Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021

Thứ hai - 31/10/2022 21:28 1.510 0
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh tham gia thảo luận tại Hội trường.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh phát biểu tại Hội trường
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hồ Thị Minh đánh giá báo cáo đã nêu lên những kết quả khái quát, khá toàn diện về những kết quả đạt được; đồng thời nêu lên những mặt hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Vấn đề sử dụng NSNN trong đầu tư công:
Nhắc đến thất thoát, lãng phí trong đầu tư công trong những năm gần đây chắc chúng ta đã từng nghe nhiều đến cụm từ mà báo chí thường nhắc đến đối với các dự án nghìn tỷ đắp chiếu. Bên cạnh 12 dự án mà Bộ Công thương và Chính phủ đã tốn nhiều công sức để cứu vãn trong những năm qua, con số thống kê gần đây tính đến 25/8/2022, theo báo cáo của các Bộ, ngành, có 43 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả. Tổng mức đầu tư lên đến hơn 42.000 tỷ.
Bên cạnh đó, một số dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A là những dự án có quy mô, tổng mức đầu tư lớn tại một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tiến độ thực hiện còn chậm, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, phá vỡ các kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội không chỉ một địa phương mà còn cả khu vực, cả nước.

Một số dự án kéo dài, thua lỗ nhưng không làm gì được nhà thầu nước ngoài, không khởi kiện được, không chấm dứt hợp đồng được do hợp đồng thiếu chặt chẽ, rõ ràng. Một số dự án đã hoàn thành nhưng không phát huy hiệu quả do chất lượng kém, tạm dừng hoạt động vì sự cố thua lỗ hàng tram tỷ đồng.

Các loại dự án trên là những điển hình của việc thất thoát, lãng phí, xảy ra trong thời gian dài, nhưng chậm được các cấp có thẩm quyền khắc phục, xử lý. Nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án còn nhiều tồn tại, bất cập; chất lượng chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn thấp, khảo sát, lập và phê duyệt dự án không hợp lý, xác định dự toán, tổng mức đầu tư còn nhiều sai sót, thiếu chính xác,… dẫn đến hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, trong đó nhiều dự án phải điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu, tiến độ đầu tư kéo dài gây thất thoát, lãng phí.

Vấn đề đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc.
Đại biểu đồng tình với đánh giá tại báo cáo: Việc quản lý, sử dụng nhà, đất, trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, thiếu chặt chẽ, không hiệu quả, còn nhiều lãng phí, thất thoát; tình trạng đầu tư xây dựng, sử dụng trụ sở sai mục đích, đầu tư xây dựng trụ sở vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn, vượt tiêu chuẩn, định mức để lãng phí, nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Tại nhiều tỉnh hiện nay có hiện tượng “ngành dọc” từ Trung ương đầu tư xây dựng trụ sở cấp tỉnh rất hoành tráng. Tỉnh có thêm công trình thì rất mừng nhưng suy cho cùng đều là đầu tư từ ngân sách nhà nước. Có công trình thực sự rất cần vì đã xuống cấp. Bên cạnh đó cũng có những công trình còn sử dụng tốt, chưa cấp bách vẫn bằng nhiều hình thức tranh thủ xin cải tạo, sửa chữa, thậm chí xây dựng mới hoàn toàn trên vùng đất mới. Nếu cộng cả nước thì nguồn đầu tư này cũng đã lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong lúc đó, hạ tầng cơ sở của các thôn, bản, khu phố xuống cấp thì ngân sách địa phương quá hạn hẹp, không có nguồn vốn để đầu tư, tạo ra sự bất bình đẳng quá lớn trong việc sử dụng ngân sách nhà nước.

Vấn đề lãng phí trong sử dụng đất.
Báo cáo cũng đã thừa nhận: Công tác quản lý nhà nước về đất đai của UBND các cấp đối với các công trình, dự án sau khi đã được giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, có lúc, có nơi bị buông lỏng quản lý, tình trạng khai thác, sử dụng đất kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai diễn ra tại tất cả các địa phương trong cả nước.

Đại biểu Minh bổ sung thêm: Hoàng loạt các dự án trên các lô đất vàng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và một số tỉnh khác chậm tiến độ hàng chục năm vì liên tục bị điều chỉnh.

Việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ chưa được quan tâm, chú trọng theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Chưa có cơ chế hữu hiệu để xử lý các dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng. Hàng nghìn dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng.

Trách nhiệm chính để xảy ra các tồn tại, sai phạm về đất đai thuộc về các cấp chính quyền địa phương, có sự buông lỏng trong quản lý, thực hiện không đúng các quy định của pháp luật khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không thông qua đấu thầu, đấu giá); việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm. Nhiều cá nhân có thẩm quyền có liên đới lợi ích, tiêu cực tham nhũng khi giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyên mục đích sử dụng đất.

Từ những thực trạng trên, đại biểu Hồ Thị Minh đề xuất mấy giải pháp:
Đồng tình với đề xuất của Đoàn giám sát, trong Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội đã đưa vào trong nghị quyết về nội dung phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả và Chính phủ phải gương mẫu thực hiện, khắc phục các khâu yếu kém về quản lý.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần thống kê, tổng hợp thông tin về các dự án sử dụng vốn đầu tư công vi phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, NSNN, đất đai, đấu thầu để sớm có các giải pháp xử lý cụ thể; Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục.

Tác giả: Phương Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây