Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị có các đồng chí: Lê Quang Tùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Thắng, UVBTVTU, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đào Mạnh Hùng, UVBTVTU, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; Hà Sỹ Đồng, UVBTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đại biểu Quốc hội của Đoàn; đại diện Thường trực HĐND tỉnh và các Sở, ngành liên quan.
Trong buổi sáng, các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về nhóm các vấn đề: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ; thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Tham gia chất vấn tại phiên họp, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long liên quan đến việc trả lời ý kiến ĐBQH tại phiên chất vấn do UBTVQH tổ chức ngày 20/3/2023 về xử lý vụ án ra quyết định trái pháp luật tại cơ quan Cảnh sát điều tra C44 Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho rằng, do không có cơ quan nào giám định, định giá được lô gỗ vật chứng đã bị bán đi một cách khuất tất nên không có cơ sở đánh giá hậu quả hành vi vi phạm pháp luật nên mặc dù khởi tố vụ án nhưng nay phải đình chỉ.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm giám định này thuộc về cơ quan nào? Bộ trưởng sẽ có giải pháp gì để việc giám định vụ việc này được thực hiện và khi nào sẽ hoàn thành việc giám định này. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Viện trưởng VKSNDTC giải trình làm rõ thêm về vụ việc này.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Bộ Tư pháp tham gia vào một việc duy nhất trong vụ việc gỗ trắc ở Quảng Trị, đó là trả lời văn bản rằng các tổ chức giám định chưa được công bố trong danh sách thì có đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp để làm việc này không. Bộ trưởng khẳng định Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về giám định.
Cùng tham gia trả lời, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí cho biết ở đây có 2 vụ án. Một là vụ buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đã xử phúc thẩm. Vụ án thứ hai là vụ ra quyết định trái pháp luật liên quan việc xử lý, bán vật chứng trái pháp luật của cơ quan điều tra, đang tạm đình chỉ. Viện trưởng Lê Minh Trí giải thích đang tạm đình chỉ không phải vì "luật pháp bó tay" mà khi có kết quả hoặc căn cứ pháp luật sẽ phục hồi điều tra.
Tiếp tục cho ý kiến tranh luận về vụ án lô gỗ tại Quảng Trị, đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu rõ, tại Công văn số 83 ngày 12/01/2015 của Bộ Tư pháp trả lời cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khẳng định, các thành viên tham gia giám định tư pháp trong vụ án này chưa được Bộ Tư pháp công bố xem xét về giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh Giám định tư pháp năm 2014.
Bên cạnh đó, bản án do Hội đồng Xét xử của Toà án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã khẳng định, các cán bộ chưa được Bộ Tư pháp công bố xem xét giám định tư pháp theo vụ việc, đồng thời không có kiến thức chuyên môn để xác định khối lượng gỗ.
Đại biểu bày tỏ băn khoăn và mong muốn Bộ trưởng chia sẻ việc áp dụng các quy định pháp luật của các cơ quan về vụ án này có đúng hay không? Đồng thời mong muốn Viện trưởng VKSNDTC có chỉ đạo sớm về kết quả giám định và định giá để có cơ sở trong việc xét xử vụ án này.
Buổi chiều, các vị đại biểu Quốc hội đặt câu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các nhóm vấn đề: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...); hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo…
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn. Qua phiên chất vấn cho thấy nội dung trả lời chất vấn đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã nghiêm túc, cầu thị và lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các ĐBQH, thẳng thắn giải trình làm rõ nhiều vấn đề. Căn cứ kết quả phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực, kết luận từng nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chính phủ, các vị Bộ trưởng ngành hữu quan thực hiện quyết liệt các giải pháp, các cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị ĐBQH, trước nhân dân và cử tri cả nước./.