Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng: Công cuộc “Phòng thủy, phòng hỏa” còn quá nhiều điều phải bàn, phải làm

Thứ năm - 27/10/2022 21:12 495 0
Ngày 27/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, mỗi con đường mở ra như những con đê chắn nước, ngăn thoát lũ
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, mỗi con đường mở ra như những con đê chắn nước, ngăn thoát lũ

Đại biểu Hoàng Đức Thắng tán thành đối với báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 và thấy rằng những thành tựu đạt được trong bối cảnh đất nước vừa gượng dậy sau đại dịch COVID-19 và thách thức từ diễn biến phức tạp, bất định, khó lường của thế giới càng thấy rõ giá trị kết quả đạt được, Nhân dân và cử tri cả nước rất phấn khởi tin tưởng.

Xây dựng hạ tầng ít chú ý đến vấn đề thoát nước

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, công cuộc “Phòng thủy, phòng hỏa” của chúng ta hôm nay còn quá nhiều điều phải bàn, phải làm. Việc lũ lụt miền Trung; sạt lở, lũ quét vùng núi; xói lở bờ sông, bờ biển; nước triều dâng thường xuyên và gần đây những thành phố lớn được đầu tư hiện đại đều lần lượt bất ngờ xuất hiện ngập lụt lớn.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống, ứng phó với biến đổi khí hậu; đầu tư rất nhiều cho hạ tầng kinh tế kỹ thuật nhưng điều đó dường như là chưa đủ trước biến đổi khó lường của thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan.

Trong thiết kế kỹ thuật cho mỗi công trình, hạ tầng kinh tế, đô thị chúng ta đã quá ít chú ý đến hạ tầng cho thoát nước, thoát lũ, hoặc vì những lợi ích trước mắt mà bỏ qua những hệ lụy có thể mang đến trong dài hạn. Mỗi con đường mở ra như những con đê chắn nước, ngăn thoát lũ.

Mỗi  khu dân cư, công trình đô thị mới mọc lên thì luôn rình rập sự quá tải, bất cập của hệ thống thoát nước. Vì vậy, không lũ, không ngập úng mới là chuyện lạ! Vậy, đâu là nguyên nhân? Trách nhiệm này thuộc về ai? Giải pháp nào cho những vấn nạn này?

Chúng ta đã có cả chiến lược quốc gia về biển đổi khí hậu đến năm 2050 với những mục tiêu đầy tham vọng; song dường như sự đầu tư và quyết tâm chưa tương xứng khi mà sức mạnh tàn phá của thiên tai ngày càng khốc liệt, khó lường.

Vì thế, đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá đầy đủ về tình hình triển khai thực hiện chiến lược này, nhất là tổng thể hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu để khẩn trương tổ chức thực hiện đồng bộ bằng tổng thể giải pháp căn cơ, chiến lược, mạnh mẽ, bài bản và quyết liệt hơn nữa.

Trước mắt cần tập trung nguồn lực giải quyết cho được bài toán về chống ngập lụt tại các đô thị; xói lở, sạt lở vùng miền núi, vùng ven sông, ven biển. Trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương đến đây nhất thiết phải đặt trọng tâm nhiệm vụ phát triển đi đôi với thích ứng với biến đổi khí hậu với dự báo, tầm nhìn dài hạn, giải pháp khả thi nhất có thể và xem đây cũng chính là động lực cho sự tăng trưởng.

Phải xem xét trách nhiệm cơ quan quản lý về PCCC

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ, hỏa hoạn diễn biến phức tạp với tần suất gia tăng, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, vũ trường, karaoke... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nguyên nhân các vụ cháy ngoài ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở, sự bất cẩn của người dân; việc hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) chất lượng kém, làm cho có để đối phó, trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chuyên trách quản lý về PCCC. Có hay không tiêu cực, xuê xoa trong kiểm tra, thanh tra, cấp phép an toàn về phòng chống cháy, nổ? Truy cứu trách nhiệm chủ cơ sở, công trình để xảy ra cháy nổ là đúng, nhưng cũng phải xem xét trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước về PCCC.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, quyết tâm và giải pháp căn cơ để nâng cao năng lực phòng, chống cháy nổ; bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giám sát việc thực hiện kết luận chuyên đề của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Đề nghị giải quyết dứt điểm vụ án “gỗ trắc”

Một trong những đổi mới hoạt động của Quốc hội khóa XV là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm đến công tác dân nguyện, đã chỉ đạo rốt ráo việc xem xét, xử lý, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri; xem xét các vụ việc kéo dài bức xúc mà cử tri, công luận, ĐBQH kiến nghị nhiều lần. Điều này ngày càng thể hiện trách nhiệm Quốc hội hành động vì dân, Nhân dân đồng tình và gửi niềm tin sâu sắc vào Quốc hội.

Tuy vậy, vẫn còn đó vụ án “ gỗ trắc” xảy ra tại Quảng Trị và TP. Đà Nẵng cách đây hơn 10 năm có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cơ quan tố trụng trong xử lý vụ án, nghi ngờ tính đúng đắn về phán quyết của tòa án nhân dân.

Đoàn ĐBQH tỉnh đã xem xét cụ thể vụ việc, giám sát tại 2 phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án và đã báo cáo kiến nghị rất nhiều lần đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét đánh giá lại vụ án này để mong công lý, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân được bảo vệ, pháp luật được thượng tôn.

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồi âm. Một lần nữa, đại biểu Hoàng Đức Thắng kiến nghị Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đừng để thời gian trôi đi trong nỗi khắc khoải chờ mong của người dân, trong sự chờ đợi của ĐBQH và công luận.

 

Tác giả: Phương Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây