Tại buổi thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham gia ý kiến về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đại biểu, hiện nay trong thực tiễn có rất nhiều vấn đề liên quan đến nhà ở mà Luật Nhà ở năm 2014 chưa điều chỉnh được nên việc sửa đổi Luật Nhà ở tại thời điểm này là hợp lý và cần thiết. Đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo và tương đối đầy đủ các quy định về quản lý nhà ở tại dự thảo.
Đi vào cụ thể, đại biểu cho rằng nội dung trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo chưa đầy đủ, cần xem xét bổ sung quy định nội dung giải quyết tranh chấp về nhà ở vì đây là một vấn đề quan trọng và xảy ra nhiều trong thực tế. Theo đại biểu, khái niệm về nhà ở được đề cập tại dự thảo còn bó hẹp, chưa tiếp cận với thực tiễn cuộc sống với nhiều hình thức nhà ở phong phú như hiện tại; nhà ở không chỉ là công trình xây dựng gắn liền với mặt đất mà có thể được xây dựng trên mặt nước, trên không trung, nhà ở lưu động…để sử dụng vào các mục đích khác nhau. Do đó, ban soạn thảo cần có sự rà soát và cập nhật đầy đủ các hình thức về nhà ở để luật điều chỉnh bao quát hơn.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng cho rằng, dự thảo chưa đề cập đến vấn đề quy hoạch và kế hoạch phát triển nhà ở. Để có một chiến lược lâu dài về quản lý nhà ở, cần thiết phải đưa nội dung này vào luật để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển nhà ở của quốc gia.
Đại biểu cũng chỉ ra một số điều, khoản tại dự thảo chưa có sự thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi) đang tổ chức lấy ý kiến, ban soạn thảo cần rà soát, chỉnh sửa để bảo đảm sự thống nhất giữa các luật, tránh chồng chéo khi thi hành. Đối với quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư, theo đại biểu nên giữ nguyên như quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp với Hiến pháp, các quy định về pháp luật hiện hành và phù hợp với mong muốn và tâm lý của người dân.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra một số vấn đề về kỹ thuật lập pháp, một số khái niệm, nội dung diễn đạt chưa khoa học, rõ ràng, logic; một số từ ngữ còn gây khó hiểu. Ban soạn thảo cần rà soát để điều chỉnh hợp lý.
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Hữu Đàn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị cho rằng, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho Nhân dân, người có thu nhập thấp và người nghèo, đặc biệt lần này dự thảo đã dành một mục riêng để quy định về chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang. Đây là nội dung hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn, đồng thời thể hiện rõ chính sách của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay.
Đi vào các nội dung cụ thể của dự thảo, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm khái niệm về “nhà ở cho lực lượng vũ trang” để phù hợp với một số quy định khác tại dự thảo. Về đối tượng và điều kiện được thuê nhà công vụ, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng là “công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng tại các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an” để phù hợp với quy định tại Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Đối với đối tượng lao động hợp đồng, hiện tại dự thảo luật chưa có quy định được thuê nhà ở công vụ, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng này để thu hút được đội ngũ nhân lực có trình độ cao như chuyên gia, nhà khoa học được đào tạo tại các trường ngoài quân đội, công an.
Kết luận phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên điều hành phiên thảo luận đánh giá cao ý kiến tham gia của các ĐBQH, đồng thời giao tổ thư ký tổng hợp đầy đủ các ý kiến của đại biểu để báo cáo Quốc hội.
Tác giả: Cẩm Nhung
Ý kiến bạn đọc