Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Thứ năm - 22/10/2020 21:30 564 0
Sáng ngày 22/10/2020, Tiếp tục chương trình Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nhằm góp phần hoàn thiện dự án luật, Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng tham gia phát biểu góp ý vào dự thảo Luật như sau:
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu góp ý vào dự thảo luật
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu góp ý vào dự thảo luật
I. Nhận thức chung;
1. Xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý Nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước; nhằm bảo vệ trật tự kỷ cương hành chính trong quản lý Nhà nước nhưng cũng phải bảo vệ quyền công dân, quyền con người theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; là vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, được toàn xã hội quan tâm. Qua gần 7 năm thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi, một số quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính không còn phù hợp nên việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết.
         
2. Những vấn đề cần cân nhắc khi sửa đổi, bổ sung
Thứ nhất, chưa có một đạo luật nào mà Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành nhiều Nghị định thi hành như Luật xử lý vi phạm hành chính như vừa qua. Tính đến ngày 27/8/2020 thì đã có 76 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính của chính phủ trong các lĩnh vực đang có hiệu lực và sắp có hiệu lực thi hành. Do đó, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua thì các Nghị định (76) cũng phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đây là vấn đề phức tạp phải cần nhiều thời gian, do đó đề nghị Quốc hội phải quy định thời gian để khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực bảo đảm đủ thời gian để Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định (vì thời gian Luật có hiệu lực 01/7/2021 là quá ngắn).
         
Thứ hai, để tránh trường hợp lâu nay Luật chờ Nghị định, Quốc hội cần có Nghị quyết giao trách nhiệm cho Chính phủ, các Bộ, ngành phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các Nghị định, thông tư hướng dẫn với thời hạn ấn định để khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì các Nghị định sửa đổi, bổ sung cũng có hiệu lực thi hành ngay. Không được áp dụng Nghị định cũ sau khi Luật có hiệu lực.
         
II. Một số góp ý vào các điều
1. Tại khoản 9: Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 23
Đề nghị bỏ khoản 3 Điều 23. Lý do: Quy định này là trái với thẩm quyền của Chính phủ, mâu thuẫn với thẩm quyền của Chính phủ quy định tại Điều 4 của Luật. Tại Điều 4 quy định: “ Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định chi tiết…mức phạt…mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh…” Khoản 3 sửa đổi Điều 23 quy định “Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quyết định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể…” quy định như vậy là không đồng bộ, bình đẵng về pháp luật. Về nguyên tắc,  mức phạt phải tương ứng với hành vi vi phạm, nếu căn cứ vào đặc thù của các thành phố trực thuộc Trung ương để Chính phủ giao quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố vô hình dung dẫn đến sự tùy tiện, không thống nhất trong áp dụng pháp luật.
 
2. Tại Khoản 4, Điều 23, đề nghị quy định thêm nội dung: “Trường hợp vừa có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì xác định mức tiền phạt theo nguyên tắc một tình tiết tăng nặng trừ cho một tình tiết giảm nhẹ, mức tiền phạt phải nằm trong khung tiền phạt được quy định đối với hành vi vi phạm” . Lý do: giúp cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ cơ sở trong việc xác định tình tiết để xác định khung hình phạt trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng.
 
3. Tại khoản 34: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 74.
Dự thảo đoạn đầu Khoản 1 nêu: “Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa…” Quy định như trên dễ dẫn đến  người bị xử phạt vi phạm hành chính, chây ỳ, coi thường pháp luật để tránh chấp hành quyết định xử phạt. Đề nghị chỉ quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và bỏ quy định thời hiệu chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
 
4. Tại khoản 40: Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 86.
Thống nhất với phương án 2.Tại điểm b khoản 2a Điều 86 của phương án 2; đề nghị bổ sung cụm từ: “Lĩnh vực thuộc ngành nghề đầu tư, kinh doanh có diều kiện về an ninh trật tự” và diễn đạt đầy đủ như sau: “Để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường,lĩnh vực thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự có áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn;”.
 
5. Tại Khoản 41: Sửa đổi, bổ sung Điều 87
Đề nghị bổ sung vào Khoản 1, Điều 87 nội dung quy định về cấp trên ra Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt hành chính của cấp dưới. Lý do: trong một số trường hợp cấp dưới có thẩm quyền xử phạt nhưng không có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, hoặc cấp dưới có thẩm quyền cưỡng chế nhưng không đủ điều kiện tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
 
6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có tính thời gian, thời hạn là “ngày làm việc”, khác với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 tại Điều 8 quy định “1. Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp trong Luật này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc”. Theo đó, tại Điều 147 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời điểm bắt đầu thời hạn: “2. Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định; 3. Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó”. Do đó, để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, đề nghị sửa đổi Điều 8 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính vào dự án luật cho thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Tác giả: Phương Thanh (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây