vai trò, vị trí của ĐBQH; phải chăng quy định như vậy là: "Lợi bất cập hại”. Vì thế, tôi đề nghị giữ nguyên như quy định hiện nay đối  với Đoàn ĐBQH và Văn phòng giúp việc là phù hợp.

3. Về Văn phòng Đoàn ĐBQH:
- Dự thảo sửa đổi Khoản 4 Điều 43: chính quyền địa phương tổ chức bộ phận tham mưu giúp việc phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH. Tôi rất băn khoăn nội dung này, bởi không biết hiểu cái “Bộ phận tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH” như thế nào cho đúng? Trong khi Luật hiện hành quy định rõ Đoàn ĐBQH có Văn phòng giúp việc. Về nguyên tắc, Đoàn ĐBQH là một chủ thể đầy đủ trong hệ thống chính trị do luật định, thì nhất thiết phải có Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ bình đẵng như tất cả các tổ chức khác. Còn mô hình tổ chức Văn phòng đó như thế nào còn chờ tổng kết, kết luận? Và nếu có ra sao đi nữa thì Văn phòng đó (chung hoặc riêng) đều có chức năng phục vụ hoạt động Đoàn ĐBQH. Vì thế, không thể nói là “Bộ phận tham mưu, giúp việc, phục vụ” không chính danh như thế này được. Do đó, tôi đề nghị định danh rõ : Đoàn ĐBQH có Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ là phù hợp, chẳng vướng bận gì câu chuyện Văn phòng chung, hay riêng cả.

4. Về Luật hóa việc chuyển một số Ban của UBTVQH thành Ban của Quốc hội. Qua nghiên cứu các văn bản kết luận của TW, các quy định của Hiến pháp về thẩm quyền Quốc hội cũng như cơ cấu tổ chức bên trong của Quốc hội; thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ và kết quả hoạt động, để nâng cao trách nhiệm chính trị, xác định vị trí pháp lý tương xứng cho 2 Ban thuộc UBTVQH, tôi đề nghị cần đặt vấn đề để chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH là cơ quan, chuyên môn của Quốc hội trong sửa đổi, bổ sung luật lần này.

Cuối cùng, tôi thống nhất sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội để khắc phục một số vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu mới; như báo cáo của UBTVQH và xin nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH; Hay nói cách khác sửa đổi, bổ sung phải làm cho Quốc hội mạnh lên, Quốc hội phải thực quyền, hoạt động phải thực chất tương xứng với địa vị pháp lý là cơ quan quyền lực cao nhất của nước ta. Tuy nhiên, những nội dung sửa đổi, bổ sung lần này chủ yếu là những vấn đề mang tính kỹ thuật, giải quyết những vướng mắc trong tổ chức thực hiện luật chứ chưa đặt vấn đề về những vấn đề lớn, cốt lõi nhất. Mặt khác, luật sẽ áp dụng cho nhiệm kỳ sau, nghĩa là chúng ta còn thời gian để nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng để sửa đổi thêm nhiều nội dung cơ bản nhất, và do đó tôi đề nghị xem xét thông qua 2 kỳ họp. Quốc hội ta làm luật cho muôn dân, nhất thiết phải chuẩn bị xây dựng cho chính mình một bộ luật thật mẫu mực, thực sự là đỉnh cao của quyền lực và tầm cao về trí tuệ.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!
 

Tác giả: Hoàng Lê Phương Thanh (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây