Đại biểu Quốc hội Mai Thị Kim Nhung phát biểu thảo luận tại diễn đàn Quốc hội

Thứ hai - 18/11/2019 02:20 2.243 0
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 15/11/2019, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội Mai Thị Kim Nhung đã tham gia phát biểu đối với dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).
(Đại biểu Mai Thị Kim Nhung phát biểu tại Tổ đại biểu)
(Đại biểu Mai Thị Kim Nhung phát biểu tại Tổ đại biểu)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội!
Qua nghiên cứu dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:
Về những vấn đề chung:
Trước hết là sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên: Tôi thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên, bởi: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra, đồng thời thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các nghị quyết, chủ trương của Đảng về công tác thanh niên trong tình hình mới. Sửa đổi lần này, để có Luật Thanh niên thực sự phải mang đến chính sách và điều kiện thụ hưởng tốt hơn cho thanh niên, giúp cho công tác quản lý nhà nước về thanh niên có hiệu lực và hiệu quả hơn và quan trọng nhất đó là giúp cho việc tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng, phát huy vai trò thanh niên để tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc theo chủ trương của Đảng.

Về chính sách của nhà nước đối với thanh niên:
Các chính sách của nhà nước đối với thanh niên nêu ra ở dự thảo Luật theo tôi còn chung chung, mang tính khẩu hiệu, định hướng và mang nặng tính liệt kê các chính sách theo từng lĩnh vực, do đó dẫn đến chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn, vừa thừa vừa thiếu so với các luật chuyên ngành. Vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi của các chính sách, bảo đảm dự thảo đã quy định đầy đủ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, đặc biệt là các cơ quan nhà nước và các tổ chức thanh niên trong việc xây dựng và tổ chức thực thi chính sách, bảo đảm mối tương quan giữa các chính và các biện pháp bảo đảm thực thi chính sách trong dự thảo Luật.

Đi vào các điều luật cụ thể, tôi xin tham gia một số điều như sau:
Điều 1. Về độ tuổi của thanh niên:
Độ tuổi của thanh niên theo Luật hiện hành là từ đủ 16 đến 30 tuổi. Tôi cho rằng cần thiết tăng độ tuổi của thanh niên lên đến 35 tuổi bởi các lý do sau:
(1). Tuổi thọ bình quân của Việt Nam hiện nay tăng, sức khỏe, thế chất của con người Việt Nam chúng đã cải thiện tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước đây.
(2). Nâng lên 35 tuổi sẽ phát huy thêm được kinh nghiệm, sức trẻ,  nhiệt huyết và sự cống hiến của thanh niên, đồng thời nâng độ tuổi thanh niên giúp tập hợp được đông đảo lực lượng thanh niên phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quôc, đặc biệt là công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước.
(3). Tăng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi sẽ tạo sự thuận lợi cho công tác xây dựng, bố trí đội ngũ cán bộ Đoàn.
Mặt khác, so sánh độ tuổi thanh niên của Việt Nam với các nước trên thế giới, nếu quy định như dự thảo thì tuổi thanh niên của Việt Nam thấp, cụ thể như Singapore từ 15-35 tuổi, Hàn Quốc từ 19-34 tuổi. Đồng thời, từ thực tiễn bản thân tôi đang công tác tại cơ quan Đoàn Thanh niên, tôi thấy rằng: Nếu quy định độ tuổi thanh niên như dự thảo thì các cơ sở đoàn khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có rất ít đoàn viên, khó hoạt động, bởi xu thế hiện nay các sinh viên ra trường thường tiếp tục học thêm hoặc tham gia trải nghiệm ở các lĩnh vực kinh tế ngoài nhà nước sau đó mới thi tuyển vào cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập……

Điều 8. Tháng Thanh niên
Theo các tư liệu của Đoàn, các hoạt động tình nguyện có từ trước với các hoạt động tình nguyện ở các cơ sở, qua thực tiễn, muốn phong trào thanh niên tình nguyện phát triển sôi nổi, hiệu quả, đồng thời tạo hiệu ứng mạnh mẽ từ xã hội thì cần phải có không gian, thời gian thỏa đáng hơn để thu hút, tập hợp đông đảo thanh niên tham gia với công trình, phần việc cụ thể, vì thế cần có một tháng thanh niên. Năm 2003, Đoàn Thanh niên tự phát động Tháng thanh niên rất thành công, không chỉ thu hút đông đảo ĐVTN mà còn các tầng lớp nhân dân tham gia, và tháng Thanh niên năm đó thực sự tạo dấu ấn rất mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Từ thực tiễn thành công đó, Đoàn thanh niên đã báo cáo, xin chủ trương và năm 2004 là năm đầu tiên Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy tháng 3 hằng năm là Tháng thanh niên. Vì vậy, tôi thống nhất với việc quy định tháng Thanh niên vào dự thảo Luật nhưng đề nghị đưa quy định mục đích và nội dung của tháng Thanh niên vào dự thảo Luật để Đoàn Thanh niên tổ chức hiệu quả và Tháng thanh niên thực sự là Tháng hành động, cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết, trí tuệ của thanh niên cho cộng đồng, xã hội.

Điều 26. Về hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ tài nguyên, môi trường
Việc quy định "Thanh niên phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ". Theo tôi, đối với lĩnh vực này, cần khẳng định rằng, thanh niên phải là lực lượng đi đầu. Chính vì vậy, các điều luật tại mục này cần làm rõ được vai trò, trách nhiệm của thanh niên, theo hướng nhấn mạnh hơn nữa là: Thanh niên phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ, làm chủ những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt hiện nay giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự phát triển bùng nổ của kỹ thuật số, internet và mạng xã hội nên thanh niên phải là lực lượng sử dụng, khai thác có hiệu quả nhất các thành tựu đó, đồng thời phải trang bị cho mình những kỹ năng ứng xử văn hóa trên mạng xã hội.
          Xin trân trọng cảm ơn!
 

Tác giả: Nguyễn Hoài Nam (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây