Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng phát biểu tại hội trường: Quy hoạch tổng thể quốc gia cần ưu tiên cho mục tiêu không gian phát triển hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Thứ hai - 09/01/2023 02:31 504 0
Ngày 7/01, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết thông qua Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại kỳ họp này. Tuy nhiên, ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét một số vấn đề:
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp
Thứ nhất, hồ sơ Quy hoạch đề cập hai kịch bản tăng trưởng. Kịch bản thấp với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,3%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, 6,5%/năm giai đoạn 2031-2050 (đạt ngưỡng thấp nhất là nước có thu nhập cao vào năm 2045); Kịch bản phấn đấu với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng đạt 7,2%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

Với quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể quốc gia thì cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh, vì vậy, Quốc hội không nên đưa vào Nghị quyết những con số quá cụ thể như GDP, thu nhập bình quân đầu người... mà cần đạt được tính khái quát cao hơn, ưu tiên hơn cho mục tiêu không gian phát triển quốc gia được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc. Nếu vẫn giữ các chỉ tiêu cụ thể ở kịch bản tăng trưởng cao thì cần làm rõ Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ đóng vai trò cụ thể như thế nào để tạo ra được những đột phá, những động lực hay những trụ cột chính góp phần vào thực hiện mục tiêu đó.

Việc đánh giá tính khả thi của các mục tiêu cụ thể cần dự báo bối cảnh thế giới và trong nước sẽ tác động đến việc thực hiện các kịch bản nói trên như thế nào. Do đây là thời kỳ dài, có nhiều yếu tố bất định, khó lường như: chiến tranh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, công nghệ và mô hình kinh doanh mới, ..., sẽ là những yếu tố đầu vào then chốt tác động đến các biến số của các kịch bản.

Thứ hai, về liên kết vùng và liên kết khu vực: Từ vị trí của tỉnh Quảng trị, đặc biệt tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây nối khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, là tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và trong tương lai sẽ kết nối chặt chẽ hơn nữa với khu vực Vân Nam, Trung Quốc, do đó Quốc hội cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy hoạch phát triển theo Hành lang kinh tế này, coi đó là một mắt xích chính yếu trong việc đón đầu xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

Việt Nam nằm ở điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông – Tây, chạy từ Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo qua các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, giữ vị trí “đắc địa” khi kết nối các nền kinh tế Ấn Độ và Nam Á tới Tiểu vùng Mê Kông, kết nối qua Biển Đông tới các nền kinh tế ASEAN “biển đảo” và các nước khác; góp phần tạo ra những “đại lộ” kinh tế, thương mại nằm ngoài các hành lang, tuyến đường được tạo nên bởi các sáng kiến hợp tác như Hợp tác Mê Kông - Lan Thương, ...

Trong Dự thảo Nghị quyết này đã định hướng bố trí phát triển theo Hành lang kinh tế Đông – Tây, trục Hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng. Tuy nhiên, định hướng phát triển cần nhìn rộng hơn và xa hơn, không chỉ nằm ở việc tận dụng lợi thế cửa ngõ ra biển của Thái Lan và Lào mà cần tận dụng lợi thế của hành lang kinh tế này;

Với vai trò là con đường huyết mạch nối liền với không gian kinh tế sông Hằng (Ấn Độ), mở rộng giao lưu kinh tế giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; kết nối giữa thị trường Trung Quốc và khu vực ASEAN, qua đó giúp Việt Nam tiếp cận gần hơn nữa với các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng, phục vụ cho các ngành sản xuất; thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện mở cửa cho hàng hóa của các địa phương và các nước nằm dọc hành lang này thâm nhập các thị trường đầy tiềm năng của Nam Á, Đông Á và châu Âu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ ngoài khu vực thông qua việc kết nối với các thị trường quốc tế và với khu vực Đông Á, góp phần rút ngắn khoảng cách và chi phí logistics cho việc giao thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Để đảm bảo tính khả thi cao hơn thì Quy hoạch tổng thể quốc gia không cần quá nhiều các con số chi tiết mà cần đạt được tính khái quát cao hơn, ưu tiên hơn cho mục tiêu không gian phát triển quốc gia, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, như quan điểm đã được nêu tại dự thảo nghị quyết.

Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên họp ngày 09/01 sắp tới./.

Tác giả: Nguyễn Thị Lý

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây