Điều hành phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng nêu vấn đề để các vị ĐBQH tham gia thảo luận theo yêu cầu của Quốc hội.
Trong đó, đối với dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đề nghị tập trung thảo luận các nội dung: Về phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND; về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận tại TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các nội dung khác có liên quan.
Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, đề nghị tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành nghị quyết; tính hợp lý, khả thi của một số chính sách mới về quản lý đầu tư, về tài chính ngân sách, về tổ chức bộ máy của thành phố và một số nội dung khác liên quan.
Phát biểu ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị bày tỏ sự đồng tình về sự cần thiết ban hành nghị quyết để tạo động lực cho TP. Hồ Chí Minh với vai trò, vị trí đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội cần có sự phân tích, đánh giá cụ thể về kết quả thực hiện Nghị quyết số 54 theo các nhóm chính sách và phân tích rõ các chính sách nào còn phù hợp, chính sách nào cần điều chỉnh, bổ sung để tạo tính kế thừa và chuyển tiếp vào dự thảo nghị quyết thay thế; cần phân tích rõ những nguyên nhân chưa đạt được kể cả khách quan và chủ quan theo hệ thống nhóm chính sách đã ban hành trong Nghị quyết số 54.
Quá trình tổ chức thực hiện và trách nhiệm của chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong việc thực hiện nghị quyết.
Đối với dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54, ý kiến đại biểu đề nghị cần bổ sung tính nguyên tắc trong xây dựng chính sách đặc thù, trong đó cần ban hành những chính sách mới, mang tính đột phá, vượt trội, mới có tác động thúc đẩy cho việc đi sớm, đi trước của thành phố, tạo động lực và bài học kinh nghiệm cho 9 tỉnh, thành trong cả nước thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời, đề nghị cần có kế hoạch tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 và nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 để định hướng cho quá trình tổ chức chỉ đạo việc thực hiện nghị quyết.
Về thành lập sở An toàn thực phẩm, ý kiến đại biểu đề nghị cần cân nhắc về vấn đề tổ chức bộ máy biên chế, ngân sách để đảm bảo phù hợp với tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Tổ chức Trung ương.
Phát biểu ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, kiểm tra, chỉnh sửa một số nội dung tại các điều khoản cụ thể để đảm bảo tính chính xác; về mục đích, yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm cần bổ sung hệ quả cụ thể hơn; về hành vi nghiêm cấm cần xem xét, bổ sung thêm các lợi ích khác; bổ sung thêm kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại trong việc đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết.
Thay mặt cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo bộ trưởng việc tạo điều kiện để thành phố phát triển vượt trội, cạnh tranh được với quốc tế, đột phá, đủ mạnh, xứng đáng với nghị quyết của Quốc hội ban hành, thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh, các nhà khoa học, các chuyên gia để nghiên cứu ban hành các chính sách mạnh nhất, phù hợp nhất, đáp ứng đúng yêu của thành phố.
Sau thời gian thực hiện nghị quyết sẽ có tổng kết đánh giá, trong quá trình thực hiện sẽ có cơ chế giám sát, chính sách nào tốt, phù hợp sẽ nhân rộng để các địa phương khác triển khai thực hiện.
Phát biểu giải trình, tiếp thu thảo luận của các ĐBQH về dự thảo Nghị quyết việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: dự thảo nghị quyết chỉ là một kênh thông tin để đánh giá cán bộ, Ban Công tác đại biểu với tinh thần cầu thị sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của các ĐBQH để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng ghi nhận, đánh giá các ý kiến thảo luận sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu về nội dung 2 dự thảo nghị quyết, trong đó còn một số vấn đề cần xem xét, rà soát, đánh giá, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn, như: mục đích, yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm cần bổ sung hệ quả cụ thể hơn; về hành vi nghiêm cấm cần xem xét, bổ sung thêm các lợi ích khác; bổ sung thêm kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại trong việc đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết…
Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 bị đánh giá tín nhiệm thấp, sẽ thực hiện quy trình đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp gần nhất, sẽ chặt chẽ hơn trong quy trình.
Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh: Cần có sự đánh giá tác động cụ thể hơn, chi tiết hơn về kết quả thực hiện Nghị quyết 54, đồng thời phân tích rõ nguyên nhân chưa đạt được để có căn cứ và cơ sở để triển khai tiếp.
Bên cạnh đó, cần bổ sung những điểm có tính nguyên tắc như nguyên tắc về chính sách mới, đột phá, nguyên tắc kế thừa, nguyên tắc tổng kết đánh giá để rút ra những bài học kinh nghiệm, mang đến những chính sách, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Tác giả: Nguyễn Thị Lý
Ý kiến bạn đọc