Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến về Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội

Thứ năm - 03/11/2022 04:10 314 0
Chiều ngày 2/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến tại hội trường.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến tại hội trường chiều ngày 2/11
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến tại hội trường chiều ngày 2/11

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Sỹ Đồng tán thành sự cần thiết sửa đổi nội quy kỳ họp, bởi Quốc hội đổi mới cách thức làm việc cũng là để tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng hoạt động, là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như chuyên đề Quốc hội vừa giám sát. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đại biểu đã góp ý vào các nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, về tài liệu phục vụ kỳ họp, khoản 6 Điều 7 dự thảo nghị quyết quy định: trường hợp ĐBQH nhận được thông tin xấu, độc về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp thì có trách nhiệm thông báo với Trưởng Đoàn ĐBQH và Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Đề nghị bỏ quy định này, vì tin rằng mỗi ĐBQH đều đủ khả năng để phân biệt và xử lý mọi thông tin liên quan đến nội dung kỳ họp. Quy định như dự thảo vừa khó thực hiện vừa tạo thêm những lãng phí không cần thiết và khó thực hiện bởi là nội hàm của "thông tin xấu, độc” rất mơ hồ, nếu không được giải thích rõ ràng thì sẽ có thể gây ra băn khoăn tương tự như ý kiến đã được Tổng thư ký nêu tại báo cáo tổng hợp thảo luận tổ: đó là ý kiến góp ý của cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri liên quan trực tiếp đến nội dung đang thảo luận tại kỳ họp gửi đến ĐBQH có thể trái với tờ trình của các cơ quan nhưng phù hợp với ý kiến của cử tri nơi đó thì có coi là thông tin xấu, độc không.

Quốc hội không phải là một cơ quan hành chính nên những quy định làm phát sinh thêm những thủ tục vừa khó hiểu vừa khó thực hiện như khoản 6 Điều 7 là không cần thiết.

Thứ hai, xin góp ý về thảo luận tại phiên họp toàn thể, nhất là các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội. Cách thảo luận như hiện nay, có thể Quốc hội lắng nghe được ý kiến đại biểu ở tất cả các đoàn, đề cập được nhiều vấn đề cử tri quan tâm, nhưng quá dàn trải.

Đề nghị đổi mới theo hướng, sau khi thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn một số vấn đề lớn được đại biểu tập trung thảo luận, và còn nhiều quan điểm khác nhau để thảo luận tại hội trường, dành thời gian bàn thảo, tranh luận cho sáng tỏ, từ đó có thể đưa ra quyết sách đúng tầm. Với thời gian hai ngày thì có thể chọn khoảng 6 - 8 vấn đề xếp theo thứ tự ưu tiên, thông báo trước cho đại biểu vài ngày để có thời gian nghiên cứu chuẩn bị, sau đó tiến hành thảo luận theo thứ tự ưu tiên đó.

Với cách thức này thì những ai nắm chắc, nắm sâu vấn đề gì thì sẽ bấm nút đăng ký tham gia, không cần "nhường nhau" để mỗi đoàn đều có đại diện được phát biểu như hiện nay. Nhưng quan trọng hơn là sẽ tránh được những thông tin trùng lặp, dàn trải, nếu đa số phát biểu đã được chuẩn bị sẵn như hiện nay.

Việc chọn vấn đề trọng tâm để thảo luận, cũng giúp cho các vị đại biểu dù không tham gia thảo luận, tranh luận cũng sẽ yên tâm hơn khi đưa ra quyết định của mình, vì đã được nghe trao đi đổi lại, nghe phân tích ở nhiều chiều cạnh khác nhau.

Nếu vẫn duy trì Quốc hội làm việc hết giờ như hiện nay thì số lượng đại biểu được thể hiện chính kiến ở mỗi phiên họp sẽ luôn luôn là thiểu số. Mà Quốc hội thì quyết định theo đa số. Việc đổi mới cách thức thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, thiên về tranh luận chắc chắn sẽ khiến cho đa số đại biểu tự tin hơn khi đưa ra quyết định của mình, trước những vấn đề quan trọng của đất nước.

Thứ ba, về thảo luận tổ, nên chọn nội dung để thảo luận tại tổ chứ không nên đưa tất cả nội dung đều bố trí thảo luận tổ. Thực tế không phải đến nhiệm kỳ này mà từ các nhiệm kỳ trước, nhiều phiên thảo luận tổ có khi bố trí đến 2- 3 nội dung nhưng cũng hiếm có tổ nào thảo luận hết giờ. Trong khi đó các phiên thảo luận tại hội trường thì gần như luôn có đại biểu đã đăng ký nhưng không còn đủ thời gian để phát biểu.

Trong phát biểu khai mạc kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội cũng đã nhấn mạnh tinh thần “lấy chất lượng kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết giảm tối đa thời gian", nhưng với nhiều phiên thảo luận tổ như hiện nay, rõ ràng thời gian chưa thực sự được tiết kiệm.

Vì thế, thay vì nội dung nào cũng bố trí thảo luận tổ thì chỉ nên chọn một số vấn đề thực sự cần thiết, còn lại có thể tăng thời gian thảo luận tại hội trường như một số dự án luật khó, một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì như đã phân tích ở trên, thì dù không trực tiếp tham gia thảo luận, tranh luận, nhưng các đại biểu được nghe trao đi đổi lại, nghe phân tích ở nhiều chiều cạnh khác nhau về một vấn đề thì đại biểu cũng sẽ tự tin hơn trước khi bấm nút.

 

Tác giả: Phương Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây